Một quyển sách
đã truyền cảm hứng cho hơn 350 triệu người
thoái xuất khỏi Đảng Cộng Sản Trung Quốc

17 năm sau dịch bệnh SARS, ĐCSTQ tiếp tục che đậy thông tin về dịch bệnh Coronavirus mới gây chết người

17 năm sau thảm họa SARS, chính quyền cộng sản Trung Quốc tiếp tục che đậy thông tin – lần này là với chủng virus corona mới bùng phát vào cuối năm ngoái, và cho đến ngày 3 tháng 2 năm 2020 đã lấy đi sinh mệnh của 362 người.

Kể từ ca lây nhiễm đầu tiên được báo cáo tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào ngày 8 tháng 12 năm 2019, chính quyền Trung Quốc đã làm việc cật lực chỉ để kiểm duyệt thông tin.

Ngày 1 tháng 1 năm 2020, tám cư dân mạng đã bị bắt vì chia sẻ thông tin về loại virus này trên Internet và bị buộc tội “phát tán tin đồn”.

Từ ngày 6-10 tháng 1 năm 2020, chính phủ đã báo cáo không có trường hợp lây nhiễm mới, cùng thời gian này cũng diễn ra hai sự kiện chính trị lớn: các cuộc họp thường niên của Đại hội Nhân dân của thành phố và Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân.

Mấy ngày sau, khi các ca nhiễm bệnh lần lượt được báo cáo ở Hồng Kông và các nước châu Á khác như Thái Lan và Nhật Bản, Vũ Hán vẫn là thành phố duy nhất ở Trung Quốc có bệnh nhân nhiễm virus corona, khiến người dân ở Đại Lục gọi đó là “virus yêu nước.”

Thậm chí vào ngày 23 tháng 1 năm 2020, bốn ngày trước khi Vũ Hán bị phong tỏa, Lý Cương – giám đốc kiêm bác sỹ trưởng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán, còn phát biểu với Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) rằng “nguy cơ lây nhiễm liên tục từ người sang người là thấp”, và “với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát của chúng tôi, dịch bệnh có thể được ngăn chặn và kiểm soát.”

Trong khi các nhân viên y tế đang phải điều trị bệnh nhân không ngơi nghỉ, các bệnh viện đang trong tình trạng thiếu thốn dụng cụ xét nghiệm và trang phục bảo hộ, và bệnh nhân không tìm được giường bệnh mà phải “tự cách ly” tại nhà, thì quan chức tỉnh Hồ Bắc vẫn tận hưởng chương trình ca múa nhạc, mở tiệc đón Tết với hơn 40.000 gia đình.

Cư dân mạng rất phẫn nộ; ngay cả phóng viên cao cấp Trương Âu Á của tờ Nhật báo Hồ Bắc, cơ quan ngôn luận của Đảng ủy tỉnh này, đã có một động thái hiếm thấy và công khai chỉ trích chính quyền.

Khi tình hình nhanh chóng xuống dốc, số bệnh nhân nhiễm virus tăng theo cấp số nhân, chính quyền cuối cùng đã đứng ra tuyên bố phong tỏa Vũ Hán và hàng chục thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc.

Nhưng đã quá muộn – virus đã lan sang các khu vực khác của Trung Quốc do việc di chuyển tấp nập trong kỳ nghỉ lễ ở trung tâm giao thông của quốc gia này. Chỉ hai ngày sau lệnh phong tỏa, 30 tỉnh thành ở Trung Quốc đã báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh và tuyên bố “Tình trạng khẩn cấp cấp độ 1 về sức khỏe cộng đồng.”

Không một cơ quan truyền thông nhà nước nào đề cập đến cuộc khủng hoảng này trên tít báo, mà chỉ đăng bài phát biểu mừng năm mới của ông Tập Cận Bình và tin tức đón Tết. Đài CCTV chỉ phát sóng đúng một phút về việc phong tỏa Vũ Hán trong bản tin thời sự tối vào giờ vàng của đài.

Thậm chí cho đến hôm nay, chính phủ vẫn tiếp tục cản trở truyền thông đưa tin về virus corona và không cho các y bác sỹ tham gia phỏng vấn. Những người đã đăng tin trên WeChat và các mạng xã hội khác tiếp tục bị bắt giữ và có khả năng bị ngồi tù nhiều năm vì tội “phát tán tin đồn và gây tác động tiêu cực cho xã hội.”

Trên Internet, người dân đang dùng từ đồng âm để bình luận rằng dịch viêm phổi là hệ quả của việc “làm bốc hơi tiếng nói của nhân dân”, dịch bệnh này là quả báo cho việc kiểm soát dư luận, và việc phong tỏa thành phố là cái giá của việc “bịt miệng dân.”


Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2020/1/25/400042.html

Bản tiếng Anh: http://en.minghui.org/html/articles/2020/1/30/183015.html

Nguồn: http://vn.minghui.org/news/162022-17-nam-sau-dich-benh-sars-dcstq-tiep-tuc-che-day-thong-tin-ve-dich-benh-coronavirus-moi-gay-chet-nguoi.html

Ngày đăng: 4-02-2020