Một quyển sách
đã truyền cảm hứng cho hơn 350 triệu người
thoái xuất khỏi Đảng Cộng Sản Trung Quốc

Vì sao các lãnh tụ Đảng cộng sản lại rời bỏ Đảng?

Bài viết của Tinh Minh

MINH HUỆ 25-07-2020

Trong sách giáo khoa ở Trung Quốc Đại Lục viết rằng Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được xem như một cột mốc, những người như Trần Độc Tú, Cù Thu Bạch v.v. đã sáng lập ĐCSTQ trong lần đại hội này. Ngày 31 tháng 10 năm 2017, người lãnh đạo đương nhiệm đã đến Thượng Hải tế lễ ở nơi từng diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của ĐCSTQ hòng để tìm ra mạch đập của “chủ nghĩa cộng sản” từ trong các di tích lịch sử. Tuy nhiên, ở nơi này ông ta chỉ có thể nhìn thấy bức ảnh cũ nát của những người đã từng tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ nhất, chứ không hề có triển hiện chi tiết về những chuyển biến phát sinh kể từ sau khi người đầu tiên sáng lập ra ĐCSTQ.

Ai có thể ngờ rằng những người đầu tiên kiến lập ĐCSTQ như Trần Độc Tú, Cù Thu Bạch, Trương Quốc Đào v.v. Lại là những người đã sớm vứt bỏ chủ nghĩa cộng sản? Tuy nhiên những sự thật lịch sử này lại bị cấm nhắc đến trong sách giáo khoa cũng như trên các kênh truyền thông ở Đại Lục.

1. Trần Độc Tú: Đột nhiên tỉnh ngộ dưới cờ hiệu cộng sản

Trần Độc Tú thường được công nhận là người sáng lập kiêm Tổng Bí thư đầu tiên của ĐCSTQ, là người khởi xướng chủ chốt của Phong trào Ngũ Tứ, ông ta cũng từng đảm nhiệm chức Viện trưởng Viện văn học Bắc Đại.

Cuối triều Thanh, đầu thời Trung Hoa Dân Quốc, đất nước Trung Quốc trong ngoài hỗn loạn, nhiều hào kiệt nhân sĩ mong muốn tìm ra con đường cứu quốc. Năm 1915, Trần Độc Tú thành lập “Tân Thanh Niên” dưới cờ hiệu “Phong trào Tân Văn Hóa” đương thời để du nhập chủ nghĩa Marx vào Trung Quốc. Năm 1921, Trần Độc Tú nhậm chức Tổng Bí thư đầu tiên của ĐCSTQ và tiếp nhận sự lãnh đạo của Quốc tế cộng sản Liên Xô.

Tuy nhiên trong quá trình thực tiễn, yếu tố di truyền của văn hóa truyền thống Trung Quốc nội tại đã khiến cho Trần Độc Tú hiểu ra Đảng cộng sản không phải là một đoàn thể chính đảng: Cộng sản Liên Xô chỉ thị cho đảng viên Trung Cộng gia nhập vào Quốc Dân Đảng, nhưng Trần Độc Tú đã phản đối việc trở thành “phụ thể” ăn bám Quốc Dân Đảng; năm 1921, đội quân Đông Bắc của Trương Học Lương ra sức giành lại quyền kiểm soát đường sắt ở khu vực Đông Bắc (tuyến Trung Đông) từ trong tay của Liên Xô, hồng quân Liên Xô tiến hành tấn công vào vùng Đông Bắc Trung Quốc nhưng ĐCSTQ lại đề xuất khẩu hiệu “vũ trang bảo vệ Liên Xô”. Trần Độc Tú đã lên tiếng phản đối cách làm không màng đến lợi ích quốc gia để “bảo vệ Liên Xô” của ĐCSTQ. Cách làm này của ông ta xem ra rất hợp đạo lý nhưng ĐCSTQ lại không dung thứ nó; vào tháng 11 năm 1921, Trần Độc Tú đã bị khai trừ khỏi ĐCSTQ.

Từ đó về sau, Trần Độc Tú càng lúc càng xa rời ĐCSTQ. Ông ta đã từng bị bắt giam vào ngục, trong nhà giam ông ta chuyên tâm nghiên cứu về văn học cổ đại Trung Quốc, cũng như học thuyết Khổng Tử, Đạo gia v.v. Và bắt đầu có những chuyển biến trong tư tưởng. Trong quá trình tìm về văn hóa truyền thống Trung Hoa, cuối cùng Trần Độc Tú đã vứt bỏ chủ nghĩa cộng sản.

Trong “Bức thư gửi cho Tân Hoa Nhật Báo” ngày 17 tháng 3 năm 1938, Trần Độc Tú từng viết: “Các người vẫn luôn không từ thủ đoạn, không màng đến hết thảy sự thật đúng sai, chỉ cần đi theo các người sẽ là chiến sĩ, còn những ai phản đối đều bị coi là Hán gian. Đạo đức làm người có cần phải như vậy chăng?”

Ngày 28 tháng 11 năm 1940, trong bài “Ý kiến chính trị cuối cùng”, Trần Độc Tú từng viết: “Căn bản là không có giai cấp vô sản độc tài, mà chỉ có sự độc tài của Đảng, kết quả dẫn đến cũng chỉ có thể là lãnh tụ độc tài. Bất cứ chế độ độc tài nào cũng không thể tách mình khỏi nền chính trị quan liêu tàn bạo, che giấu, dối trá lừa gạt, tham ô, hủ bại.”

Ông ta đã từng nói rằng: “Đất nước mà chúng ta yêu mến là một đất nước vì dân mưu cầu hạnh phúc, chứ không phải là một đất nước mà người dân nơi đó phải hy sinh cho đất nước.”

2. Cù Thu Bạch: “Từ đầu đến cuối tôi vẫn mang theo bộ mặt giả tạo”

Cù Thu Bạch là người lãnh đạo chủ chốt tiếp sau Trần Độc Tú vào thời kỳ đầu của ĐCSTQ. Ông ta đã từng sang Liên Xô nhậm chức đại biểu cho ĐCSTQ ở Quốc tế cộng sản. Sau khi trở về nước, ông ta đã nhiều lần lãnh đạo các phong trào bạo động vũ trang. Năm 1935, trước khi xảy ra cuộc Vạn lý Trường chinh, Cù Thu Bạch đã bị chính phủ Quốc Dân bắt giữ trong lúc cố gắng phòng thủ. Trong mấy tháng trước khi bị xử chết, ông ta đã viết tác phẩm “Những lời nói dư thừa” trong trại giam.

Trong bài viết này, Cù Thu Bạch đã thẳng thắn thừa nhận bản thân mình trở thành lãnh tụ của ĐCSTQ hoàn toàn là một “sai lầm của lịch sử”. Trong cuốn sách “Tôi và chủ nghĩa Marx”, ông ta thừa nhận bản thân mình về căn bản chưa từng nghiên cứu tư tưởng chủ nghĩa Marx một cách có hệ thống cũng như chưa từng đọc qua “Tư bản luận”, chỉ biết kiến thức tổng quát qua những bài viết chắp vá đăng trên tạp chí và những cuốn sách nhỏ của Lênin. Nhưng bởi vì có rất ít người nghiên cứu về tư tưởng chủ nghĩa Marx cho nên ông ta mới thừa cơ nắm lấy hư danh “nhà lý luận chủ nghĩa Marx”.

Ông ta từng viết: “Bởi vì sai lầm của lịch sử, tôi đã miễn cưỡng làm công tác chính trị trong suốt 15 năm qua.” Đối với việc rút lui khỏi ĐCSTQ, ông ta biểu đạt như sau: “Tôi không cảm thấy hối tiếc, tương tự như vậy tôi cũng không cảm thấy hối hận”, “Bảy tám năm nay, tôi sớm đã cảm thấy quá đỗi mệt mỏi”, “Từ đầu đến cuối, tôi vẫn luôn mang theo bộ mặt giả tạo”, “Bây giờ tôi đã vứt bỏ được lớp mặt nạ cuối cùng rồi.” Ở cuối bài văn, ông ta không hề nhắc đến một cuốn sách nào về chủ nghĩa Marx, mà nói rằng mình sẽ đọc lại lần nữa tác phẩm “Anna Karenina” của tiểu thuyết gia Tolstoy.

Tác phẩm “Những lời nói dư thừa” của Cù Thu Bạch đã phân tích sâu sắc về hình ảnh người trí thức bị lý tưởng cực đoan của chủ nghĩa cộng sản dẫn dụ gia nhập vào Đảng, về sau sống trong hiện thực chân thật, đối diện với sự tranh đấu hết sức tàn khốc cả trong lẫn ngoài của Đảng cộng sản, bẻ đôi linh hồn trung thành với Đảng, phục tùng nguyên tắc, thậm chí là biến mình trở thành “diễn viên” vứt bỏ lối tư duy độc lập của bản thân, một mặt là tuyên truyền chủ trương của chủ nghĩa cộng sản, mặt khác hoài nghi về lý luận logic sử dụng giai cấp tiêu diệt giai cấp, dùng cái xấu để đạt đến cái tốt, nhồi nhét tính giai cấp nhằm để phủ định nhân tính.

Sau khi Cù Thu Bạch chết, ông ta đã bị ĐCSTQ gắn mác “phản đồ”. Vợ ông ta chết thảm, con trai bị bắt giam, mồ mả của cha mẹ ông ta bị bới tung.

3. Trương Quốc Đào phát biểu thanh minh thoái Đảng

Trương Quốc Đào đã từng là lãnh tụ học sinh sinh viên trong Phong trào Ngũ Tứ. Mùa hè năm 1921, Trương Quốc Đào tham dự vào kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ nhất của ĐCSTQ, ông ta đã được bầu chọn làm Chủ tịch đại hội. Trương Quốc Đào còn là đại biểu duy nhất trong các vị nguyên lão của ĐCSTQ đã từng gặp mặt Lênin.

Trương Quốc Đào đã thành lập hồng quân Trung Quốc ở Hồ Bắc, Hà Nam và An Huy nhưng nó đã bị giải tán thông qua các cuộc đấu tranh tàn khốc trong nội bộ ĐCSTQ. Bản thân ông ta cũng khó tránh khỏi tình cảnh khốn cùng. Mao Trạch Đông mượn danh nghĩa “chỉnh phong” để tổ chức bao vây tấn công Trương Quốc Đào, hội lớn chỉ trích phê phán, hội nhỏ tranh giành đấu đá, bao nhiêu tội danh đều đổ lên đầu ông ta. Thoạt đầu, Trương Quốc Đào cảm thấy thống khổ cùng cực, về sau tâm tình cũng dần trở nên nguội lạnh.

Ngày 2 tháng 4 năm 1938, lúc Trương Quốc Đào giữ chức Chủ tịch đại diện cho chính phủ ở vùng biên giới Thiểm Tây, Cam Túc và Ninh Hạ, ông ta tỏ ra vô cùng bất lực, bèn mượn cớ đi bái lễ ở lăng Hoàng Đế để ra khỏi Diên An rồi trốn sang Trùng Khánh.

Ngày 5 tháng 4 năm 1938, Trương Quốc Đào đã phát biểu thanh minh thoái Đảng ở Vũ Hán, ngôn từ tràn đầy bi thống về lý tưởng hão huyền tan tành theo mây khói: “Đảng cộng sản đã không còn là đảng mà tôi mong ngóng chờ đợi và nhiệt huyết phấn đấu cả đời nữa!”

Năm 1948, Trương Quốc Đào phát biểu bài văn trên Tập san “Sáng Tiến” ở Thượng Hải với nội dung như sau: “ĐCSTQ vì để cướp lấy chính quyền, nó không màng đến luân lý đạo đức và sự tồn vong của quốc gia, càng không ngại xem người dân như thứ đồ bỏ đi; trong suốt hai mươi năm dài đằng đẵng, ĐCSTQ ngập chìm trong giết chóc, phá hoại và loạn lạc. Giả sử ĐCSTQ thành công trong cuộc cách mạng vũ trang đi kèm với lực lượng quân sự thì tất sẽ biến thành chủng loại chính trị độc tài.”

Kể từ khi Trương Quốc Đào nghị sự cùng với Mao Trạch Đông, cho đến lúc cuối cùng ông ta đã nhìn thấu bản chất của ĐCSTQ. Qúa trình ông ta rời bỏ ĐCSTQ đã lưu lại cho người đời sau một câu chuyện lịch sử cũng như lời gợi mở sâu sắc về xã hội hiện thực.

Với cương vị là một trong những người kiến lập ĐCSTQ, Trương Quốc Đào đã từng ôm giữ nhiệt huyết cháy bỏng đối với chủ nghĩa cộng sản, một thời oanh liệt với khí thế lãnh đạo hồng quân Trung Quốc, cho đến khi nắm giữ thế lực trung ương tăng gấp 10 lần cùng với Mao Trạch Đông, nhưng rốt cuộc ông ta vẫn bị trúng tâm kế, đấu tranh tàn khốc, bị ĐCSTQ tấn công vô tình khiến cho suýt nữa phải mất mạng.

Trương Quốc Đào đã kịp thời rút lui khỏi ĐCSTQ nên tránh được vận rủi như các lão tướng Lưu Thiếu Kỳ, Bành Hoài Đức v.v. đã từng đối mặt, từ đó cũng đem đến vô số lợi ích và vận may cho người nhà của ông ta. Trương Quốc Đào không những bảo toàn được tính mạng, mà còn đưa toàn thể gia đình mau chóng di dân sang Canada là một quốc gia bảo hộ nhân quyền cũng như tự do tín ngưỡng, tận hưởng hoàn cảnh thiên nhiên tự do và đầy nhân văn.

Vào lúc chân tướng lịch sử hé lộ từ cái này đến cái khác, chúng ta mới nhìn thấy rõ cuộc chiến giữa lương tri và tà ác vốn dĩ thật là kinh tâm động phách. Vào thời khắc then chốt, tiến một bước để vứt bỏ bạo lực và dối trá là việc không hề dễ dàng, nhưng như vậy cũng đủ để biết nó đáng trân quý như thế nào.

4. Yeltsin thoái Đảng và Gorbachyov hối tiếc

Kỳ thực tại thời khắc cuối cùng của chính quyền cộng sản Liên Xô, Yeltsin cũng đã quyết định thoái đảng. Đúng vào mấy ngày trước khi Yeltsin tuyên bố thoái đảng, ông ta đã nói với tổng thống Gorbachyov: “Hãy rời khỏi bọn chúng thôi. Ngài là tổng thống, Ngài đã nhìn rõ cái đảng này là thứ gì rồi. Trên thực tế, Ngài chỉ là con tin, là con dê thế tội cho nó.” Gorbachyov có chút lưỡng lự, nhưng nhận thức thanh tỉnh và lựa chọn thoái xuất khỏi Đảng cộng sản của Yeltsin đã dẫn khởi hiệu ứng lịch sử về sau để đưa ra lời giải đáp cuối cùng.

Sau khi Yeltsin thoái đảng đã giúp cho nhiều người hơn nữa thoái xuất khỏi Đảng cộng sản Liên Xô. Chưa đầy một năm sau, Đảng cộng sản Liên Xô nắm quyền chấp chính 74 năm với 19 triệu đảng viên đã hoàn toàn sụp đổ. “Trại tập trung Gulag” được đưa vào sách giáo khoa với ý nghĩa là công trình kiến trúc của mối tai họa cộng sản, nó là “bức tường đầy bi thương” vạch trần bộ mặt của cộng sản tà ác.

Tờ báo The Guardian của Anh quốc đã có bài phỏng vấn độc quyền với Gorbachyov nhân dịp kỷ niệm 20 năm giải thể Đảng cộng sản Liên Xô. Lúc phóng viên hỏi Gorbachyov về việc mà ông cảm thấy hối tiếc nhất, ông ấy trả lời không chút do dự: “Cần phải sớm rút lui khỏi Đảng cộng sản.”

Cho dù ở Liên Xô hay ở Trung Quốc Đại Lục, rất nhiều phần tử trí thức, danh nhân văn hóa và những người có chút thân thế đều đã từng bị Đảng cộng sản lừa dối. Sau khi bị lừa dối thì họ bị lợi dụng, chà đạp, bức hại, rồi bị vứt bỏ như những món đồ phế liệu. Chúng ta đã có quá nhiều những ví dụ về phương diện này.

Trung Quốc thời xưa có câu nói rằng “vết xe đổ của người đi trước là bài học cho người đời sau”. Chính quyền ĐCSTQ rốt cuộc là thứ gì thì không cần nói nhiều cũng có thể biết rõ. Sau khi kênh truyền thông của ĐCSTQ là tờ Nhân Dân Nhật Báo công bố tin tức chính phủ Mỹ từ chối cấp thị thực cho đảng viên ĐCSTQ trên trang Weibo của chính phủ, nó đã nhận được hàng nghìn lời bình luận vỗ tay đồng tình, có người còn nói là: “Phải chăng lần này ĐCSTQ đã mất kiểm soát trong việc kiểm duyệt thông tin trên mạng? Kỳ thực không phải là nó mất kiểm soát, mà là nhân tâm đã thức tỉnh, những ai còn mong muốn đi ngược với thời thế có chịu tỉnh dậy hay không?”

Tại thời khắc lịch sử quan trọng này, thoái xuất khỏi ĐCSTQ và vứt bỏ thứ tà ma cộng sản mới không lưu lại hối tiếc cho bản thân mình!


Bản tiếng Hán: http://big5.minghui.org/mh/articles/2020/7/25/409492.html

Theo MINH HUE NET

Ngày đăng: 11-08-2020