Các biện pháp trừng phạt Đảng Cộng sản Trung Quốc và hệ quả đối với những người vi phạm nhân quyền
Bài viết của Tinh Thần
Nhiều quốc gia đã đưa ra những hành động chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì các chiến dịch đưa tin sai lệch và biến dịch virus corona thành một đại dịch toàn cầu khiến hàng chục triệu người bị nhiễm bệnh.
Ví dụ, ngày 2 tháng 10, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) đã ban hành một hướng dẫn nhằm từ chối những đương đơn là thành viên của Đảng Cộng sản và/hoặc bất kỳ đảng toàn trị nào khác. Vương quốc Anh và Nhật Bản, cũng như các nước khác, đã có kế hoạch thực thi các biện pháp tương tự.
Các thành viên của ĐCSTQ và Đoàn Thanh niên Cộng sản bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ
Sổ tay Chính sách USCIS giải thích: “Cơ sở để từ chối nhập cảnh cho các thành viên hoặc người có liên hệ với đảng cộng sản hoặc bất kỳ đảng toàn trị nào khác chỉ là một trong các quy định pháp luật do Quốc hội thông qua nhằm giải quyết các mối đe dọa đối với sự an toàn và an ninh của Hoa Kỳ. “Mục đích ban đầu là để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi các hành động lật đổ và chống lại nước Mỹ được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.”
Luật sư di trú Gary Chodorow cho biết việc loại trừ các thành viên của tổ chức cộng sản phù hợp với các giá trị của Hoa Kỳ và nó đã được nêu rõ trong Đạo luật An ninh Nội bộ năm 1950. Trong một bài viết trên trang blog Luật và Biên giới (Law and Borders Blog) với tiêu đề: “Cập nhật Sổ tay Chính sách của USCIS về Nhập cảnh cho Thành viên của Đảng Cộng sản” (USCIS Policy Manual Update on Immigrant Membership in the Communist Party), ông cho biết ĐCSTQ duy trì quyền lực bằng cách thâm nhập vào mọi mặt trong cuộc sống của mỗi người dân.
Ông tiếp tục: “ĐCSTQ xâm nhập vào mọi tầng lớp xã hội, giật dây kiểm soát mọi hoạt động. ĐCSTQ có các Đảng ủy, chi bộ Đảng bên trong mọi cơ quan hành chính nhà nước, cũng như hệ thống các tổ chức ở tất cả các cấp. Các chi bộ ĐCSTQ cũng tồn tại bên trong các công ty, cả tư nhân lẫn nhà nước ”. Ông nói thêm, ngay cả những người bình thường không có tham vọng chính trị cũng có thể phải gia nhập Đảng hoặc các tổ chức liên đới.
Theo báo cáo, hiện tại Trung Quốc có 92 triệu đảng viên ĐCSTQ và 80 triệu đoàn viên đang hoạt động trong Đoàn Thanh niên. Như vậy, nếu tính cả đội quân mạng ủng hộ ĐCSTQ, sẽ có khoảng 200 triệu người Trung Quốc có thể bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Không còn là nơi trú ẩn an toàn cho thủ phạm nhân quyền
Đúng như dự đoán, nội dung cập nhật này trong Sổ tay Chính sách USCIS đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt ở Trung Quốc.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết bà “thấy buồn” khi thấy bản cập nhật chính sách của USCIS. Cư dân mạng đáp lại lời nhận xét của bà bằng sự mỉa mai.
Một trong số họ đã viết: “Các ông bà [các quan chức ĐCSTQ] luôn coi Hoa Kỳ là một nơi tồi tệ. Từ khi nào việc không được phép đến đó đã trở thành một điều không hay vậy?”
Một người khác viết: “Không có gì ngạc nhiên khi bà Hoa thất vọng vì điều này. Bà ta đã mua một ngôi nhà sang trọng ở Mỹ và con gái bà ta cũng học ở đó!”
Những nhận xét này đều đúng. Các quan chức ĐCSTQ định cư ở Hoa Kỳ là chuyện bình thường, mặc dù họ đã dành cả đời để chỉ trích các giá trị của phương Tây và bảo vệ đường lối của Đảng. Nhiều thủ phạm nhân quyền cũng như vậy.
Tư Mã Nam, một học giả ủng hộ ĐCSTQ, đã viết nhiều bài báo bôi nhọ Pháp Luân Công, một môn thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, Tư Mã đã tham gia rất nhiều vào việc tẩy não các học viên bị giam giữ ở Trung Quốc.
Trong khi đó, ông ta tấn công Mỹ một cách không mệt mỏi để đi theo đường lối của Đảng. Ngày 20 tháng 1 năm 2012, ông ta đăng trên trang mạng xã hội Weibo: “Hoa Kỳ là kẻ thù của cả thế giới… nó bóc lột tất cả các quốc gia… giống như một khối u khổng lồ. Ai cũng nghi ngại về Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, cuối ngày hôm đó, ông ta lại lên máy bay sang Hoa Kỳ để đón Tết Nguyên đán với gia đình ông ta đang sống ở đó. Sau khi chuyến bay hạ cánh, một số người Trung Quốc trên máy bay đã phát hiện ra ông ta và hỏi ông ta tại sao lại đến “khối u khổng lồ” và “kẻ thù của toàn thế giới” này.
Tư Mã trả lời: “Chống đối Hoa Kỳ là công việc của tôi, và đến đây là cuộc sống của tôi.”
Không chỉ mình ông ta như vậy. Viên Mộc, phát ngôn viên của Quốc vụ Viện năm 1989, đã công khai nói dối nhiều lần khi tuyên bố không có ai chết trong vụ Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn. Ông ta cũng đưa ra nhiều nhận định công kích Hoa Kỳ và kêu gọi người dân Trung Quốc đi theo đường lối của Đảng. Tuy nhiên, sau đó, con gái của ông ta lại sang Hoa Kỳ và ông ta cũng sang đó sau khi nghỉ hưu.
Có rất nhiều trường hợp kiểu này. Năm 2010, một giáo sư tại Trường Trung ương Đảng của Trung Quốc phát hiện ra rằng 1,18 triệu quan chức ĐCSTQ có vợ chồng, con cái sống ở nước ngoài. Dongxiang, một tạp chí Hồng Kông, đã thu thập được dữ liệu nội bộ của chính quyền ĐCSTQ vào năm 2012 rằng 90% ủy viên Ủy ban Trung ương ĐCSTQ có người nhà đã di cư ra nước ngoài.
Hành động từ các quốc gia khác
Ngoài Hoa Kỳ, các quốc gia khác cũng đã thắt chặt chính sách xét duyệt thị thực liên quan đến các thành viên ĐCSTQ. Theo The Times, hôm 1 tháng 10, Văn phòng Đối ngoại, Thịnh vượng chung và Phát triển (Bộ Ngoại giao) của Vương quốc Anh tuyên bố sẽ mở rộng việc kiểm tra an ninh đối với các đương đơn ở nước ngoài muốn học các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia, do lo ngại về vấn đề trộm cắp tài sản trí tuệ.
Cùng ngày, Hiệp hội Henry Jackson, một cơ quan tư vấn chính sách có trụ sở tại London, đã xuất bản một báo cáo với tiêu đề “Chảy máu chất xám: Vương quốc Anh, Trung Quốc và câu hỏi về nạn trộm cắp sở hữu trí tuệ” (Brain Drain: The UK, China, and the Question of Intellectual Property Theft). Báo cáo cho biết đã có hàng trăm nhà khoa học từ Trung Quốc học trong các lĩnh vực nghiên cứu có liên quan đến kiến thức hữu ích cho việc tạo ra vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nhật Bản cũng đã tăng cường giám sát đơn xin thị thực của sinh viên và các nhà nghiên cứu nước ngoài nhằm kiềm chế hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại nước này. Vào đầu tháng 10, tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun đã đưa tin rằng chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch yêu cầu khắt khe hơn đối với thị thực vào năm tới để ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài và đánh cắp công nghệ của sinh viên và các nhà nghiên cứu quốc tế, đặc biệt là những người đến từ Trung Quốc.
Ngoài ra, Cơ quan An ninh Quốc gia Nhật Bản và một số bộ sẽ tiến hành kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn đối với người xin thị thực và đưa những người khả nghi vào một hệ thống được chia sẻ với các cơ quan chính phủ khác, kể cả các quan chức ngoại giao ở nước ngoài. Hơn nữa, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã xin ngân sách 2,8 triệu USD cho các biện pháp nhằm kiểm tra chặt chẽ hơn trong năm tài chính tới.
Khi thực thi, Nhật Bản sẽ tham gia cùng các quốc gia như Mỹ và Úc trong việc chống lại hành vi trộm cắp trí tuệ của ĐCSTQ, Yomiuri Shimbun đưa tin.
Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ quan ngại về ĐCSTQ. Theo một báo cáo ngày 2 tháng 10 của Barron’s, các nhà lãnh đạo EU đã lên kế hoạch cho một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào ngày 16 tháng 11 để “thảo luận về mối quan hệ phức tạp của châu Âu với Trung Quốc”. Hội nghị này sẽ được tổ chức mà không có Trung Quốc, và sẽ giải quyết những mối quan ngại ngày càng nhiều trong vấn đề vi phạm nhân quyền và hành vi gian lận thương mại của Bắc Kinh.
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/7/413450.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/17/187859.html
(Theo Minghui.org)