28/07/2006
David Matas và David Kilgour - 6 tháng Bảy, 2006
CIPFG (The Coalition to Investigate the Persecution of the Falun Gong in China — Liên hiệp Điều tra về đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc), một tổ chức phi chính phủ đăng ký tại Washington DC với chi nhánh tại Ottawa, Canada, thông qua bức thư ngày 24-5-2006, đã đề nghị chúng tôi trợ giúp trong điều tra về việc cáo buộc rằng các cơ quan và nhân viên nhà nước nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã và đang tiến hành mổ cắp tạng sống và thủ tiêu các học viên Pháp Luân Công. Bức thư yêu cầu đó được đính kèm trong phụ lục của bản Báo cáo này. Nhiều người quan tâm đến Trung Quốc, trong đó có cả hai chúng tôi, rất quan tâm đến cáo buộc này. Nhận thức được tính nghiêm trọng của vụ việc, và từ cam kết của chúng tôi trong đề cao nhân quyền và phẩm giá con người phạm vi toàn cầu, chúng tôi đã nhận lời.
Ông Davis Matas là luật sư tư nhân về di trú, tị nạn và nhân quyền quốc tế, ở Winnipeg. Ông đã hoạt động tích cực trong lĩnh vực nhân quyền qua các vai trò như tác giả, thuyết trình, và tham gia một số tổ chức nhân quyền phi chính phủ.
Ông David Kilgour là cựu đại biểu Quốc hội và cựu Thứ trưởng Bộ ngoại giao Canada chuyên trách về vùng Châu Á Thái Bình Dương. Trước khi trở thành đại biểu Quốc hội, ông đã là công tố viên. Tiểu sử của hai tác giả bản báo cáo này được đính kèm trong phần phụ lục.
Điều tra của chúng tôi được tiến hành độc lập với CIPFG, với Học hội Pháp Luân Đại Pháp, với bất kể tổ chức phi chính phủ hoặc chính phủ nào. Chúng tôi đã tìm cách đến thực địa Trung Quốc nhưng bất thành. Tuy nhiên chúng tôi vẫn muốn rằng sẽ có thể đến Trung Quốc điều tra trong vòng điều tra thứ hai nếu như có thể tiếp cận được nhân chứng và các tổ chức liên đới.
Chúng tôi đã phỏng vấn các nhân chứng như được liệt kê trong phần phụ lục đính kèm, cũng như đã đọc rất nhiều tư liệu và thông tin liên quan. Để làm báo cáo này, chúng tôi không nhận thù lao của bất kỳ ai. Báo cáo này được làm hoàn toàn trên cơ sở tình nguyện cá nhân.
Đã có tố cáo rằng, hiện nay các học viên Pháp Luân Công đã và đang là nạn nhân của mổ cắp tạng sống tại Trung Quốc. Lời cáo buộc tuyên bố rằng các học viên Pháp Luân Công bị biến thành nạn nhân tại rất nhiều nơi khác nhau ngoài nguyện ý của họ, và hoạt động này được tiến hành có tổ chức, có chính sách với một quy mô số lượng lớn.
Mổ lấy tạng là một bước trong quy trình cấy ghép tạng. Mục đích là để có được bộ phận cơ thể người phục vụ cho việc cấy ghép. Thủ thuật cấy ghép không bắt buộc là phải diễn ra cùng chỗ với nơi diễn ra hoạt động mổ lấy tạng. Hai địa điểm thông thường là khác nhau. Mổ lấy tạng tại một nơi, sau đó tạng người được chuyển đến một nơi khác để được cấy ghép.
Cáo buộc còn đi xa hơn nữa, khi tuyên bố rằng hoạt động mổ lấy tạng này diễn ra ngay khi nạn nhân là học viên Pháp Luân Công đang còn sống. Học viên Pháp Luân Công chết trong lúc bị mổ lấy tạng, hoặc bị giết ngay sau đó. Như vậy, thủ thuật mổ này là một hình thức của hành vi sát nhân.
Cuối cùng, lời cáo buộc tuyên bố rằng, xác nạn nhân sẽ bị thiêu huỷ ngay sau đó. Không có xác người còn lại để xác minh nguồn gốc của tạng hay để điều tra nghiên cứu.
Nếu nhìn nhận rằng hoạt động như lời cáo buộc đưa ra bên trên đang được diễn ra theo chỉ đạo của một chính phủ ngay vào đầu những năm của thế kỷ 21 này, khi mà giá trị nhân quyền và nhân phẩm đang được đề cao trên phạm vi phổ biến toàn cầu, thì đó là một sự cảnh báo rất nghiêm trọng. Chính vì vậy, sau khi một trong những nhân chứng đầu tiên được ghi hình —đó là một phụ nữ, không phải học viên Pháp Luân Công— gặp chúng tôi theo yêu cầu điều tra, đã nói rằng chồng của chị là bác sỹ giải phẫu đã trực tiếp tham gia trong các ca mổ lấy đi giác mạc khoảng 2000 học viên Pháp Luân Công —khi các học viên này ở trạng thái hôn mê— trong quãng thời gian kéo dài khoảng 2 năm kể từ trước tháng 10-2003, chúng tôi đã bị chấn động. Những gì chúng tôi được chứng kiến từ đó cho đến nay, như được ghi trong báo cáo này, cũng không kém phần rúng động.
Lời cáo buộc, do nội dung và đặc điểm tự nhiên của nó, là khó chứng minh cũng như phản bác. Những bằng chứng tốt nhất để chứng minh là các nhân chứng đã chứng kiến việc này. Nhưng với tội ác loại này, rất khó có được nhân chứng.
Những người có mặt tại nơi xảy ra hành vi tội ác mổ lấy tạng sống của học viên Pháp Luân Công —nếu đó là sự thật— thì sẽ hoặc là nạn nhân, hoặc là thủ phạm. Không có người ngoài. Vì nạn nhân —theo như lời cáo buộc— bị thủ tiêu và thiêu xác, nên cũng không có xác để khám nghiệm tử thi. Cũng không có nạn nhân nào sống sót để kể về việc này. Còn người phạm tội dường như sẽ không tự đứng ra thú nhận về những tội ác phản nhân tính mà họ đã làm. Tuy nhiên, dù không có được những lời thú và lời chứng thật đầy đủ, chúng tôi vẫn thu thập được một số lượng đáng ngạc nhiên những thú nhận thông qua các cuộc điện thoại.
Hiện trường tội ác —nếu tội ác đó là sự thật— cũng sẽ không để lại dấu tích. Sau khi tạng được mổ lấy đi, thì căn phòng mổ đó sẽ là căn phòng trống trải, hoặc sẽ như bất kỳ một căn phòng mổ thông thường nào khác.
Chính sách phong toả các báo cáo về nhân quyền tại Trung Quốc khiến việc điều tra về lời cáo buộc trên trở nên rất khó khăn. Đáng tiếc thay, Trung Quốc vẫn luôn đàn áp những người nào báo cáo hoặc bảo vệ nhân quyền. Tại Trung Quốc không có quyền tự do ngôn luận. Những ai đứng lên báo cáo về vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc thường bị bắt giam, và đôi khi phải chịu lãnh án với tội danh tiết lộ bí mật quốc gia. Trong bối cảnh như vậy, sự im lặng của các tổ chức phi chính phủ trước vấn đề mổ cắp tạng các học viên Pháp Luân Công là không nói lên điều gì hết.
Hội Chữ thập đỏ Quốc tế từng bị từ chối, không cho thăm tù nhân lương tâm tại Trung Quốc. Các tổ chức liên quan khác cũng gặp tình cảnh tương tự. Chính sách này của Trung Quốc cắt đứt nguồn tiết lộ các bằng chứng.
Trung Quốc cũng không có nguồn tin chính thức hợp pháp (về vấn đề này). Không thể có được thông tin chính thức từ các tổ chức chính phủ dù chỉ là các thông tin cơ bản nhất về hoạt động cấy ghép tạng —bao nhiêu ca cấy ghép, xuất xứ của tạng cấy ghép, tạng đó được bán với giá tiền cụ thể là bao nhiêu, v.v.
Chúng tôi đã cố gắng đến Trung Quốc để điều tra cho báo cáo này. Nhưng những cố gắng đó không có kết quả. Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu được gặp gỡ với Lãnh sự quán Trung Quốc để bàn về việc sang Trung Quốc. Bức thư yêu cầu đó cũng được đính kèm trong báo cáo này. Yêu cầu gặp mặt đã được chấp thuận, nhưng người gặp ông David Kilgour chỉ quan tâm đến việc bác bỏ lời cáo buộc mà không quan tâm gì đến việc chúng tôi cần sang Trung Quốc.
Chúng tôi phải xét đến một số lượng các nhân tố, để xác minh xem chúng có vẽ nên một bức tranh toàn cảnh không —khi chúng được ghép lại— từ đó kết luận được rằng cáo buộc là đúng hai sai. Không có bất kể một nhân tố nào, nếu tách riêng ra, có thể tự nó chứng minh hoặc phản bác cáo buộc. Nhưng kết hợp lại, chúng vẽ nên một bức tranh.
Rất nhiều chi tiết riêng rẽ đã được xét đến, mà tự riêng chúng, không cấu thành nên một bằng chứng xác đáng để chứng minh cho cáo buộc. Nhưng nếu chúng không tồn tại, thì có thể phủ định cáo buộc. Tổ hợp của các nhân tố đó, có thể khiến người ta tin rằng cáo buộc là đúng, mặc dù từng nhân tố riêng rẽ không có được ý nghĩa ấy. Nếu như tất cả các nhân tố có thể phủ nhận cáo buộc đều được tính đến nhưng đều được xác định rằng chúng không phủ định được cáo buộc, thì việc kết luận tính đúng đắn cáo buộc là thích đáng.
Việc chứng minh có thể là theo cách quy nạp hoặc suy luận. Các điều tra tội phạm thường được tiến hành theo cách suy luận, khi các chi tiết được xâu kết lại thành một bức tranh toàn cảnh. Điều tra của chúng tôi gặp phải những hạn chế với phương pháp suy luận này. Một số thành phần mà chúng tôi căn cứ vào đó để suy luận, ví dụ, chỉ là nội dung các cuộc điện thoại của điều tra viên.
Chúng tôi dùng phương pháp quy nạp, theo cả các chiều về phía trước và về phía sau. Nếu cáo buộc là đúng, thì làm thế nào chúng ta biết rằng đó là đúng? Nếu cáo buộc là sai, thì làm thế nào để chúng ta kết luận được đó là sai? Những điều gì có thể diễn giải được cho lời cáo buộc, nếu cáo buộc đó là đúng? Trả lời những câu hỏi như vậy đã giúp chúng tôi đi đến kết luận của mình.
Chúng tôi tính đến từng nhân tố riêng cũng như tất cả các nhân tố nào để chứng minh và phản bác; có nhân tố có thể thâu thập được và có nhân tố thì không. Một số dấu vết không dẫn đến đâu cả, nhưng chúng tôi cũng cố gắng theo đuổi.
Kể từ những năm cuối thập kỷ 1990, ĐCSTQ (Đảng cộng sản Trung Quốc) bắt đầu nhìn nhận Pháp Luân như một mối đe doạ đến quyền lực độc tài về hệ tư tưởng của mình. Mối đe doạ trong nhận thức này, tự nó, không chứng minh cho lời cáo buộc là đúng. Nhưng nếu Pháp Luân Công không bị ĐCSTQ coi như kẻ thù đang đe doạ đến quyền lực trong tay ĐCSTQ, thì cáo buộc có thể không đứng vững.
Pháp Luân Công được sáng lập bởi ông Lý Hồng Chí vào năm 1992 tại vùng đông bắc Trung Quốc. Trong những năm 1980, ông Lý Hồng Chí học khí công (một loại hình tập luyện hô hấp mà đôi khi chúng ta vẫn gọi là “Yoga Trung Quốc” có truyền thống hàng trăm năm tại Trung Quốc, và người ta tin rằng nó cải thiện sức khoẻ và khiến tinh thần trở nên linh mẫn). Các loại khí công và các dạng thức tương tự đều bị đàn áp mạnh mẽ trên toàn Trung Quốc kể từ năm 1949 khi ĐCSTQ lên nắm chính quyền Bắc Kinh. Nhưng hoàn cảnh chính trị đó đã dần dần nới lỏng vào những năm 1980 đối với tất cả các loại hình khí công, kể cả Pháp Luân Công.
Bấy giờ Pháp Luân Công được ông Lý Hồng Chí hình thành chưa được bao lâu, và trong đó bao gồm các nhân tố của Nho giáo, Phật giáo, và Đạo giáo. Cốt lõi của nó là thông qua hình thức như thiền tập để cải thiện sức khoẻ thể chất và tâm linh. Hoạt động của Pháp Luân Công không liên quan đến chính trị, và những người theo môn này tìm cách quảng bá tư tưởng Chân Thiện Nhẫn trên diện rộng, vượt khỏi biên giới chủng tộc, quốc gia và văn hoá. Bạo lực là điều mà người theo Pháp Luân Công coi là cấm chỉ và tẩy chay. Ông Lý đã đăng ký môn của mình với Hội nghiên cứu Khí Công, và vào những năm giữa thập kỷ 1990 đã tuyên bố rằng có khoảng 60 triệu người theo Pháp Luân Công. Ban Thể dục Thể thao của chính quyền Trung Quốc đã điều tra và ước tính khoảng 70 triệu người theo Pháp Luân Công vào năm 1999.
Trích dẫn từ một cuốn sách do bà giáo sư Maria Hsia Chang (Mã Lệ Á Trương) viết, tựa đề Pháp Luân Công, do Đại học tổng hợp Yale xuất bản 2004:
“Theo các báo cáo, thành phần chính trong những người theo Pháp Luân Công là những người trung niên và tầng lớp nhân dân bậc trung, mặc dù cũng có cả sinh viên, người cao tuổi và nông dân. Họ thuộc nhiều thành phần xã hội: giáo viên, dược sỹ, quân nhân, cán bộ ĐCSTQ, cán bộ ngoại giao, và cả các quan chức chính phủ khác. Ngoài ra, cũng có báo cáo rằng, trong những người theo Pháp Luân Công, có cả vợ và thân nhân của những cán bộ lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ, kể cả chủ tịch Giang Trạch Dân, thủ tướng Chu Dung Cơ, và các đại biểu Quốc hội, cũng như chính quyền cấp tỉnh thành.” [1]
Pháp Luân Công là một phần trong sự bùng nổ hoạt động tôn giáo các loại diễn ra tại Trung Quốc vốn bắt đầu từ những năm 1980, như là “một phần của xã hội thời hậu Mao khi xuất hiện trống vắng hệ tư tưởng và ĐCSTQ thu hẹp sự điều khiển tư tưởng người dân của mình” [1] Sự phổ biến nhanh chóng của Pháp Luân Công nói riêng, rất có thể, là do đặc điểm kết hợp giữa khoa học hiện đại và giá trị truyền thống lâu đời của người Trung Hoa.
Trước khi bị cấm chỉ vào tháng 7-1999, những người theo Pháp Luân Công vẫn tụ họp thường xuyên tại vô số thành phố ở Trung Quốc để tập công. Theo bà Chang, riêng tại Bắc Kinh đã có hơn 2000 điểm luyện công của Pháp Luân Công. Bà viết tiếp, ông Chu Dung Cơ là một trong những người cảm thấy hài lòng trước sự lan rộng của môn tập do ông Lý Hồng Chí truyền dạy, vì lợi ích đưa lại cho xã hội là giảm thiểu chi phí chữa bệnh của các học viên, vì học viên thường khoẻ mạnh. Bản thân chủ tịch Giang, theo các báo cáo, cũng học khí công vào năm 1992 khi là thành viên được mời của môn Thông Công (một nhóm khác với tuyên bố đã có 38 triệu người theo) và môn này đã chữa cho ông bệnh viêm khớp và chứng đau cổ. (Tuy nhiên, vào đầu năm 2000, chính quyền của Giang đã cấm chỉ môn Thông Công với nhãn hiệu “tà giáo” và khiến người đứng đầu môn này phải ra khỏi Trung Quốc).
Cá nhân Giang Trạch Dân bắt đầu đặt Pháp Luân Công vào vị trí đối đầu từ năm 1996. Theo bà Chang và nhiều quan sát viên khác, điều ấy bắt đầu khi cuốn sách của ông Lý Hồng Chí, cuốn “Chuyển Pháp Luân”, được in và bán vèo cả gần triệu bản trên toàn Trung Quốc. Điều ấy khiến một số lãnh đạo cấp cao, trong đó có Giang, trở nên cảnh giác trước sự phổ biến nhanh chóng của môn tập này. Cho rằng đó là một đe doạ có thể dẫn đến đảo chính, họ đã bắt đầu cấm bán cuốn sách “Pháp Luân Công Trung Quốc” cùng một số ấn bản khác, và họ khuyến khích những học viên nào không hài lòng với Pháp Luân Công đi buộc tội rằng ông Lý đã đánh cắp những (tri thức) của cộng đồng. Bà Chang viết:
“Cảm thấy mình và Pháp Luân Công đã rơi vào tình huống bị tẩy chay, và bị coi là nhân tố khiến giới chức lãnh đạo cấp cao phải đề phòng, ông Lý Hồng Chí đã di trú sang Mỹ Quốc và trở thành công dân di trú vĩnh viễn ở đó vào đầu năm 1998.” [1]
Giai đoạn không bạo lực của chiến dịch (đàn áp Pháp Luân Công) tiếp diễn cho đến tháng 5-1998, khi người phóng viên phỏng vấn trong một chương trình truyền hình của chính quyền Trung Quốc đã gọi Pháp Luân Công là “mê tín”. Theo nghiên cứu của bà Chang, sự kiện này đã khiến hàng trăm đảng viên và cựu quan chức lãnh đạo chính quyền và quân đội đang theo học Pháp Luân Công đã thỉnh nguyện lên Giang Trạch Dân yêu cầu hợp pháp hoá Pháp Luân Công, nhưng bất thành. Lãnh đạo của ĐCSTQ đã cho ra một bài báo đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Trẻ, trong đó cái tên Pháp Luân Công được đặt riêng ra như là một môn mê tín gây tác hại cho sức khoẻ với lý do rằng người học từ chối các quy trình đảm bảo sức khoẻ dù có mắc bệnh nguy kịch. Rất nhiều người theo Pháp Luân Công đã đến thỉnh nguyện ôn hoà trước toà báo ở Thiên Tân để phản đối nội dung bài báo. Cảnh sát đặc nhiệm đã đến đánh đập và bắt người, dẫn đến một cuộc biểu tình lớn diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh.
Ngày 25-4-1999, khoảng 10 đến 16 nghìn công dân Trung Quốc tụ tập từ sáng đến đêm bên ngoài thủ phủ Trung Nam Hải của quan chức ĐCSTQ, ngay cạnh Cấm Thành ở Bắc Kinh. Tham dự biểu tình có cả trí thức, viên chức nhà nước và đảng viên. Đó là cuộc biểu tình yên lặng, không biểu ngữ, không hô khẩu hiệu. Bà Chang viết: “Vào ngày diễn ra biểu tình, Giang Trạch Dân đã yêu cầu được chở đi quanh Trung Nam Hải, và ông dán mắt vào đoàn người biểu tình qua tấm kính mờ của chiếc xe sang trọng limousine. Đêm đó, khi ấn tượng về cuộc biểu tình khiến ông cảnh giác cao độ, ông đã viết thư tay cho Bộ Chính trị Trung ương Đảng để đảm bảo các đồng sự của ông hiểu rằng ông tin ‘tư tưởng Mác-xít nhất định sẽ chiến thắng Pháp Luân Công’.” [1] Quyền lực độc quyền được duy trì cả nửa thế kỷ của ĐCSTQ, chỉ trong một đêm, dưới quan điểm của một cá nhân, đã được hiểu là đang lâm vào tình trạng nguy kịch.
Ông David Ownby, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Á Đông của trường Đại học Montreal, Canada, cũng là một chuyên gia nghiên cứu lịch sử Trung Quốc hiện đại, ngay từ 5 năm trước đây trong văn bản đệ trình cho Viện Đối ngoại Canada đã viết thẳng thắn nhìn nhận về tình trạng từ giữa 2001 trở về trước:
“Bản tính hiền lành của Pháp Luân Công có thể nhận thấy ở Bắc Mỹ và Canada, bên cạnh với cái gọi là đặc tính ‘tà giáo’ của nó tại Trung Quốc phải chăng đang khiến những công dân Canada nào quan tâm đến vấn đề nhân quyền phải để mắt thật kỹ đến vụ việc Pháp Luân Công bị đàn áp tại Trung Quốc.”
Mặc dù giới lãnh đạo Trung Quốc gọi Pháp Luân Công là “tà giáo”, ông Ownby viết:
“Trong những gì mà Pháp Luân Công đang làm ở Bắc Mỹ và Canada, khó mà có thể tìm ra được điều nào đó ủng hộ cho quan điểm nhìn nhận rằng đó là một nhóm ‘tà giáo’ theo đúng nghĩa chung của từ này. Việc chính quyền Trung Quốc đối xử với Pháp Luân Công như một ‘tà giáo’ là không có tính thuyết phục. Trừ phi chính quyền Trung Quốc cho phép các cơ quan điều tra trung lập đến làm sáng tỏ về cáo buộc rằng Pháp Luân Công lộng hành tại Trung Quốc. Hành động của chính quyền Trung Quốc hiện nay dường như là một phản ứng xuất phát từ nỗi sợ hãi trước khả năng có thể dẫn dắt một lượng lớn những người theo học của Pháp Luân Công…”
Nếu quả thực việc mổ lấy tạng các học viên Pháp Luân Công diễn ra rộng khắp ở Trung Quốc, thì có thể hiểu rằng tồn tại một chính sách chỉ đạo từ chính quyền ở đằng sau để dẫn đến việc này. Nhưng đặc điểm bí mật trong chính sách của chính quyền Trung Quốc đã ngăn cản chúng tôi trong việc kiểm định sự tồn tại của một chính sách như vậy.
Tuy nhiên, chúng ta biết rõ rằng đàn áp Pháp Luân Công là có tồn tại, và có chính sách chính thức cho việc này. Một số công bố chính sách rất mạnh mẽ đã được đính kèm vào phần phụ lục của báo cáo này. Các văn bản do chính quyền Trung Quốc và ĐCSTQ công bố ấy, đã kêu gọi bức hại Pháp Luân Công, kể cả bức hại về phương diện thân thể. Những văn bản ấy là tương hợp với cáo buộc mà chúng ta đang đề cập đến.
Theo ông Lý Bách Căn (Li Baigen), bấy giờ là Phó chủ nhiệm Phòng kế hoạch Thị chính Bắc Kinh và đã tham dự cuộc họp đó, năm 1999 đã có ba người phụ trách từ phòng 610 đến triệu tập một cuộc họp gồm khoảng 3000 quan chức chính phủ tại Đại hội trường Nhân Dân ở Bắc Kinh để bàn về chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công, vốn đang được triển khai chưa đạt. Những người biểu tình, thỉnh nguyện vẫn xuất hiện tại các nơi ở Bắc Kinh. Trong cuộc họp, Lý Lan Thanh (Li Lanqing), người đứng đầu phòng 610, đã truyền đạt bằng ‘khẩu dụ’ chính sách mới của chính phủ đối với Pháp Luân Công: “bôi nhọ thanh danh, triệt hạ kinh tế, huỷ diệt thân thể”. Dường như chỉ bắt đầu từ cuộc họp đó, mới có hiện tượng rằng cái chết của học viên Pháp Luân Công trong tay cảnh sát đều được ghi trong hồ sơ là tự sát.
Các học viên Pháp Luân Công tại Canada thuật lại với chúng tôi rằng, thân nhân của họ ở Trung Quốc nghe được các viên chức về hành pháp tại các vùng các nơi ở Trung Quốc đều bảo: “học viên Pháp Luân Công bị đánh chết sẽ được tính là tự sát, và xác sẽ được hoả thiêu tức thời.”
Học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc bị lăng nhục cả bằng lời nói và hành động. Chính quyền ra các chính sách kích động thù hận trong quảng đại quần chúng với mục đích vừa để biện minh cho chính sách đàn áp Pháp Luân Công, vừa để lôi kéo người theo chính sách đó, và cũng là để cản phá những nỗ lực chống đối. Lăng-xê ồ ạt công kích trên cách phương tiện truyền thông của chính quyền nhắm vào một nhóm người, chính dấu hiệu và tiêu chí của những hành vi vi phạm nhân quyền trên diện rộng nhắm vào nhóm người ấy.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International, Đại xá Quốc tế), chính quyền Trung Quốc áp dụng ba chiến lược nhằm đè bẹp Pháp Luân Công: Đánh đập những học viên nào không chịu từ bỏ đức tin, “tẩy não” để cưỡng ép tất cả những học viên Pháp Luân Công nào đã được biết để họ phải công bố bỏ đức tin, và vận dụng các phương tiện truyền thông thật hiệu quả để quảng đại quần chúng chống lại Pháp Luân Công. [3]
Các phương tiện truyền thông quảng bá hàng loạt bài đặc biệt cho sự kiện 23-1-2001, tại đó có năm người mà chính quyền tuyên bố là học viên Pháp Luân Công, gồm cả một cháu bé 12 tuổi cùng mẹ, đã chủ động đến quảng trường Thiên An Môn để tự thiêu. Các phương tiện truyền thông của chính quyền quảng bá rầm rộ lặp lại rất nhiều lần những hình ảnh giật gân như xác người bị cháy, cháu bé, v.v. và các tài liệu quy tội cho Pháp Luân Công. Đây là một sự kiện kích động thù hận trong dân chúng nhắm vào Pháp Luân Công. Sự kiện tự thiêu này, đã có những bằng chứng thuyết phục, chỉ ra rằng thực ra là do chính quyền Trung Quốc dàn dựng từ đầu đến cuối.
Kích động thù hận không chỉ gói gọn như là một dấu hiệu của cuộc đàn áp. Nó cũng đồng thời kích động các hành động bạo lực hoặc tương tự. Thật khó mà tin được rằng cáo buộc đang đề cập tại đây là sự thật nếu như thiếu vắng nhân tố kích động thù hận trong quần chúng này. Nhưng khi xuất hiện nhân tố kích động thù hận cho cả một quần chúng, khiến họ thù ghét Pháp Luân Công, thì việc kinh khủng như quy trình mổ lấy tạng sống của các học viên Pháp Luân Công rồi thủ tiêu họ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Mặc dù chính quyền triển khai chiến dịch như tuyên truyền nói trên, hàng trăm nghìn đàn ông đàn đã vượt những quãng đường xa xôi về đến Bắc Kinh để phản đối với các băng vải căng ra cùng dòng chữ đòi lại thanh danh cho Pháp Luân Công xuất hiện hầu như hàng ngày ở quảng trường Thiên An Môn [4]. Tác giả Jennifer Zeng (Tằng Tranh), từng ở Bắc Kinh và nay đang sống tại Úc, khẳng định rằng bà đã thu thập các thông tin xác đáng và kết luận rằng đến cuối tháng 4-2001, có khoảng 830.000 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giam.
Thực trạng có một số lượng rất lớn các học viên Pháp Luân Công bị giam cầm trong các trại tạm giam bí mật, tự nó, không đủ chứng minh cho cáo buộc. Nhưng nếu thiếu nhân tố này, thì cáo buộc sẽ không đứng vững. Một số lượng khổng lồ người dân rơi vào bàn tay thô bạo đang nắm quyền cả một nhà nước của ĐCSTQ, và những con người đó không được bảo vệ bởi bất kể hình thức luật pháp nào; đó là một nhân tố cấu thành nên nguồn cung cấp của hoạt động mổ lấy tạng người.
Để đàn áp Pháp Luân Công, ông Giang Trạch Dân đã tạo dựng một cơ quan đặc nhiệm —phòng 610, có chi nhánh tại tất cả các tỉnh, thành, huyện xã, học viện, văn phòng chính phủ, cũng tất cả các doanh nghiệp nhà nước [5] [6]— với mục đích triển khai các mũi nhọn triệt hạ Pháp Luân Công. Mệnh lệnh của Giang là cơ quan đặc nhiệm đó phải “nhổ sạch” Pháp Luân Công trong ba tháng [6]. Trong đó bao gồm cả việc tống hết hàng nghìn người này đến hàng nghìn người khác vào nhà tù và các trại tập trung cưỡng bức lao động bắt đầu từ mùa hè 1999. Theo Báo cáo về hoạt động nhân quyền của các quốc gia, phần báo cáo về Trung Quốc, của Quốc vụ viện Hoa Kỳ 2005[7] đã chỉ rõ: cảnh sát Trung Quốc điều hành hàng trăm trại giam cầm và trại lao động cưỡng bức, trong đó 340 trại lao động cưỡng bức mà mỗi cái có thể giam giữ 300.000 người. Bản báo cáo này cũng ước tính, số học viên Pháp Luân Công đã chết trong tay cảnh sát là khoảng từ hàng trăm đến hàng nghìn người.
Một nhân viên điều tra viên đặc trách của Cao uỷ Nhân quyền Liên hiệp quốc viết trong một báo cáo gần đây về các trường hợp tra tấn [8]:
“Kể từ năm 2000 đến nay, đặc trách viên điều tra cùng đồng sự đã có tường trình về 314 vụ được tố cáo là tra tấn khốc hình với Nhà nước Trung Quốc. Những vụ này đại biểu cho hơn 1.600 nạn nhân.” và “ngoài con số nói trên, vụ được gửi vào năm 2003 (E/CN.4/2003/68/Add.1 para. 301) đã tường trình chi tiết những hành vi ngược đãi và khốc hình đối với hàng nghìn học viên Pháp Luân Công”
Hơn nữa, báo cáo chỉ ra rằng trong các nạn nhân liên quan đến tra tấn khốc hình và ngược đãi, có 66% là các học viên Pháp Luân Công, còn lại là người Uighur (11%) (Duy Ngô Nhĩ, Úy Ngột Nhi), công nhân tình dục (8%), người Tây tạng (6%), người bảo vệ nhân quyền (5%), bất đồng chính kiến (2%) và các trường hợp khác (người bị nhiễm HIV/AIDS, theo các nhóm tôn giáo, 2%).
Chính quyền địa phương được phép vô giới hạn về quyền hạn khi triển khai lệnh của Bắc Kinh từ năm 1999 và về sau. Trong đó bao gồm cả việc tuyên truyền vu khống trước quảng đại công chúng rằng học viên Pháp Luân Công tự sát và tự thiêu, rằng học viên Pháp Luân Công giết hoặc làm hại những người thân trong gia đình, rằng học viên Pháp Luân Công chối bỏ y tế. Qua một thời gian không lâu, chiến dịch này đã đạt mục đích mong muốn là làm hầu như tất cả người dân Trung Quốc đều thuận theo cái nhìn của ĐCSTQ về Pháp Luân Công. Sau này cho đến tận cuối năm 1999, sau khi diễn ra hàng loạt những hành vi phạm pháp nhắm vào học viên Pháp Luân Công, chính phủ Trung Quốc đã thông qua một số điều luật mới với mục đích hợp pháp hoá những hành vi này.
Một phần của câu chuyện mà mãi hai mùa hè sau khi nó xảy ra mới được tờ Washington Post đăng (tháng 5-2001) đã nói lên phần nào tính nghiêm trọng trong những gì phòng 610 cùng các cơ quan chính quyền đã triển khai nhắm vào học viên Pháp Luân Công [9]:
“Tại một đồn cảnh sát ở phía tây Bắc Kinh, Âu Đương (Ouyang) bị lột sạch quần áo và thẩm vấn trong năm giờ đồng hồ. ‘Hễ tôi nói sai, hoặc im lặng, hoặc không chịu nói đồng ý, thì họ liền giật tôi bằng những chiếc dùi cui điện’, anh Âu Dương kể. Sau đó anh bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh. Cai ngục bắt anh đứng quay mặt vào tường. Hễ anh cử động, chúng liền giật điện anh; nếu anh mệt quá ngã xuống, thì chúng cũng giật điện…”
“Sau đó anh Âu Dương bị dẫn đến trước một nhóm các học viên Pháp Luân Công cùng bị giam, và phải tuyên bố một lần nữa ly khai (Pháp Luân Công) trước mặt ống kính quay phim. Anh Âu Dương được đưa ra khỏi tù đến tham dự các lớp tẩy não. Sau 12 ngày với mỗi ngày 16 giờ luận giải quanh chủ đề Pháp Luân Công, anh đã ‘tốt nghiệp’. Anh kể: ‘Những gì xảy đến với tôi thật quá khủng khiếp. Trong hai năm qua, tôi đã thực chứng được những gì đồi bại nhất mà con người có thể làm với đồng loại của họ. Chúng tôi thật sự trở thành những con vật hạ đẳng nhất trên quả đất này’.”
Ownby đã nhận xét: các tổ chức nhân quyền “đã đồng thanh lên tiếng chỉ trích chiến dịch tàn bạo của Trung Quốc nhắm vào Pháp Luân Công; và rất nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Canada, đã lên tiếng về việc này”. Ông có dẫn đến một báo cáo năm 2000 của Tổ chức Ân xá Quốc tế, trong đó kể rằng 77 học viên Pháp Luân Công đã “chết ngay trong khi bị giam, hoặc một thời gian ngắn sau khi được thả; đó là những cái chết trong những hoàn cảnh rất đáng ngờ kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công chính thức bắt đầu vào tháng 7-1999”.
Sự giam cầm các học viên Pháp Luân Công —mặc dù hiểu theo một cách nào đó, chỉ là cách thức đàn áp thông thường kiểu Trung Quốc mà trong đó học viên Pháp Luân Công là những nạn nhân bất hạnh— lại có một đặc điểm bất thường. Học viên Pháp Luân Công từ mọi miền Trung Quốc đổ về quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh để thỉnh nguyện hoặc biểu tình đã bị bắt. Những ai nói ra tên và quê quán của mình lập tức sẽ bị công an gửi về công an địa phương nơi họ cư trú. Gia đình của họ sẽ bị coi là có hoạt động Pháp Luân Công và người trong gia đình sẽ bị yêu cầu phải hợp tác với chính quyền để gây sức ép buộc họ phải ly khai Pháp Luân Công. Giám đốc sở nơi họ lao động, những đồng nghiệp của họ, và quan chức địa phương sở tại nơi họ cư trú sẽ phải chịu trách nhiệm và bị phạt vì đã để xảy ra tình trạng là có người ở đó đã lên Bắc Kinh thỉnh nguyện hoặc biểu tình.
Để bảo vệ thân nhân và tránh tình trạng bị người chung quanh ghét bỏ, rất nhiều học viên Pháp Luân Công, khi bị bắt giam, đã không nói ra tên và quê quán của mình. Kết quả là một số lượng rất lớn các học viên bị giam cầm mà giới chức không thể biết được danh tính của họ. Không ai biết họ là ai và từ đâu đến.
Việc không tiết lộ danh tính nguyên là để tự vệ, nhưng rất có thể lại phản tác dụng. Những ai không xác định danh tính quê quán rất dễ bị biến thành nạn nhân (của tội ác mổ cắp tạng), hơn là những ai có xác minh tên tuổi và thân nhân rõ ràng. Số lượng rất đông các học viên ấy đã trở thành một nhóm người không có bất kể cái gì bảo vệ họ, thậm chí theo tiêu chuẩn Trung Quốc.
Một số lượng lớn những học viên vô danh ấy bị đối xử đặc biệt tệ bạc. Khi người ta thuyên chuyển những tù nhân vô danh này trong hệ thống nhà tù của Trung Quốc, người ta không hề phải giải thích lý do của sự thuyên chuyển cho tù nhân ấy.
Liệu số lượng rất đông các học viên vô danh ấy có phải là nguồn cung cấp tạng cho hoạt động mổ cắp tạng hay không? Đương nhiên, sự tồn tại của một lượng lớn những tù nhân vô danh, tự nó, không khẳng định rằng họ đã bị dùng như nguồn cấp tạng. Nhưng sự tồn tại ấy là một lý giải rất xác đáng cho cáo buộc, nếu như cáo buộc đó la đúng sự thật. Những tù nhân như vậy chỉ cần được đưa đi và biến mất, tất cả diễn ra mà không một ai hay biết, ngoài những người trong hệ thống nhà tù Trung Quốc. Thông tin về một lượng lớn những học viên vô danh bị giam cầm được đính kèm theo bản báo cáo này.
Trên thực tế, có rất nhiều học viên Pháp Luân Công mất tích. Những tài liệu đính kèm theo bản báo cáo này là bằng chứng cho sự thật ấy. Nếu tất cả các học viên Pháp Luân Công đều có mặt hoặc có thể xác minh được là đang ở đâu, thì đương nhiên cáo buộc mà chúng ta đang đề cập ở đây sẽ bị bác bỏ lập tức. Tuy nhiên, con người ta có thể bị mất tích vì nhiều lý do khác nhau. Dù thế nào đi nữa mất tích người như vậy đã nói lên vấn đề vi phạm nhân quyền mà chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Nhưng nó không đủ khẳng định rằng họ đã phạm tội mổ tạng người này.
Chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước sự thật là có quá nhiều học viên Pháp Luân Công mất tích; đó là đúng lý. Sự mất tích đó, tự nó, không đủ nói lên rằng cáo buộc mà chúng ta đang đề cập đến là đúng. Nhưng cũng như nhiều nhân tố khác, nhân tố này là tương khớp với cáo buộc.
Có một số nguồn cấp tạng có thể xác minh. Chúng ta đều biết rằng, một số tạng người là từ tù nhân lĩnh án tử hình. Một số trường hợp hiếm khác là do thân nhân của người bệnh hiến tặng. Nhưng có sự chênh lệch quá lớn giữa các con số. Số lượng tù nhân chịu tử hình cộng với số người thân nhân hiến tặng là vô cùng nhỏ bé so với số tạng được sử dụng trong các ca cấy ghép.
Số tù nhân bị tử hình tại Trung Quốc là con số không được công bố. Chúng tôi lấy con số này dựa trên các ước đoán, như trình bày trong phần đính kèm theo bản báo cáo này. Chúng tôi đã tính đến tất cả những trường hợp bị tử tù, và đó là một con số rất lớn, nhưng vẫn là quá nhỏ bé so với con số ước tính về những ca cấy ghép tạng.
Ít nhất, 98% nguồn cấp tạng là không phải do thân nhân của người bệnh hiến tặng [10]. Ví dụ, trong việc cấy ghép thận, chỉ có 227 ca trong tổng số 40.393 ca —khoảng 0,6%— cấy ghép thận từ 1971 đến 2001 tại Trung Quốc là có nguồn gốc từ thân nhân [11]. Dân tộc Trung Hoa, theo truyền thống muốn chết toàn thây, thường không chấp thuận hiến tặng các bộ phận cơ thể sau khi chết. Ngoài ra, tại Trung Quốc, không có một tổ chức nào được chính thức lập ra để giải quyết vấn đề hiến tặng tạng người [12] [10].
Mãi đến cuối năm ngoái, chính quyền Trung Quốc mới chịu công nhận rằng họ có sử dụng tạng của tù tử hình cho hoạt động cấy ghép [13] [14], mặc dù chế độ cộng sản Trung Quốc đã tiến hành hoạt động đó qua hằng bao nhiêu năm. Ngoài ra chính quyền Trung Quốc cũng không có bất kể giới hạn nào cho hoạt động quảng cáo mua bán các bộ phận thân thể những người mà họ gọi là “kẻ thù quốc gia”.
Theo các báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế [15], từ năm 1995 đến 1999, mỗi năm trung bình có 1680 tử tù. Con số trung bình của những năm 2000-2005 là 1616 tử tù mỗi năm. Nói chung, con số tử tù hàng năm có biến động lên xuống. Nhưng con số trung bình tử tù hàng năm nhìn chung là như nhau cả trước và sau khi bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7-1999. Con số tử tù này không cách nào biện minh cho sự tăng trưởng đột biến số lượng các ca ghép tạng của Trung Quốc kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu.
Theo thống kê được công bố, có khoảng 30.000 ca ghép tạng tại Trung Quốc kể từ 1999 về trước [16]; trong đó có 18.500 ca diễn ra trong sáu năm từ 1994 đến 1999 [16] [17]. Theo giáo sư Thạch Bỉnh Nghĩa (Bingyi Shi), phó chủ nhiệm Liên hiệp Y tế Ghép tạng Trung Quốc, thì tổng số tất cả các ca ghép tạng tại Trung Quốc là 90.000 ca kể từ 2005 về trước; như vậy khoảng 60.000 ca ghép tạng đã được tiến hành trong 6 năm 2000-2005 kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu.
Những con số từ các nguồn tạng minh bạch —từ thân nhân, từ người bị chết não,…— luôn luôn vô cùng nhỏ. Với các ca ghép thận, nó chỉ chiếm 0,5% các ca trên toàn quốc [19]. Tổng số những người chết não hiến tặng tạng là 9 người trong tất cả các năm kể từ tháng 3-2006 trở về trước [19] [20]. Không có dấu hiệu nào nói lên rằng những con số này có thể biến động tăng lên trong mấy năm gần đây. Điều đó có thể khiến chúng ta giả thuyết rằng nguồn đã cấp cho 18.500 ca ghép tạng trong 6 năm 1994-1999 vẫn tiếp tục với số lượng không đổi trong 6 năm kế tiếp từ 2000 đến 2005. Như vậy con số chênh lệch 41.500 xuất hiện thêm vào tại 6 năm từ 2000 đến 2005 là không thể lý giải được.
Từ đâu ra 41.500 tạng để cấy ghép? Cáo buộc rằng Trung Quốc mổ cắp tạng các học viên Pháp Luân Công rõ ràng là một lời giải đáp.
Tất nhiên, một số lượng chênh lệch các tạng có nguồn gốc bất minh, tự nó tách riêng ra, không đủ chứng minh rằng cáo buộc là đúng. Và nếu Trung Quốc có thể đưa ra giải đáp đầy đủ cho nguồn tạng bất minh đó, thì cáo buộc sẽ không đứng vững. Nếu có đầy đủ bằng chứng nói rằng những tạng đó là từ cụ thể những tử tù hay thân nhân nào, thì cáo buộc sẽ bị phủ nhận. Tuy nhiên, chắc chắn không hề có được những bằng chứng ấy.
Những đánh giá về số lượng thực những người bị hành quyết tại Trung Quốc thông thường lớn hơn nhiều so với con số thu được từ báo cáo chính thức. Tuy nhiên, không có báo cáo chính thức từ chính quyền Trung Quốc về thống kê toàn thể những tử tù, do vậy những con số của vấn đề này vẫn là đối tượng cần đánh giá.
Một cách là nhìn nhận rằng cần đánh giá trên cơ sở rằng một phần số tù nhân tử hình đã bị dùng cho cấy ghép tạng. Bởi vì một phần trong các tạng được ghép là từ các tử tù, và trước thực tế là có một khoảng cách quá lớn giữa số thân nhân hiến tạng so với số tạng được cấy ghép, nên một số phân tích viên có thể suy diễn rằng trong thời gian qua số lượng tử tù đã tăng nhanh.
Nhưng lập luận như vậy là không thuyết phục. Không thể ước lượng số tử tù từ số lượng ca ghép tạng được; trừ phi tử tù là nguồn cấp tạng chính duy nhất. Trong trường hợp này, theo cáo buộc, các học viên Pháp Luân Công được tính là một nguồn cấp tạng. Không thể loại trừ các học viên Pháp Luân Công khỏi đầu vào cấp tạng chỉ với lý do rằng số tử tù được ước lượng bằng cách suy diễn trực tiếp từ số ca ghép tạng.
Chỉ có tổng số 22 trung tâm ghép gan [21] trên toàn Trung Quốc từ trước năm 1999, nhưng vào trung tuần tháng 4-2006, con số đó là 500 [22] [12]. Số lượng ca ghép gan trên toàn Trung Quốc từ năm 1998 trở về trước là 135 ca [11], nhưng chỉ riêng năm 2005, đã có 4000 ca ghép gan [18]. Đối với thận, các con số cũng có sự tương phản rất rõ rệt: 3.596 ca vào năm 1998 [11], và 10.000 ca vào năm 2005 [15].
Sự tăng đột biến của hoạt động cấy ghép tạng tại Trung Quốc diễn ra trùng khớp và song song với việc đàn áp Pháp Luân Công. Tất nhiên, sự tăng đột biến này, tự nó để riêng ra, không chứng minh cho cáo buộc. Nhưng nó rất tương khớp với cáo buộc. Nếu không có sự trùng khớp song song này, thì cáo buộc đang đề cập tại đây có thể không đứng vững.
Chúng ta biết rằng các học viên Pháp Luân Công được thử máu một cách có hệ thống trong thời gian họ bị giam cầm. Chúng ta đã có một số lượng những người chứng thực rằng việc thử máu một cách có hệ thống các học viên Pháp Luân Công là đúng; vấn đề này không còn có gì phải nghi ngờ nữa. Nhưng tại sao lại xảy ra điều ấy?
Bản thân những học viên Pháp Luân Công đó không được nói cho biết là tại sao. Nhưng thử máu như vậy chắc hẳn không phải là để với mục đích chăm sóc sức khoẻ học viên Pháp Luân Công. Thứ nhất, nếu là để kiểm tra sức khoẻ đơn thuần, thì không cần phải thử máu một cách có hệ thống như vậy. Hơn nữa, vấn đề sức khoẻ của học viên Pháp Luân Công trong trại giam, trên thực tế, được đối xử hết sức tồi tệ về nhiều phương diện khác nhau. Sẽ là một câu hỏi rất đáng ngờ nếu giới chức nhà giam lo lắng cho sức khoẻ của học viên Pháp Luân Công.
Thử máu là thủ tục bắt buộc cần phải có trước khi tiến hành cấy ghép tạng. Người hiến tạng và người nhận phải có những chỉ số sinh học hợp nhau, nếu không tạng ghép sẽ bị cơ thể người nhận đào thải.
Nếu chỉ tách riêng vấn đề thử máu có hệ thống ra, thì nó không chứng minh gì cho cáo buộc là đúng. Nhưng ngược lại thì đúng. Nếu không có thử máu, thì có thể bác bỏ cáo buộc. Hoạt động thử máu các học viên Pháp Luân Công diễn ra rộng khắp trên các nơi giam cầm đã loại trừ khả năng bác bỏ cáo buộc theo phương diện này.
Một số thân nhân của học viên Pháp Luân Công, những học viên đã chết trong khi bị giam cầm, đã báo cáo rằng họ thấy xác của thân nhân họ có những vết mổ giải phẫu và thiếu một số bộ phận cơ thể. Giới chức hữu trách đã không có lời giải đáp thoả đáng cho những người thân của học viên Pháp Luân Công. Bằng chứng về những cái xác bị cắt xén như vậy được đính kèm theo bản báo cáo này.
Chúng tôi chỉ có trong tay rất ít trường hợp xác bị cắt xén như nói trên. Chúng tôi không nhận được lời giải thích chính thức nào cho việc này. Những cái xác này là bằng chứng hoàn toàn khớp với cáo buộc. Không cần phải đoán xem người ta cắt xén các bộ phận đó đi để làm gì nữa.
Chúng tôi đã gặp phỏng vấn nhân chứng, người kể rằng chồng của chị, một bác sỹ giải phẫu, riêng anh ấy trong giai đoạn 2 năm trước tháng 10-2003 ở đông-bắc Trung Quốc đã tham gia khoảng 2000 ca cắt lấy giác mạc các học viên Pháp Luân Công khi học viên ở trong tình trạng mê man, và anh ấy đã từ chối tiếp tục việc làm đó vào tháng 10-2003. Bác sỹ giải phẫu đã nói rõ với vợ mình rằng không một ai trong những nạn nhân bị lấy đi giác mạc ấy còn sống vì họ đã bị lấy đi các bộ phận thiết yếu trong cơ thể, và xác những người đó đã bị tiêu huỷ. Nhân chứng này không phải là học viên Pháp Luân Công.
Sự thú tội này là mang tính thứ cấp. Chị ấy không phải là đang thú nhận việc mà chính chị ấy đã làm. Đó là sự truyền đạt lại sự thú nhận khủng khiếp mà chồng chị thú nhận với chị.
Những tuyên bố của nhân chứng này cũng cần được xác minh tính trung thực của nó, và đó là điều mà báo cáo sẽ làm sau. Nhưng có một điều chúng tôi có thể nói: nếu sự thú nhận này là đáng tin, thì chỉ nó thôi cũng đủ cấu thành nên một cáo buộc cho riêng nó.
Một người trong chúng tôi đã nghe bản phiên dịch Trung-Anh —bản dịch đã được công chứng— những cuộc điện đàm giữa công chức (Trung Quốc) và người gọi điện thay mặt cho cộng đồng học viên Pháp Luân Công Bắc Mỹ và Canada. Công chứng và văn bản tiếng Hoa và tiếng Anh sao từ băng thâu âm đã được đưa đầy đủ cho chúng tôi. Sự chính xác về dịch thuật của những phần hội thoại được sử dụng cho báo cáo này đã được xác thực bởi ông Mr. C. Y., một phiên dịch viên đã được chứng nhận bởi Chính quyền Ontario. Ông xác thực rằng ông đã nghe băng thâu âm cuộc điện đàm dùng cho báo cáo này, đã đọc bản viết ra bằng tiếng Hoa và bản dịch sang tiếng Anh những cuộc điện đàm ấy, và ông khẳng định rằng bản sao từ băng sang văn bản là chính xác và bản dịch sang tiếng Anh là chính xác. Các băng thâu âm cùng các văn bản đó hiện đang được lưu trữ và có thể được tham chiếu khi cần thiết. Ngày 27-5-2006 tại Toronto, một người trong chúng tôi đã gặp mặt hai trong những người gọi điện để thảo luận về thủ tục, thời gian, cách thức thâu âm, sự chính xác khi dịch sang tiếng Anh và những chi tiết khác liên đới đến việc này.
Một trong những người gọi điện —chúng tôi tạm gọi là cô M., vì cần phải bảo đảm an toàn cho những thân nhân của cô hiện vẫn đang sống tại Trung Quốc— đã thuật lại rằng vào đầu tháng 3-2006, cô đã tìm cách gọi điện được đến Bộ Công An tỉnh Sơn Tây, và người ở đó đã bảo cô rằng những tù nhân trẻ, khoẻ mạnh trong các nhà tù được lựa chọn để làm người “hiến” tạng. Nếu người đó không bị “lừa phỉng” và không chịu cho lấy đủ mẫu máu cần thiết cho xét nghiệm phục vụ cấy ghép tạng, thì các viên chức sẽ vờ như làm ngơ và những nhân viên sẽ dùng vũ lực để lấy mẫu máu.
Khoảng này 18 hoặc 19-3-2006, cô M đã nói chuyện với một đại diện Viện Mắt Bệnh viện Quân đội Giải phóng Nhân dân tại Thẩm Dương ở đông-bắc Trung Quốc. Mặc dù cô không ghi chép ra toàn bộ cuộc điện đàm, nhưng qua những gì cô viết cho thấy rằng ông kia đã nhận là Dược sỹ trưởng của Viện, và ở đó họ đã tiến hành “rất nhiều ca mổ giác mạc”, rồi nói thêm rằng hiện “chúng tôi hiện có giác mạc tươi mới”. Khi được hỏi là thế nghĩa là sao, thì ông Dược sỹ trưởng giải thích rằng, nghĩa là “vừa được cắt ra từ cơ thể”.
Tại Bệnh viên Quân Y 301 tại Bắc Kinh, vào tháng 4-2006, một nữ bác sỹ mổ đã nói với cô M rằng chính bác sỹ là người sẽ tiến hành cấy ghép gan, và nguồn gốc những lá gan đó là “bí mật quốc gia”, và nếu ai tiết lộ nguồn gốc những lá gan đó thì sẽ “không được phép tham gia hoạt động giải phẫu đó nữa”.
Người điều tra thứ hai là cho Tổ chức quốc tế Điều tra về Đàn áp Pháp Luân Công —chúng tôi tạm gọi là cô N— đã gọi điện từ Mỹ quốc sang Trung Quốc. Cô N đã gọi điện đến khoảng 30 bệnh viện, trại giam và toà án tại khắp nơi Trung Quốc, và đã thu băng được một số lượng những thừa nhận rằng đã lấy tạng của học viên Pháp Luân Công. Cách làm, cách dịch của cô —cũng được người của chúng tôi gặp tại Toronto vào 27-5-2006 và ghi lại— cũng gần như giống với cô M. Như vậy, cả hai chúng tôi đều công nhận tính chính xác rằng những gì chúng tôi nhận được đã phản ánh chính xác những gì đã diễn ra tại điện thoại. Người dịch sang tiếng Anh cũng chính là người đã gọi điện thoại điều tra và thâu âm.
Những thừa nhận qua điện thoại của bệnh viện và trại giam
TẠNG CỦA HỌC VIÊN PHÁP LUÂN CÔNG VẪN CÓ SẴN CHO HOẠT ĐỘNG CẤY GHÉP
Thừa nhận từ trại giam Mật Sơn:
Ngày 8-6-2006, một viên chức tại trại giam thành phố Mật Sơn, tỉnh Hắc Long Giang đã thừa nhận rằng bấy giờ đang có ít nhất 5 hoặc 6 học viên Pháp Luân Công nam với tuổi dưới 40 đang bị giam làm nguồn cấp tạng. Ông Lý (Li) ấy cũng nói về chi tiết thủ tục lựa chọn học viên Pháp Luân Công làm nguồn cấp tạng cho bệnh viện:
1. Vào thời điểm bấy giờ, trại giam sẽ chọn ra nguồn cấp tạng, không phải là bệnh viện chọn.
2. Giám đốc họ Thôi (Cui) của bệnh viện vào thời điểm cuộc điện đàm, là đầu mối liên lạc của hoạt động cấp tạng.
3. Mẫu máu được lấy ra từ tù nhân được chọn làm nguồn tạng, nhưng tù nhân đó không biết mục đích của thử máu.
4. Trại giam có những biện pháp để lấu được mẫu máu của những tù nhân nào còn “do dự”.
Từ bệnh viện Trung Sơn (Zhongshan) thành phố Thượng Hải:
Một bác sỹ tại bệnh viện Trung Sơn, vào trung tuần tháng 3-2006, nói rằng tất cả các tạng ở chỗ bệnh viện đó đều là từ học viên Pháp Luân Công.
Từ bệnh viện Thiên Phật Sơn (Qianfoshan) ở tỉnh Sơn Đông:
Tháng 3-2006, một bác sỹ ở bệnh viện đó đã ám chỉ rằng ông ấy hiện có tạng của học viên Pháp Luân Công, và nói thêm rằng đến tháng 4 sẽ “có thêm các thân thể loại này…”
Từ bệnh viên Dân tộc (Minzu) thành phố Nam Ninh (Nanning):
Tháng 5-2006, Bác sỹ họ Lục (Lu, nghe qua điện thoại) của bệnh viện nói rằng lúc bấy giờ tại viện không có tạng của học viên Pháp Luân Công, và gợi ý rằng hãy gọi điện sang Quảng Châu (Guangzhou) để có được tạng. Ông ấy cũng thừa nhận rằng trước đó ông đã đến nhà tù để chọn ra những học viên Pháp Luân Công khoẻ mạnh khoảng ba mấy tuổi để làm nguồn cấp tạng.
Từ Đại học Y thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou) tỉnh Hà Nam (Henan):
Trung tuần tháng 3-2006, bác sỹ Vương (Wang, nghe qua điện thoại) của bệnh viện thừa nhận rằng: “chúng tôi chọn toàn những thận của người trẻ và khoẻ mạnh”.
Từ Bệnh viên Quân khu Quảng Châu (Guangzhou):
Tháng 4-2006, bác sỹ họ Chu (Zhu, nghe qua điện thoại) của bệnh viện nói rằng ông hiện có một số thận loại B của học viên Pháp Luân Công; và “một số lô” nữa sẽ về trước 1-5-2006, nhưng sẽ không còn thêm nữa cho đến 20-5-2006 hoặc muộn hơn.
Từ Trung tâm Cấy ghép tạng Đông Phương:
Trung tuần tháng 3-2006, chủ nhiệm họ Tống (Song) của Trung tâm chủ động nói rằng trung tâm hiện có hơn chục “quả tim đang đập”; và khi được hỏi rằng có phải đó có nghĩa là ở trong người đang sống không, thì ông trả lời rằng “Đúng, đúng là như vậy”.
Từ Bệnh viện Đồng tế (Tongji) thành phố Vũ Hán (Wuhan):
Một viên chức của Bệnh viện này đã trả lời “Việc đó không thành vấn đề”, khi người gọi điện nói với ông ta rằng “…Chúng tôi hy vọng rằng sẽ nhận được thận từ những người đang sống. Chúng tôi muốn có tạng từ những tù nhân, ví dụ, từ những học viên Pháp Luân Công đang sống. Như vậy có được không?”.
Từ các trại giam và toà án:
Từ trại giam số 1 thành phố Tần Hoàng Đảo (Qinhuangdao):
Một viên chức của trại đã trả lời người gọi điện vào trung tuần tháng 5-2006 rằng nếu cô ấy muốn có thận của học viên Pháp Luân Công thì hãy liên lạc với Toà án Nhân dân Trung cấp Tần Hoàng Đảo.
Từ Toà án Tần Hoàng Đảo:
Cùng ngày hôm ấy, một viên chức toà án đã nói rằng bấy giờ họ không có thận học viên Pháp Luân Công, nhưng trước đây họ vẫn có, nhất là hồi năm 2001.
Từ phòng hình sự số 1 Toà án Nhân dân tỉnh Cẩm Châu (Jinzhou):
Vào tháng 5-2006, một viên chức tại đó nói với người gọi điện rằng hiện tại việc lấy được thận các học viên Pháp Luân Công là phụ thuộc và “tư cách” người tìm tạng.
Bản đồ miêu tả vị trí các nơi có bệnh viện và trại giam mà từ đó chúng tôi có được lời thừa nhận của viên chức làm việc ở đấy thông quan điều tra bằng gọi điện thoại.
http://img62.imageshack.us/my.php?image=reportmapye1.png
Ghi chú: Theo những người gọi điện thoại, hầu hết những nhân viên tại bệnh viện và trại giam đều từ chối hoặc không muốn nói về thông tin nguồn tạng cho hoạt động cấy ghép tạng, vì đó là những thông tin được xếp vào hạng mục “bí mật quốc gia”.
Phần lớn văn bản viết ra từ các cuộc điện đàm đã được đưa vào phần phụ lục của báo cáo. Tại đây chúng tôi dẫn ra ba ví dụ trong số đó, với mục đích minh hoạ.
1. Trại giam Mật Sơn, tỉnh Hắc Long Giang, ngày 8-6-2006:
M: Chỗ ông có cấp (tạng của tù nhân là học viên) Pháp Luân Công?
Ông Lý: Có, chúng tôi có.
M: Bây giờ?
Ô. Lý: Có
……
M: Chúng tôi có thể lựa chọn, hay là trực tiếp ông sẽ cấp cho chúng tôi?
Ô. Lý: Chúng tôi sẽ cấp cho chị.
M: Giá thành tính thế nào.
Ô. Lý: Chúng ta sẽ thoả thuận khi chị tới đây.
……
M: Ông có bao nhiêu (học viên Pháp Luân Công để lấy tạng) dưới 40 tuổi?
Ô. Lý Có những mấy người cơ.
……
M: Họ là nam hay nữ?
Ô. Lý: Nam.
……
M: Hiện nay, những (tù nhân) nam Pháp Luân Công ấy, ông có bao nhiêu người?
Ô. Lý: Bảy, tám, bây giờ thì ít nhất cũng là năm hoặc sáu người.
M: Họ từ nông thôn hay thành thị?
Ô. Lý: Nông thôn.
2. Bệnh viên Dân Tộc, Nam Ninh, khu tự trị Quảng Tây, ngày 22-5-2006:
M: Ông có thể kiếm được tạng từ tù nhân Pháp Luân Công?
Tôi nói với chị thế này, hiện nay chúng tôi không cách nào lấy được. Kiếm những thứ đó ở Quảng Tây này rất khó. Nếu chị không muốn đợi, thì tôi gợi ý là chị hãy sang bên Quảng Đông, chỗ đó dễ kiếm hơn. Họ ở đó có thể tìm tạng ở khắp toàn quốc. Trong khi họ tiến hành ghép gan thì họ có đồng thời tìm thận cho chị; họ làm việc đó dễ lắm. Nhiều nguồn cấp khó khăn cũng tìm đến họ để nhờ giúp.
M: Vì sao họ dễ tìm tạng như vậy?
Ông Lục: Vì họ là học viện quan trọng. Họ liên lạc hệ thống toà án bằng danh nghĩa của cả trường đại học.
M: Đúng là họ có được tạng của tù nhân Pháp Luân Công chứ?
Ô. Lục: Chính xác.
M: Trước đây ông lấy (tạng của Pháp Luân Công) là từ nhà tù hay trại giam?
Ô. Lục: Từ nhà tù.
M: Đó là từ các tù nhân Pháp Luân Công đang khoẻ mạnh chứ?
Ô. Lục: Đúng rồi, chúng tôi chọn người khoẻ để đảm bảo chất lượng phẫu thuật.
M: Tức là tự ông đích thân chọn?
Ô. Lục: Đúng rồi.
M: Thông thường thì nguồn tạng của ông bao nhiêu tuổi?
Ô. Lục: Khoảng ba mươi mấy tuổi.
M: Vậy là ông đích thân đến nhà tù để chọn?
Ô. Lục: Đúng thế, chúng tôi phải chọn chứ.
M: Nếu người đó không chịu để cho trích thử máu thì sao?
Ô. Lục: Chắc chắn là họ sẽ để chúng tôi xét nghiệm máu.
M: Bằng cách nào?
Ô. Lục: Người ta sẽ có cách. Chị lo làm gì? Chị không cần phải bận tâm đến những việc này. Người ta có các thủ tục của mình.
M: Thế người kia có biết rằng sẽ bị lấy mất tạng không?
Ô. Lục: Không, không biết.
3. Trung tâm Cấy ghép tạng Đông phương, cũng gọi là Bệnh viện Trung ương 1 thành phố Thiên Tân; thành phố Thiên Tân, 15-3-2006:
N: Xin hỏi có phải chủ nhiệm Tống đó không?
Chủ nhiệm Tống: Vâng, tôi đây.
……
N: Bác sỹ cô ấy bảo rằng thận đó rất tốt vì đó là từ người học Pháp Luân Công.
Chủ nhiệm Tống: Tất nhiên rồi. Chúng tôi có toàn những người vẫn còn đang hít thở với những quả tim đang đập… Từ đầu năm đến nay, chúng tôi có hơn chục quả thận, hơn chục quả thận như thế.
N: Hơn chục quả thận như thế? Nghĩa là hơn mười thân người đang sống phải không?
Chủ nhiệm Tống: Đúng vậy.
Trang web của các bệnh viện Trung Quốc quảng cáo về những thời gian chờ đợi ngắn ngủi. Không thể cấy ghép tạng của người chết đã lâu, bởi vì tạng sẽ thoái hoá sau khi cơ thể chết. Nếu chúng ta thừa nhận những quảng cáo ấy từ bệnh viện là những con số có được từ bề nổi, thì điều đó nói lên rằng đằng sau đó có một số lượng lượng lớn những người sống đang chờ đợi để trở thành nguồn cấp tạng theo hầu như bất kể yêu cầu nào.
Thời gian chờ để được ghép tạng tại Trung Quốc nhỏ hơn rất nhiều so với bất kỳ nơi nào khác. Theo trang web của Trung tâm Hỗ trợ Cấy ghép tạng Quốc tế của Trung Quốc: “Chỉ cần phải đợi khoảng một tuần để tìm được người hiến thận thích hợp. Nhiều nhất là một tháng…” [23]. Thậm chí còn khẳng định: “Nếu xảy ra vấn đề gì với tạng được cấp, thì bệnh nhân có thể có lựa chọn là giải phẫu ghép lại với một thận khác trong vòng một tuần.” [24]. Còn Trung tâm Cấy ghép tạng Đông phương tuyên bố trên trang web của mình vào đầu tháng 4-2006 rằng: “Thời gian chờ đợi trung bình (để có được lá gan thích hợp) là hai tuần”. Còn trang web của Bệnh viện Trường Chinh (Changzheng) tại Thượng Hải tuyên bố: “…thời gian trung bình đợi để có gan là khoảng một tuần cho tất cả các bệnh nhân của bệnh viện chúng tôi.”
Trong khi đó thời gian chờ trung bình để có thận tại Canada là 32,5 tháng (thống kê năm 2003) và ở British Columbia thậm chí còn lâu đến 52,5 tháng [27]. Với điều kiện rằng thận chỉ sống sót được đến 24-28 giờ (sau khi bị tách khỏi thân thể người hiến), và gan chỉ sống sót được đến 12 giờ [28], thì cách duy nhất khiến các trung tâm cấy ghép Trung Quốc có được thời gian chờ ngắn ngủi như vậy dành cho bệnh nhân chỉ có thể là Trung Quốc có một kho rất lớn nguồn tạng ghép gồm những người đang sống. Thời gian chờ ngắn ngủi đến mức thật kinh ngạc trong các quảng cáo cũng nói lên rằng Trung Quốc có một hệ thống tìm tạng thích hợp bằng máy tính cùng với một lượng rất lớn người có khả năng trở thành người ‘hiến tạng’.
Những quảng cáo đó không đủ nói lên rằng học viên Pháp Luân Công đã bị biến thành nguồn tạng. Nhưng hiện nay không có nguồn tạng nào khác. Ngay cả khi nếu chúng ta thừa nhận cáo buộc rằng học viên Pháp Luân Công đã bị biến thành nguồn tạng, thì đó cũng cáo buộc duy nhất mà chúng ta từng biết (về nguồn tạng của Trung Quốc). Không đâu chỉ ra được rằng tại Trung Quốc còn có một số lượng rất lớn những người đang sống khác bị biến thành nguồn cấp tạng, với số lượng đủ lớn để đáp ứng cho thực trạng cấy ghép tạng của Trung Quốc.
Một số tư liệu lấy từ các trang web của các trung tâm thay ghép tạng Trung Quốc từ trước tháng 9-3-2006 (thời điểm cáo buộc hoạt động mổ cắp tạng học viên Pháp Luân Công một cách có quy mô được đưa ra công chúng tại Canada và thế giới) cũng là những thông tin khẳng định cho cáo buộc. Rất nhiều tư liệu đó đã được xoá khỏi trang web đó. Điều ấy cũng dễ hiểu. Tại đây, chúng tôi chỉ nói về những trang web mà vẫn còn có thể đọc được các tư liệu như vậy tại đó hoặc tại các lưu trữ có khẳng định rõ là lưu trữ từ trang web nào. Thật kinh ngạc là vẫn còn khá nhiều tư liệu hiển nhiên vẫn còn có thể truy cập được cho đến cuối tháng 6-2006. Chúng tôi liệt kê ở đây 4 trường hợp để minh hoạ:
1. Trang web của Trung tâm Hỗ trợ cấy ghép tạng Quốc tế, Trung Quốc
http://en.zoukiishoku.com/
Thành phố Thẩm Dương (Shenyang)
Tại phiên bản tiếng Anh của website này ngày 17-5-2006 (bản tiếng Hoa đã bị xoá bỏ sau ngày 9-3-2006), ghi rằng Trung tâm được thành lập năm 2003 tại Bệnh viện số 1 Đại học Trung Y “… chuyên dành cho người ngoại quốc. Hầu hết bệnh nhân của chúng tôi là người ngoại quốc”. Ngay mở đầu của website [29] đã ghi rõ: “Người hiến tạng (các tạng mềm, kể cả óc, phổi, tim,…) đều có thể được tìm thấy tức thời!”. Tại một trang khác [30] có tuyên bố “Số lượng thận được thay ghép tối thiểu là 5.000 mỗi năm toàn quốc. Rất nhiều hoạt động phẫu thuật này là được nhà nước Trung Quốc ủng hộ. Toà án nhân dân tối cao, luật pháp nhân dân tối cao, viên chức nhà nước, cảnh sát, hệ thống pháp luật, y tế cộng đồng, tất cả đều phối hợp để đảm bảo hoạt động hiến tạng được hỗ trợ đầy đủ từ nhà nước. Đây là điều duy nhất trên thế giới.”
Tại mục ‘Hỏi và Đáp’, chúng tôi đọc được:
“Trước khi tiến hành thay ghép gan, chúng tôi phải đảm bảo chức năng thẩm thấu của tạng… Chúng tôi ở đây là đảm bảo an toàn nhất so với các nơi khác trên thế giới vốn không có được tạng từ người sống.” [31]
“Hỏi: Có phải tạng và tuỵ được lấy từ người chết não (chết lâm sàng) hay không?”
“Đáp: Tạng của chúng tôi không phải lấy từ nạn nhân chết não vì như thế tình trạng của tạng có thể không tốt.” [32]
2. Website của Trung tâm Cấy ghép tạng Đông phương:
http://www.ootc.net/
Thành phố Thiên Tân
Tại một trang —chúng tôi được báo là trang đó đã bị thay đổi vào giữa tháng 4-2006, nhưng nay vẫn đọc được qua lưu trữ [25]— đã có tuyên bố rằng: “Từ tháng 1-2005 đến nay, chúng tôi đã thay ghép 647 lá gan. Tuần này, 12 lá gan. Thời gian chờ trung bình là 2 tuần.” Biểu đồ cũng bị xoá bỏ vào thời gian đó, nhưng vẫn có thể xem qua lưu trữ [33] qua đó chỉ ra rằng hoạt động thay ghép tạng dường như mới bắt đầu vào năm 1998 (9 ca thay ghép gan trong cả năm 1998) và đến năm 2005 đã đạt con số 2248 [34] cho chỉ riêng 1 trung tâm này.
Hình ảnh về hoạt động cấy ghép gan của Trung tâm Cấy ghép tạng Đông Phương, thành phố Thiên Tân:
http://img144.imageshack.us/my.php?image=reportmap1pq4.png
So sánh: tại Canada, theo Phòng đăng ký Thay ghép tạng, thì số tất cả các ca ghép tạng các loại toàn năm 2005 là 1773 ca.
3. Website của Trung tâm thay ghép gan của bệnh viên Đại học Giao thông
http://www.firsthospital.cn/hospital/index.asp
Thành phố Thượng Hải
Theo những gì đăng trên website, đọc được ngày 26-4-2006: “Số các ca thay ghép gan năm 2001 là 7 ca, năm 2002 là 53 ca, năm 2003 là 105 ca, năm 2004 là 144 ca, năm 2005 là 147 ca, và tháng giêng 2006 là 17 ca.”
4. Website Trung tâm thay ghép tạng Bệnh viên Trường Chinh, liên danh với Đại học Quân Y số 2
http://www.transorgan.com/
Thành phố Thượng Hải
Thông tin này đã bị xoá đi sau 9-3-2006, nhưng vẫn có thể đọc được qua lưu trữ [36], trong đó có đoạn đưa ra các con số về số ca thay ghép gan hàng năm của Trung tâm:
Hình lấy từ website của Trung tâm Thay ghép tạng Bệnh viện Trường Chinh, Thượng Hải:
http://img54.imageshack.us/img54/4916/reportmap2fl7.png
Mẫu “Đơn ghép gan” [37] của trung tâm này có ghi rõ: “Hiện nay, chi phí ghép gan, thủ thuật phí và viện phí cộng lại khoảng 200.000 nhân dân tệ (66.667 đô-la Canada) và thời gian trung bình đợi để có gan là khoảng một tuần cho tất cả các bệnh nhân của bệnh viện chúng tôi.”
Chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn những nạn nhân của cuộc đàn áp Pháp Luân Công hiện đang sống tại Canada nhưng trước đây họ sống tại Trung Quốc. Những phỏng vấn này đã tiết lộ các hoạt động của giới chức Trung Quốc —mặc dù nếu tách riêng ra thì không đủ nói lên điều gì rõ ràng— nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh và xét tất cả lại, thì hoàn toàn tương khớp với cáo buộc.
1. Bà Vương Ngọc Chi (Wang Yuzhi), tại Vancouver:
Ngày 27-5-2006, một người trong chúng tôi đã gặp mặt bà Vương tại Toronto, địa điểm gặp là Đại học Toronto, và được nghe về câu chuyện đầy sóng gió của đời bà. Là một học viên Pháp Luân Công tại, bà đột nhiên trở thành cái gọi là “kẻ thù nhân dân” vào giữa năm 1999. Hầu hết thời gian từ 2000 đến hết năm 2001, bà sống trong trại cưỡng bức lao động. Ở đó 20-50 người bị dồn ép trong gian nhà 15 mét vuông. Cho đến cuối năm 2001, vì kiên quyết không ly khai Pháp Luân Công, nên bà phải đối mặt với cái chết gần kề qua các loại khốc hình dai dẳng, và bà được chuyển đến bệnh viện để được điều trị “đặc biệt”, trong đó có gồm cả ba tháng bị cưỡng bức ăn sau khi bà quyết định tuyệt thực phản đối vì tuyệt vọng và bị những kẻ vô lại phòng 610 đánh đập quá tàn nhẫn.
Tại Cáp Nhĩ Tân (Harbin), bà Wang được khám đầy đủ tại một vài bệnh viện, và rồi bác sỹ khám cho bà có ý nói rằng bà đã bị thương ở nội tạng. Sau đó khi bà nghe được một bác sỹ có nói rằng bà sẽ không thể bình phục, thì nhân viên phòng 610 “đột nhiên không còn quan tâm đến tôi nữa, và cuối cùng tôi đã trốn thoát khỏi bệnh viện”. Sau khi sức khoẻ của bà bình phục trở lại, bà đã tìm cách sang sang sống tại một nước ở Trung Đông. Nhưng kể cả ở đó bà cũng suýt bị người của phòng 610 bắt cóc, bởi vì bà tiếp tục phê phán chế độ Giang Trạch Dân khi bà gặp những người Trung Quốc du lịch sang nước đó. Bà Vương rất biết ơn chính phủ Canada đã can thiệp và cho phép bà sang tị nạn tại Canada. Bà Vương tin rằng sở dĩ bà còn sống được là vì những kẻ hành hạ bà ở Cáp Nhĩ Tân đã cho rằng họ không còn có thể bán tạng của bà để kiếm tiền, rằng tạng của bà đã hỏng sau những “điều trị đặc biệt” của họ ở bệnh viện.
2. Ông Vương Hiểu Hoa (Wang Xiaohua), tại Montreal:
Ông Vương Hiểu Hoa khi gặp mặt chúng tôi vào ngày 27-5-2006 đã cho chúng tôi biết chi tiết về sự đàn áp của viên chức nhà nước mà ông phải gánh chịu trong giai đoạn 2001-2002. Việc đó bắt đầu khi ông bị bắt tại một viện thiết kế ở thành phố Côn Minh (Kunming) nơi ông làm kỹ sư công tác ở đó. Ông bị lục soát nhà cửa, bị cướp đi máy tính và bị đưa đến nhà tù. Vợ ông cùng đứa con hai tuổi chỉ biết khóc than nhìn chiếc xe cảnh sát rời đi. Ở nhà ngục, những tên tù lĩnh án lâu năm đánh ông ngất xỉu, dưới lệnh của những tên cai ngục, với khẩu hiệu của chúng là: “đánh đập là phương thức duy nhất đối đãi (Pháp Luân Công)”.
Sau đó ông Vương được chuyển đến “trung tâm tẩy não” địa phương. Khi ra khỏi đó, ông đã trốn đến một vùng xa xôi ở vùng quê, không có những thân nhân đi cùng, và tìm công việc và làm ở đó. Rồi ông lại bị phòng 610 bắt lần nữa dưới nhãn hiệu “tội phạm truy nã”. Kết quả ông bị chuyển đến trại lao động cưỡng bức số hai tỉnh Vân Nam (Yunnan). Ở đó ông phải tham gia sản xuất tinh thể và đá quý nhân tạo để xuất khẩu, và người ta dùng Ô-xit C-rôm trong quá trình sản xuất. Vì không chịu ly khai Pháp Luân Công, nên ông Vương bị giữ ở đó lao động gần hai năm trời. Tóc ông chuyển sang bạc trắng vì tiếp xúc hoá chất và làm việc cực nhọc 16 giờ hàng ngày.
Tháng giêng 2002, một bệnh viện địa phương đã tiến hành khám sức khoẻ tất cả các học viên Pháp Luân Công một cách có hệ thống đầy đủ, trong đó gồm cả điện tâm đồ, chiếu X-quang toàn thân, kiểm tra gan, máu và thận. Trước khi khám, người ta bảo ông rằng: “Đảng rất quan tâm đến các vị học viên Pháp Luân Công, và muốn chuyển hoá học viên Pháp Luân Công bằng bất kể giá nào.” Không hay biết gì về mục đích thực sự đằng sau việc đó, và ông đã hợp tác với họ. Kỳ diệu thay, ông đã tìm cách thoát khỏi Trung Quốc và đặt chân tới Canada đầu năm 2005. Ông cũng bày tỏ sự biết ơn đến viên chức Di trú của Canada, những người đã đón ông cùng gia đình một cách mau chóng.
3. Bà Cam Na (Gan Na), tại Toronto:
Bà Cam Na từng làm viên chức hải quan tại sân bay quốc tế Bắc Kinh trong 11 năm cho đến giữa năm 1999. Rồi bà cùng một số học viên khác, tuân theo hiến pháp nhà nước Trung Quốc, đã đến thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công đúng tại cơ quan được lập ra làm việc ấy gần trung ương ĐCSTQ ở Bắc Kinh. Nhóm người này bị cảnh sát đánh đập và lôi vào những chiếc xe van đang chờ sẵn và bị đưa đi. Sau lần đó, bà còn bị tống giam năm lần nữa, chỉ là vì bà kiên quyết không ly khai Pháp Luân Công. Một lần, mặc dù bác sỹ tâm thần tuyên bố rõ là tâm thần của bà là tốt, nhưng bà vẫn bị khoá nhốt trong một phòng cùng với tám bệnh nhân gào thét suốt ngày. Sau đó, khi bà đến quảng trường Thiên An Môn căng biểu ngữ “Chân Thiện Nhẫn”, bà đã bị cảnh sát đá. Khi bị đưa trở lại trại giam, những tù nhân khác, dưới lệnh của cai tù, đã đánh đập bà và cưỡng bức bà đứng dưới trời tuyết trong tám giờ đồng hồ không mặc áo khoác.
Những quan sát của bà Cam, liên quan đến việc mổ cắp tạng học viên Pháp Luân Công, có thể không đủ để có tính kết luận. Nhiều học viên Pháp Luân Công cũng từng bị giam giữ cùng với bà ở Bắc Kinh, mỗi phòng giam chứa đến 30 phụ nữ, và họ được gọi bằng những con số có 4 chữ số. Một đêm, những tiếng động khiến bà Cam thức giấc, nhưng phải đến sáng hôm sau mới biết được rằng đêm đó có một số phụ nữ đã bị lôi đi và họ không bao giờ trở lại. Chúng ta không thể đưa ra kết luận gì rõ ràng chỉ với thông tin như vậy. Trong năm tháng trời vào năm 2001, bà Cam đã là một trong 130 phụ nữ học viên Pháp Luân Công trong một đội lao động, mà trong đó hầu hết là học viên Pháp Luân Công, của trại lao động cưỡng bức. Chỉ có học viên Pháp Luân Công trong nhóm đó mới bị lính gác đưa đến một bệnh viện gần đó để làm các xét nghiệm bao gồm cả xét nghiệm máu và nước tiểu, chiếu X-quang, và kiểm tra mắt. Bấy giờ bà cảm thấy việc khám sức khoẻ đó hoàn toàn không ăn nhập với tất cả những gì bà thấy đang diễn ra chung quanh. Nhưng phải mãi về sau này, bà mới được biết về thông tin Trung Quốc mổ cắp tạng các học viên Pháp Luân Công.
Học viên Pháp Luân Công thực ra không phải là nạn nhân duy nhất của những vi phạm nhân quyền nói chung ở Trung Quốc. Vấn đề có hay không việc tù nhân được xếp vào hạng tử tù sẽ có khả năng bị cắt xén tạng tại Trung Quốc sau khi bị hành quyết là một vấn đề không cần phải bàn cãi nữa.
Ngoài Pháp Luân Công, còn có các nhóm người dân khác cũng bị biến thành đối tượng chính của nạn vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc như người Tây Tạng, người theo Cơ-đốc giáo, người Uighurs, các nhà ủng hộ dân chủ, và những người bảo vệ nhân quyền. Tại Trung Quốc, hầu như không thấy có cơ chế luật pháp nào để ngăn cản nạn vi phạm nhân quyền, ví dụ cơ chế thành lập các nhóm hội luật gia độc lập, cơ chế cho phép truy cập đến hoạt động của trại giam, quyền được có xử án công khai. Trung Quốc, chiểu theo “hiến pháp” Trung Quốc, là được cai trị bởi ĐCSTQ, không phải bằng luật pháp công bằng.
Sự hiện diện của nạn vi phạm nhân quyền như vậy ở Trung Quốc, cũng tương tự một số nhân tố khác, tự nó tách riêng ra không khẳng định rằng cáo buộc là đúng. Nhưng nếu không có nhân tố này, thì cáo buộc cũng không đứng vững. Không thể nói rằng cáo buộc là một cái gì nó vượt ra hoặc là nằm ngoài thảm trạng vị phạm nhân quyền nói chung tại Trung Quốc hiện nay. Nếu tách riêng cáo buộc ra, thì một số người có thể thấy cáo buộc này là gây sốc; nhưng nếu đặt nó trong thảm trạng chung về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, thì người ta có thể sẽ không cảm thấy sốc như vậy.
Cấy ghép tạng là một hoạt động siêu lợi nhuận tại Trung Quốc. Chúng ta, về khả năng lý thuyết, có thể truy ra được bao nhiêu tiền mà bệnh nhân nhận tạng ghép đã chi trả cho một bệnh viện nào đó nơi mà họ thay ghép tạng; nhưng chúng ta không thể truy tìm xa hơn được nữa. Chúng ta không thể biết được số tiền bệnh viện đã nhận ấy rồi sẽ được đưa cho ai. Có phải tất cả bác sỹ và y tá liên đới đến tội ác thay ghép tạng này đều nhận được một phần tiền trong đó hay không? Không thể có câu trả lời thoả đáng cho những câu hỏi như vậy, vì chúng ta không có cách nào truy tìm theo dấu vết của những đồng tiền đó.
Theo trang web của Trung tâm hỗ trợ cấy ghép tạng Quốc tế tại Trung Quốc
http://en.zoukiishoku.com/
(thành phố Thẩm Dương)
Trước khi những thông tin này bị xoá đi khỏi trang web đó vào tháng 4-2006, những con số của nó đã nói lên phần nào lợi nhuận của hoạt động thay ghép tạng này [38]:
Thận: 62.000 đô-la mỹ
Gan: 98.000 - 130.000 đô-la mỹ
Gan và thận: 160.000 - 180.000 đô-la mỹ
Thận và tuỵ: 150.000 đô-la mỹ
Phổi: 150.000 - 170.000 đô-la mỹ
Tim: 130.000 - 160.000 đô-la mỹ
Giác mạc: 30.000 đô-la mỹ
Khi điều tra một cáo buộc về tội ác mà trong đó có dính líu đến tiền bạc và di chuyển tiền, chúng ta thường truy tìm theo dấu vết rằng tiền đó đi đâu về đâu. Nhưng tại Trung Quốc, chính sách đóng cửa của họ khiến điều này trở nên bất khả thi. Không biết được tiền đi đâu về đâu, tự nó, không khẳng định được điều gì, nhưng cũng không phủ định được điều gì, gồm cả cáo buộc này.
Tham nhũng là một nạn lớn tại Trung Quốc. Nhiều cơ quan nhà nước, trên thực tế, có hoạt động thuận theo lợi ích của người trả tiền, chứ không phải cho lợi ích của quần chúng nhân dân.
Các quân y viện ở Trung Quốc hoạt động độc lập với Bộ Y tế, và con số những ca thay ghép tạng của họ được coi là con số bí mật. Chúng tôi hiểu rằng con số đó rất lớn. Việc vận chuyển mua bán tạng học viên Pháp Luân Công, nếu có, là tương khớp với (sự gia tăng) của rất nhiều hoạt động kinh tế của quân đội Trung Quốc, nhất là vào những năm gần cho đến năm 2004 khi mà Giang Trạch Dân còn giữ chức Chủ tịch Quân uỷ Trung ương.
Nạn tham nhũng rộng khắp trong giới chức nhà nước Trung Quốc khiến người ta đặt câu hỏi rằng hoạt động mổ cắp và kinh doanh tạng của học viên Pháp Luân Công —nếu có– có phải là hậu quả của chính sách hoặc là hậu quả của việc chạy theo đồng tiền của một số bệnh viện mang tính cá biệt khi họ nhận ra rằng họ có thể lợi dụng điểm yếu bất khả kháng của họ viên Pháp Luân Công một khi học viên Pháp Luân Công bị bắt và bị giam tại ở địa phương nơi bệnh viện. Chính sách đàn áp Pháp Luân Công đẩy các học viên đến chỗ bị giam cầm và bị tước bỏ mọi quyền con người, và bị đặt vào tay các quan chức hủ hoá. Chủ trương tuyên truyền kích động thù hận cũng đồng thời đẩy học viên Pháp Luân Công đến chỗ rằng nếu họ có bị đem ra xẻ thịt thì những ai nghe theo tuyên truyền của chính quyền cũng sẽ không mảy may động lòng.
Hoạt động mổ cắp tạng học viên Pháp Luân Công —nếu tồn tại— là do chính sách hay là sự hủ hoá của giới chức, câu hỏi ấy, đối với chúng ta, có phần khó mà trả lời chắc chắn. Còn bản thân các quan chức Trung Quốc, những người về lý thuyết là đang chịu trách nhiệm cai quản quốc gia, nhưng trên thực tế vẫn phần nhiều không dám nhìn thẳng vào sự tồn tại của nạn tham nhũng, thì đừng nghĩ rằng họ có cách nào chấm dứt nạn tham nhũng ấy. Chúng ta, là những người bên ngoài, sẽ dễ đưa ra kết luận dựa trên kết quả (điều tra) rằng có tồn tại hoạt động mổ cắp tạng học viên Pháp Luân Công hay không, hơn là đi xác định rằng hoạt động đó, nếu có, là do chính sách hay là do quan chức hủ hoá.
Tháng 3-2006, (sau khi cáo buộc được công bố) Trung Quốc đã ra một luật rằng bắt đầu từ 1-7-2006 sẽ cấm biệc bán tạng người và rằng hoạt động thay ghép tạng phải có sự đồng ý của người hiến tạng bằng văn bản. Luật này được ban hành dưới hình thức “điều luật tạm thời”. Luật đó cũng giới hạn hoạt động thay ghép tạng chỉ được phép diễn ra tại một số cơ sở giải phẫu được phép. Cơ sở đó, với mỗi tạng ghép, phải có chứng nhận được tính hợp pháp của nguồn tạng; và cũng phải được đồng ý của các cộng đồng đạo đức.
Luật như vậy là đáng hoan nghênh. Nhưng phải nhấn mạnh một thực tế là không hề có một luật như vậy đang thực sự phát huy tác dụng, và ngay vào thời điểm này đây, hoạt động thay ghép tạng ở Trung Quốc là hoàn toàn không hề có luật nào hết. Hoạt động vô luật như vậy, một lần nữa, không khẳng định rằng cáo buộc là đúng, nhưng sự tồn tại của nhân tố này đã xoá đi một khả năng bác bỏ cáo buộc. Hoạt động thay ghép tạng mà không có luật điều hành tại Trung Quốc đã khiến người ta tiến thêm một bước đến gần hơn tới kết luận rằng cáo buộc là đúng.
Từ 1-7-2006 về trước, Trung Quốc cho phép mua bán tạng người. Luật Trung Quốc cũng không bắt buộc rằng phải có sự đồng ý từ trước của người hiến tạng bằng văn bản. Cũng không có giới hạn rằng cơ sở y tế phải như thế nào mới được phép tiến hành thay ghép tạng. Từ 1-7-2006 về trước, các cơ sở thay ghép tạng cũng không phải giải trình rằng nguồn tạng của họ có hợp pháp hay không, và họ cũng không cần có sự đồng ý của các cộng đồng đạo đức trước khi họ tiến hành cấy ghép tạng người.
Sự hiện diện của “luật” bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2006 cũng không hề nói lên rằng những vấn đề trên, nếu có, sẽ được chấm dứt. Tại Trung Quốc, giữa việc ban bố luật và việc thi hành chúng có một khoảng cách rất xa.
Một ví dụ hiển nhiên: Hiến Pháp Trung Quốc 1982 nói rõ rằng Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia dân chủ ở mức rất cao. Nhưng giờ đây, sau hai mươi bốn năm kể từ ngày ấy, dân chủ ở Trung Quốc vẫn là cái gì đó quá xa vời.
Sự hiện diện của luật về thay ghép tạng ở Trung Quốc không hề nói lên rằng luật ấy đang được triển khai. Trên thực tế, qua các báo cáo cho thấy, rằng những cách thức hoạt động cấy ghép tạng vẫn tiếp tục triển khai như cũ, ít nhất thì cũng là tại một số nơi và trong một khoảng thời gian.
Chúng tôi kết luận rằng những lời thừa nhận được chép ra thành văn bản từ người gọi điện là đáng tin cậy. Chúng tôi tin rằng những cuộc phỏng vấn đó đã xảy ra giữa những người được mô tả trong văn bản vào đúng thời gian được mô tả, và rằng bản sao ra thành văn bản đã phản ánh đúng sự thật.
Hơn nữa, nội dung của những gì đã nói (trong phỏng vấn qua điện đàm), bản thân tự nó, cũng là đáng tin. Thứ nhất, nếu đối chiếu với sự phẫn nộ gần đây của cộng đồng quốc tế về việc Trung Quốc mổ cắp tạng học viên Pháp Luân Công khi mà thế vận hội 2008 dự kiến ở Bắc Kinh đang tới gần, thì những lời thừa nhận tại các cơ quan y tế Trung Quốc là đi ngược lại lợi ích mong muốn của chính quyền Trung Quốc, chính quyền đang cố gắng thuyết phục cộng đồng thế giới rằng không hề có chuyện tàn sát và mổ cắp tạng các học viên Pháp Luân Công trên diện rộng.
Lời chứng của vợ một bác sỹ giải phẫu về hoạt động mổ cắp tạng các học viên Pháp Luân Công là đáng tin cậy đối với chúng tôi, một phần lý do là vì nó hết sức chi tiết. Những chi tiết thu hoạch từ đó, đến lượt nó lại đưa đến một số bài toán mới với chúng tôi, vì rất nhiều thông tin trong đó là không thể kiểm chứng một cách độc lập được.Chúng tôi đã lưỡng lự về việc có nên đặt kết luận của mình dựa vào lời chứng như vậy hay không, và cuối cùng, chúng tôi đã chọn là chỉ dựa vào lời chứng về những phương diện nào nó tương khớp với các bằng chứng khác, chứ không nhìn nhận rằng đó là nguồn thông tin độc lập.
Trong quá trình tiến hành công việc điều tra, chúng tôi đã gặp gỡ một số người mà họ thể hiện một cảm giác lưỡng lự và không dám tin vào cáo buộc. Sự thận trọng đó xuất phát từ một số lý do. Một số người lưỡng lự ấy đã nhắc đến điều mà quan toà toà án tối cao Mỹ Quốc, ông Felix Frankfurter, đã nói với viên chức ngoại giao Ba Lan năm 1943. Ông đã nói như sau khi được ông Jan Karski kể về nạn diệt chủng người Do Thái:
“Tôi không nói rằng anh thanh niên đó đã nói dối tôi. Nhưng tôi nói rằng tôi không thể tin được những gì anh ta đã nói. Đó là chỗ khác biệt.”
Cáo buộc quá khủng khiếp. Khủng khiếp đến mức khiến người ta thấy khó tin. Nếu cáo buộc đó là sự thật, thì quả là chúng ta đang phải chứng kiến một dạng thức ma quỷ quá lố bịch và mới xuất hiệt trên hành tinh này; dẫu có kể đến tất cả những đồi bại về nhân tính trong lịch sử nhân loại mà chúng ta biết được (thì cũng không sánh nổi). Chính sự cao thượng trong chúng ta đã kiềm chế để chúng ta không dám dễ dàng tin vào cáo buộc ấy. Nhưng không tin không có nghĩa rằng cáo buộc là sai.
Quá hiển nhiên, báo cáo này chưa phải là cuối cùng trong công tác điều tra này. Có khá nhiều điều mà chúng tôi, nếu có điều kiện, nên thực thi trước khi hoàn tất báo cáo này. Nhưng làm như vậy có nghĩa là phải theo đuổi một cuộc điều tra mà không được mở rộng (cửa) đối với chúng tôi. Chúng tôi hoan nghênh tất cả những nhận xét về nội dung của bất kể cá nhân hay chính phủ nào nếu họ muốn cung cấp.
Chúng tôi muốn thấy được hồ sơ về tạng được ghép của bệnh viện Trung Quốc. Trong hồ sơ đó có sự đồng ý của người hiến tạng không? Trong đó có ghi rõ nguồn gốc của tạng được ghép không?
Những người hiến tạng có thể vẫn sống sau khi hiến tạng. Không ai sống nổi sau khi hiến tim hoặc gan. Nhưng hiến thận xong thì nói chung vẫn có thể sống. Vậy những người hiến tạng còn sống đó ở đâu? Chúng tôi muốn làm một phép kiểm tra lấy mẫu ngẫu nhiên và kiểm chứng có thể tìm được một số người hiến tạng vẫn sống sót đó.
Còn với những người hiến đã quá cố, thì thân nhân của họ cần phải biết rằng họ đã ưng thuận. Hoặc là chính những thân nhân của họ tuyên bố ưng thuận. Ở đây, chúng tôi cũng muốn làm phép kiểm tra lấy mẫu ngẫu nhiên để kiếm chứng với những trường hợp người hiến đã quá cố, thì thân nhân của họ có đồng ý không hoặc là thân nhân của họ biết rõ rằng người hiến đã đồng ý.
Trung Quốc đã mở rộng rất mạnh và tăng nhanh những cơ sở y tế thay ghép tạng trong mấy năm gần đây. Thông thường, đi đôi với sự bùng nổ nổ đó là những nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng về nguồn gốc của tạng. Chúng tôi muốn được nhìn thấy những nghiên cứu khoa học đó.
Lý tưởng hoá mà nói, chúng tôi nên tiếp tục điều tra xa hơn nữa trước khi đi đến kết luận. Nhưng chính mong muốn điều tra xa hơn nữa ấy cần phải có điều kiện tiên quyết là kết luận chưa đủ chắc chắn. Còn nếu ngay giờ đây, chúng tôi quyết định rằng không còn gì (đáng ngờ) trong cáo buộc đó nữa, thì việc điều tra xa hơn nữa có thể là không cần thiết.
Dựa trên những gì chúng tôi biết, chúng tôi cùng đến một kết luận đáng buồn rằng cáo buộc là đúng sự thật. Chúng tôi cũng tin rằng hoạt động mổ lấy tạng học viên Pháp Luân Công đã xảy ra và đến ngày hôm nay vẫn đang tiếp diễn trên diện rộng mà không được sự đồng ý của học viên Pháp Luân Công.
Chúng tôi cũng kết luận rằng chính phủ Trung Quốc với các cơ quan của mình trải khắp nơi ở Trung Quốc, đặc biệt là bệnh viện, trại giam, và cái gọi là “toà án nhân dân”, từ năm 1999 đến nay đã gây ra cái chết của một số lượng rất lớn, mà đến nay vẫn không biết rõ là bao nhiêu, các tù nhân lương tâm là học viên Pháp Luân Công. Những bộ phận thiết yếu của cơ thể những người tù này —như tim, thận, gan, giác mạc— đã bị lấy cắp và đem bán với giá rất cao; đôi khi bán cho những người ngoại quốc, vốn muốn có những thứ ấy thì phải đợi chờ rất lâu tại quốc gia của mình.
Bao nhiêu người trong số những nạn nhân (trước khi bị tống giam) đã được phép bào chữa, một cách nghiêm túc hoặc là đã qua những phiên toà đúng luật? Chúng tôi không thể đánh giá được con số ấy, vì dường như thông tin ấy không cho những người Trung Quốc biết và cũng không cho những người nước ngoài biết. Chúng tôi thấy rằng những con người đang theo một tổ chức hoà ái kia đã bị ném ra khỏi vòng pháp luật bởi Giang Trạch Dân bảy năm trước đây chỉ vì cá nhân ông ta cho rằng hoạt động của tổ chức đó có thể đe doạ đến quyền lực bá chủ của ĐCSTQ, và kết quả họ bị những người làm trong ngành y tế giết hại để lấy tạng đem bán.
Kết luận của chúng tôi không dựa trên một bằng chứng riêng lẻ, mà dựa trên nhiều bằng chứng ghép lại. Mỗi một bằng chứng riêng lẻ mà chúng tôi dựa vào, là đều có thể kiểm chứng được, và trong hầu hết trường hợp, là hiển nhiên đến mức không cần phải tranh cãi. Khi ghép các nhân tố đó lại, nó vẽ nên một bức tranh khủng khiếp. Khi tất cả được khớp lại, chúng tôi đã tin.
(1) Không cần phải giải thích thêm, hoạt động mổ cắp tạng học viên Pháp Luân Công —nếu tồn tại, và chúng tôi tin là nó tồn tại— phải được chấm dứt ngay lập tức.
(2) Hoạt động mổ cắp tạng của người khác không cần sự đồng ý từ trước, nhất là khi nó được triển khai một cách có hệ thống hoặc trên diện rộng, là hành vi vô nhân tính. Chúng tôi không đứng ở vị trí —với những gì chúng tôi có và thông tin chúng tôi biết— để làm một cuộc điều tra hình sự. Giới chức chuyên trách về tội phạm Trung Quốc cần phải tổ chức điều tra và có được trừng phạt thích đáng.
(3) Các tổ chức nhân quyền thuộc chính phủ, phi chính phủ hoặc quốc tế, những tổ chức có khả năng điều tra tốt hơn chúng tôi rất nhiều, cần phải có một cái nhìn nghiêm túc về cáo buộc này, và cần phải có điều tra và đưa ra kết luận độc lập của mình.
(4) Điều 3 của Giao thức Liên Hiệp Quốc (United Nation Protocol) về Ngăn chặn, Cấm và Trừng phạt hoạt động vận chuyển và bán Người, đã cấm hoạt động mổ cắp tạng trong nhiều hoạt động bị cấm khác. Đề nghị các chính phủ hãy yêu cầu Liên Hiệp Quốc (chúng tôi đề xuất là Hội chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc và Điều tra Đặc trách về Tra tấn của Liên Hiệp Quốc) tiến hành điều tra ngay xem chính phủ Trung Quốc đã hoặc đang vi phạm điều 3 hay không, và cần phải có biện pháp thích đáng trong thời gian sớm nhất.
(5) Từ nay cho đến khi luật về thay ghép tạng thật sự có ý nghĩa và triển khai trên thực tiễn ở Trung Quốc, thì các quốc gia ngoại quốc không cấp thị thực cho những bác sỹ nào từ Trung Quốc xuất cảng với mục đích học tập, nghiên cứu hay bất kể điều gì liên quan đến thay ghép tạng và cơ thể người. Bất kể bác sỹ nào từ Trung Quốc, nếu bị phát hiện có tham gia vào vận chuyển bán tạng người đều phải bị lập tức cấm vào bất kể nước nào.
(6) Tất cả bang và quốc gia cần phải gia cường luật chống vận chuyển và bán tạng. Luật cần yêu cầu rằng bác sỹ phải báo cáo ngay cho giới chức chính quyền của quốc gia sở tại nếu họ phát hiện bất kể bằng chứng gì có ngụ ý rằng bệnh nhân của họ có tạng được lấy từ một ai đó vận chuyển và bán tạng từ ngoại quốc, hoặc từ trại giam ngoại quốc.
(7) Tất cả mọi người cần ngăn chặn, hoặc ít nhất cũng là can ngăn, quốc gia mình đi lấy tạng từ Trung Quốc, cho đến khi nào luật về thay ghép tạng ở Trung Quốc được thực sự triển khai có nghĩa trên thực tế. Các bang và quốc gia, nếu cần, có thể từ chối hộ chiếu hoặc tịch thu hộ chiếu của những ai đến Trung Quốc với mục đích thay ghép tạng.
(8) Từ nay cho đến khi cộng đồng quốc tế thật sự hài lòng với khi thấy luật thay ghép tạng mới ở Trung Quốc được triển khai thoả đáng, thì tất cả các tổ chức tài trợ quốc tế, các tổ chức y tế, cũng như các chuyên gia về ngành y tế sẽ không tham gia vào bất kể hoạt động nghiên cứu hay mít-tinh nào về cấy ghép tạng người do chính quyền Trung Quốc tài trợ hoặc tổ chức. Các công ty và các hãng cần chấm dứt ngay lập tức việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ liên quan đến hoạt động cấy ghép tạng cho Trung Quốc, đến chừng nào luật pháp ở đó thật sự có hiệu quả.
(9) Cần chấm dứt ngay hình thức đối thoại ngoại giao hiện nay về vấn đề nhân quyền giữa Canada và Trung Quốc. Nhà khoa học chính trị Canada và là cựu viên chức ngoại giao Charles Burton gần đây đã tuyên bố thẳng rằng đối thoại ngoại giao hiện nay chỉ là một trò chơi chữ. Những thực tiễn về sau đã chỉ quá rõ rằng Chính phủ (Canada) đã sai lầm khi lựa chọn nói chuyện song phương thay vì Canada tham gia cùng ủng hộ các hoạt động hàng năm chỉ trích chính phủ Trung Quốc tại Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thời bấy giờ.
(10) Hoạt động đàn áp, giam cầm, và ngược đãi các học viên Pháp Luân Công phải được chấm dứt ngay lập tức.
(11) Tất cả các cơ sở giam cầm, kể cả trại lao động (ở Trung Quốc), đều phải được mở rộng cửa cho các điều tra của cộng đồng quốc tế thông qua Cộng đồng Quốc tế hoặc Hội Chữ Thập Đỏ hoặc các tổ chức nhân quyền và nhân đạo.
(12) Các cơ sở y tế của Trung Quốc phải lưu trữ hồ sơ về nguồn tạng của tất cả các tạng được ghép. Các nhân viên điều tra có trách nhiệm nhân quyền quốc tế phải có quyền truy cập đến những hồ sơ đó.
(13) Tất cả người hiến tạng cần có văn bản đồng ý rằng mình hiến tạng. Và những hồ sơ này cũng phải sẵn sàng cho các chuyên viên điều tra truy cập khi cần thiết.
(14) Trung Quốc cũng như tất cả các quốc gia nào đã tham gia đồng ý với Thể lệ chống Tra Tấn (trong đó có cả Canada) phải tuân thủ đúng theo Giao thức đã thoả thuận trong Thể lệ chống Tra Tấn (Optional Protocol to the Convention against Torture).
(15) Trong cấy ghép tạng, cả bên hiến và bên nhận, cần phải có được đồng ý chính thức từ tổ chức chính quyền hữu quan trước khi tiến hành cấy ghép.
(16) Hoạt động mổ lấy tạng từ tử tù phải được chấm dứt tức thời.
(17) Phải chấm dứt mọi hoạt động mua bán tạng người. Các tạng cấy ghép không phải để mua bán.
Chấp thuận theo đề nghị số (1) cũng có nghĩa là đồng ý rằng cáo buộc là đúng. Nhưng với các đề nghị khác thì không đòi hỏi rằng phải nhìn nhận rằng cáo buộc là đúng. Chúng tôi đề xuất rằng cần áp dụng những đề nghị đó dù trong bất kể trường hợp nào.
Ba đề nghị tiếp theo cũng có ngụ ý rằng cần phải tin phần nào vào cáo buộc. Đành rằng ba đề nghị đó không đòi hỏi rằng phải tin rằng cáo buộc là đúng, nhưng chúng chỉ có ý nghĩa khi tin rằng rất có khả năng cáo buộc là đúng sự thật.
Còn các đề nghị khác, thì dù cáo buộc có đúng hay không, đều có ý nghĩa khi triển khai. Năm đề nghị tiếp theo là nhắm đến cộng đồng quốc tế, yêu cầu cộng đồng quốc tế đề cao tại Trung Quốc sự tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế về cấy ghép tạng.
Chúng ta đều biết rõ rằng chính quyền Trung Quốc phủ nhận cáo buộc. Chúng tôi đề xuất rằng, cách thức đáng tin cậy nhất và hiệu quả nhất của chính quyền Trung Quốc để chứng tỏ rằng họ đã phủ nhận một cách hợp lý, là chính quyền Trung Quốc lập tức triển khai ngay các đề nghị từ đề nghị số (9) trở đi. Nếu các đề nghị đó đã được triển khai (tốt từ trước) thì đã không xảy ra sự việc phải cân nhắc đến cáo buộc này.
Đối với những ai còn đang do dự không tin rằng cáo buộc là đúng sự thật, chúng tôi đề xuất rằng quý vị hãy tự hỏi bản thân mình rằng quý vị có thể đưa ra những gì để phòng tránh, tại bất kể bang hay quốc gia nào, sao cho không xảy ra những cáo buộc như thế này. Những biện pháp phòng ngừa hợp tình hợp lý để ngăn chặn hoạt động được đề cập trong cáo buộc đã không hề có tại Trung Quốc. Mãi đến gần đây mới có sự tham gia của luật pháp, còn trước đó thì ngay cả những biện pháp phòng tránh cơ bản nhất để tránh những hành động lạm dụng như đề cập trong cáo buộc đã không hề tồn tại. Ngay cả luật mới ra cũng sẽ không giải được bài toán này đến chừng nào nó chưa được triển khai đầy đủ.
Tất cả các quốc gia, không chỉ Trung Quốc, cũng cần phải có những biện pháp bảo vệ sao cho không xảy ra hiện tượng mổ cắp tạng của những người không muốn, nhưng bị đẩy ra rìa và không được bảo vệ. Bất kể quý vị nghĩ thế nào về cáo buộc này —chúng tôi xin nhắc lại rằng chúng tôi tin rằng cáo buộc đó là đúng sự thật— thì quý vị cũng nên hiểu rằng Trung Quốc là nơi hầu như không có gì để ngăn cản hoạt động bị cáo buộc ở đây xảy ra.
Đã có nhiều lý do để nói rằng (triển khai) án tử hình là sai. Ít nhất thì nó cũng làm tê liệt (nhân tính) của những người đi hành quyết. Khi một quốc gia giết những sinh mạng vốn đã không còn bất kể khả năng bảo vệ gì khi sinh mạng đó bị giam cầm vì tội ác nào đó, thì cũng dễ dàng tiến tiếp một bước bước nữa là lấy đi những bộ phận cơ thể của người đó mà không cần sự đồng ý. Đó là bước dấn tiếp mà, không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã làm. Một khi quốc gia lấy tạng của tử tù mà không cần tử tù đồng ý, thì cũng sẽ là quá dễ để dấn tiếp một bước nữa là mổ lấy tạng của cả những tù nhân khác không cần sự đồng ý miễn là tù nhân đó đã bị làm ô uế thanh danh, bị tước mất quyền con người và không còn khả năng tự bảo vệ. Chúng tôi cực lực yêu cầu chính quyền Trung Quốc —dù họ nghĩ thế nào về cáo buộc nêu ra ở đây— hãy lập tức thiết lập các biện pháp bảo vệ để ngăn ngừa những khả năng nhỏ nhất rằng tạng của các học viên Pháp Luân Công có thể bị mổ cắp.
Ký tên: tất cả những người đệ trình báo cáo này:
Ông David Matas và ông David Kilgour.
Ottawa, ngày 6-7-2006.
Các văn kiện tham chiếu:
[1] Sách của Giáo sư Maria Hsia Chang, tựa đề Pháp Luân Công, Đại học Tổng hợp Yale xuất bản, 2004.
[2] “Pháp Luân Công và ngoại giao Canada-Trung Quốc”, David Ownby, vol 56, International Journal, Viện Đối ngoại Canada xuất bản, mùa Xuân 2001.
[3] http://web.amnesty.org/library/Index/engASA170282001.
[4] “Bắc Kinh nói: Mấy người của một giáo phái lớn phải ra toà” New York Times, 2-12-1999; hoặc http://www.cesnur.org/testi/falun_023.htm; hoặc “Thất bại đã thấy của cuộc đàn áp” Willy Wo-Lap Lam, South China Morning Post 22-4-2000.
[5] “Bài phát biểu của đồng chí Giang Trạch Dân tại hội nghị Trung ương Bộ chính trị về việc xử lý và giải quyết vấn đề Pháp Luân Công”, Phụ lục 6, 7-6-1999.
[6] Nghị quyết 188, Mỹ quốc, http://thomas.loc.gov/cgi-bin/query/z?c107:hc188:.
[7] Báo cáo về hoạt động nhân quyền của các quốc gia, phần báo cáo về Trung Quốc, Quốc vụ viện Hoa Kỳ 2005, http://www.state.gov/g/drl/rls/hrrpt/2005/61605.htm.
[8] Cao uỷ Nhân quyền Liên hiệp quốc: Báo cáo của điều tra viên đặc trách vấn đề tra tấn, đối xử độc ác, vô nhân đạo hoặc phi đạo đức, hoặc trả thù, Manfred Nowak, thu hoạch sau chuyến công tác tại Trung Quốc từ 20-11 đến 2-12 năm 2005, E/CN.4/2006/6/Add.6, 10-3-2006; http://www.ohchr.org/english/bodies/chr/docs/62chr/ecn4-2006-6-Add6.doc.
[9] Tờ Washington Post tin thế giới, “Cực hình để bẻ gãy Pháp Luân Công: Trung Quốc đang huỷ diệt một cách có hệ thống một nhóm người”, John Pomfret và Philip P. Pan, http://www.washingtonpost.com/ac2/wp-dyn?pagename=article&node=&contentId=A33055-2001Aug4.
[10] http://www.transplantation.org.cn/html/2006-04/467.html, Life Weekly, 7-4-2006; trang lưu trữ: http://archive.edoors.com/render.php?uri=http%3A%2F%2Fwww.transplantation.org.cn%2Fhtml%2F2006-04%2F467.html+&x=26&y=11.
[11] http://www.chinapharm.com.cn/html/xxhc/2002124105954.html, China Pharmacy Net, 15-2-2002; trang lưu trữ: http://archive.edoors.com/content5.php?uri=http://www.chinapharm.com.cn/html/xxhc/2002124105954.html.
[12] http://www.chinadaily.com.cn/china/2006-05/05/content_582847.htm, China Daily, 5-5-2006; trang lưu trữ: http://archive.edoors.com/content5.php?uri=http://www.chinadaily.com.cn/china/2006-05/05/content_582847.htm.
[13] “Trung Quốc ‘chỉnh đốn’ việc mua bán tạng tù nhân”, The Times, 3-12-2005; http://www.timesonline.co.uk/article/0,,25689-1901558,00.html.
[14] “Trung Quốc ban bố luật mới về sử dụng tạng của các tù nhân bị kết án tử hình”, tạp chí Cajing, số 147, 28-11-2005 http://caijing.hexun.com/english/detail.aspx?issue=147&sl=2488&id=1430379.
[15] Danh sách các báo cáo thường niên của Tổ chức Ân xá Quốc tế: http://www.amnesty.org/ailib/aireport/index.html; từ danh sách này, quý vị có thể chọn ra để đọc các báo cáo từng năm.
[16] http://www.biotech.org.cn/news/news/show.php?id=864, China Biotech Information Net, 2-12-2002;
http://www.chinapharm.com.cn/html/xxhc/2002124105954.html, China Pharmacy Net, 5-12-2002; trang lưu trữ: http://archive.edoors.com/content5.php?uri=http://www.chinapharm.com.cn/html/xxhc/2002124105954.html;
http://www.people.com.cn/GB/14739/14740/21474/2766303.html, People Daily 7-9-2004, tin từ Tân Hoa Xã.
[17] Số liệu về phẫu thuật ghép tạng (Châu Á và Trung Đông, 1989-2000), Medical Net (Nhật Bản), http://www.medi-net.or.jp/tcnet/DATA/renal_a.html.
[18] http://www.transplantation.org.cn/html/2006-03/394.html, Heath Paper Net, 2-3-2006; trang lưu trữ: http://archive.edoors.com/render.php?uri=http%3A%2F%2Fwww.transplantation.org.cn%2Fhtml%2F2006-03%2F394.html+&x=32&y=11.
[19] “Hiện trạng của cấy ghép tạng Trung Quốc, từ ô nhục đến đại ô nhục”, Kỷ yếu, Đại hội Ghép tạng Quốc tế, http://www.abstracts2view.com/wtc/, Zhonghua K Chen, Fanjun Zeng, Changsheng Ming, Junjie Ma, Jipin Jiang, Học viên nghiên cứu cấy ghép tạng, Bệnh viện Đồng Tế (Tongji), Đại học Đồng Tế, HUST, tỉnh Vũ Hán, Trung Quốc; http://www.abstracts2view.com/wtc/view.php?nu=WTC06L_1100&terms=.
[20] http://www.transplantation.org.cn/html/2006-03/400.html; Báo Thanh niên Bắc Kinh, 6-3-2006.
[21] http://unn.people.com.cn/GB/channel413/417/1100/1131/200010/17/1857.html, People Daily Net và Union News Net, 17-10-2000; lưu trữ: http://archive.edoors.com/content5.php?uri=http://unn.people.com.cn/GB/channel413/417/1100/1131/200010/17/1857.html.
[22] Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Hoàng Kiệt Phu (Huang Jiefu); http://www.transplantation.org.cn/html/2006-04/467.html (Life Weekly, 7-4-2006); lưu trữ: http://archive.edoors.com/render.php?uri=http%3A%2F%2Fwww.transplantation.org.cn%2Fhtml%2F2006-04%2F467.html+&x=26&y=11.
[23] http://en.zoukiishoku.com/list/qa2.htm; lưu trữ: http://archive.edoors.com/render.php?uri=http%3A%2F%2Fen.zoukiishoku.com%2Flist%2Fqa2.htm&x=19&y=11.
[24] http://en.zoukiishoku.com/list/volunteer.htm; lưu trữ tại: http://archive.edoors.com/render.php?uri=http%3A%2F%2Fen.zoukiishoku.com%2Flist%2Fvolunteer.htm+&x=8&y=9.
[25] Trang chủ đã bị thay đổi, nhưng vẫn tìm được nội dung cũ tại lưu trữ: .
[26] http://www.transorgan.com/apply.asp; lưu trữ: http://archive.edoors.com/render.php?uri=http%3A%2F%2Fwww.transorgan.com%2Fapply.asp&x=15&y=8.
[27] Phòng Đăng ký Thay ghép tạng tại Canada, học viện Y tế Canada; http://www.cihi.ca/cihiweb/en/downloads/CORR-CST2005_Gill-rev_July22_2005.ppt; tháng 7-2005.
[28] Hệ thống đối chiếu người hiến tạng, Mạng lưới thu thập và cấy ghép tạng (OPTN); http://www.optn.org/about/transplantation/matchingProcess.asp.
[29] Trang web nguyên gốc đã bị sửa đổi, nhưng vẫn có thể đọc được từ lưu trữ: http://web.archive.org/web/20050305122521/http://en.zoukiishoku.com/.
[30] http://en.zoukiishoku.com/list/facts.htm, hoặc là đọc từ trang lưu trữ: http://archive.edoors.com/render.php?uri=http%3A%2F%2Fen.zoukiishoku.com%2Flist%2Ffacts.htm&x=24&y=12.
[31] http://en.zoukiishoku.com/list/qa.htm, hoặc là đọc từ trang lưu trữ: http://archive.edoors.com/render.php?uri=http%3A%2F%2Fen.zoukiishoku.com%2Flist%2Fqa.htm&x=27&y=10
[32] http://en.zoukiishoku.com/list/qa7.htm, hoặc đọc từ trang lưu trữ: http://archive.edoors.com/render.php?uri=http%3A%2F%2Fen.zoukiishoku.com%2Flist%2Fqa7.htm&x=35&y=10
[33] Trang web nguyên gốc đã bị sửa đổi, có thể đọc được từ lưu trữ: (http://archive.edoors.com/content5.php?uri=http://www.ootc.net/special_images/ooct_achievement.jpg), ( http://archive.edoors.com/content5.php?uri=http://www.ootc.net/special_images/ootc2.png).
[34] Trang web đã bị sửa đổi, có thể đọc nội dung cũ tại lưu trữ: (http://archive.edoors.com/content5.php?uri=http://www.ootc.net/special_images/ooct_case.jpg), (http://archive.edoors.com/content5.php?uri=http://www.ootc.net/special_images/ootc1.png).
[35] http://www.health.sohu.com/20060426/n243015842.shtml, lưu trữ tại: http://archive.edoors.com/content5.php?uri=http://health.sohu.com/52/81/harticle15198152.shtml
[36] Trang nguyên gốc đã bị xoá đi, nhưng có thể đọc từ lưu trữ: http://web.archive.org/web/20050317130117/http://www.transorgan.com/about_g_intro.asp
[37] http://www.transorgan.com/apply.asp, lưu trữ tại http://archive.edoors.com/render.php?uri=http%3A%2F%2Fwww.transorgan.com%2Fapply.asp&x=15&y=8.
[38] Vẫn có thể đọc từ trang lưu trữ: http://archive.edoors.com/render.php?uri=http%3A%2F%2Fen.zoukiishoku.com%2Flist%2Fcost.htm+&x=16&y=11.