Lời dẫn
Một dân tộc ra đời, trải qua quá trình truyền thừa và phát triển, sau cùng thì việc đạt được phồn vinh hay đi đến suy tàn đều luôn có mối quan hệ chặt chẽ với đạo đức cao thượng hay suy đồi của dân tộc ấy, xưa nay đều như thế. Số mệnh của một dân tộc là do Thần linh cân nhắc và đưa ra quyết định dựa trên tiêu chuẩn đạo đức của dân tộc ấy.
Thần rủ lòng thương đến các sinh mệnh ở hạ giới, từ hàng ngàn năm trước, các ngài đã dùng hình tượng của mình để tạo ra con người, đây là tính hợp pháp của con người khi làm người. Dân tộc Trung Hoa là dân tộc được Thượng Thiên bảo hộ. Điều đầu tiên mà ông tổ Phục Hy hướng dẫn cho người dân của mình là “Thông Thần minh chi đức” {Thông suốt cái đức của Thần minh}. Xã hội truyền thống Trung Quốc gọi đó là “Thiên đạo”, người Trung Quốc thường nói là “Đại đạo” hoặc “Thiên chi đạo”. “Thời đại chí đức” [1] ở thượng cổ cũng chính là những quy phạm mà Thần đã lưu lại cho con người, khiến cho ‘quốc gia được thịnh vượng, xã tắc được ổn định, người dân có trật tự, làm lợi cho con cháu mai sau’[2].
Trinh Quán thịnh thế – là thời kỳ đỉnh cao của lịch sử văn hóa truyền thống huy hoàng 5.000 năm Trung Quốc, Đường Thái Tông dùng đại đức để trị quốc, văn hóa phồn vinh, quốc thái dân an, kinh tế phát đạt, vạn quốc triều phục, xuất hiện thần tích “Nhà tù trống không, cai ngục rỗi việc”. Năm Trinh Quán thứ 6, Đường Thái Tông hạ lệnh ân xá cho 390 tử tù được về nhà thăm người thân với điều kiện năm sau phải quay lại thụ án. Khi đến hạn, toàn bộ 390 tử tù ấy đã quay lại trình diện. Cảm thán trước việc bọn họ đều giữ chữ tín, Đường Thái Tông đã miễn án tử hình cho họ. Đây quả thực là một bậc minh quân thánh đức, đại trí đại huệ, dùng nhân đức cảm hóa lòng người! Đây là mức độ đạo đức khi vua và dân chúng cùng đồng lòng.
Trong triều đại cuối cùng của nền văn hóa truyền thống – Đại đế Khang Hi thời nhà Thanh sau khi tự mình chấp chính [3], liền tuyên bố chấm dứt lệnh ‘Khuyên địa’ [4] có từ thời Thuận Trị, chỉnh đốn lại tác phong và uy tín của quan lại [5], nới lỏng thời hạn miễn thuế ở những vùng đất khai hoang, bắt đầu từ thời Khang Hi mỗi năm đều có chính sách giảm hoặc miễn thuế quốc gia, chính sách giúp đỡ người dân gặp nạn. Từ năm Khang Hi thứ 50, mỗi năm các tỉnh trong nước được giảm thuế 3 lần, bao gồm luôn các khoản nợ thuế từ các năm trước. Đến năm Khang Hi thứ 51 thì thi hành chính sách “Không bao giờ tăng thuế”. Trong suốt 60 năm tại vị của Khang Hi, tổng số lần cả nước được miễn thuế là 545 lần, đạt tương đương 150 triệu lượng bạc, gấp 5-7 lần thu nhập tài chính hằng năm của đất nước thời đó là khoảng 20-30 triệu lượng bạc. Đây quả thật là một bậc minh quân vì lợi cho dân, khiến dân giàu nước mạnh, xã tắc phồn vinh! Đây là đạo đức của một chính phủ đang nắm quyền hành trong tay.
Hán Vũ Đế Lưu Triệt, một bậc tài trí kiệt xuất, văn trị võ công [6], sáng lập nên thời kỳ hưng thịnh nhất của vương triều Tây Hán, cũng là một trong những thời kỳ đỉnh cao của hoàng triều truyền thống Trung Quốc. Trong “Luân Đài tội kỷ chiếu” [7] Hán Vũ Đế đã bày tỏ ‘sự hối hận sâu sắc về những việc làm sai trái trước kia của mình, không đành lòng lại làm khổ và quấy nhiễu thiên hạ, cấm những việc hà khắc và bạo ngược, chấm dứt việc thu thuế một cách tùy tiện, phát triển nông nghiệp, cho dân chúng được nghỉ ngơi, an dưỡng làm giàu’. Và khi ở trước mặt quần thần ông còn tự trách rằng: “Trẫm từ khi lên ngôi, vì sự cuồng vọng và nghịch lý, khiến cho thiên hạ sầu khổ mà không biết hối cải. Từ hôm nay những việc gây tổn hại đến bách tính, làm lãng phí tài nguyên của thiên hạ, toàn bộ phải dừng lại!”. “Tội kỷ chiếu” {Chiếu thư tự trách tội} là thể hiện đức hạnh của một vị quân vương trong việc tự giác thuận theo ý chỉ của Thiên thượng, cũng là thực thi thật sự quyền lực hợp pháp tại thế gian của chế độ hoàng triều truyền thống. Có nhiều vị hoàng đế trong lịch sử đã công bố “Tội kỷ chiếu” với Trời, chịu trách nhiệm với Đất {quỷ, thần, v.v.}, gánh vác trách nhiệm về các vấn đề thiên tai nhân họa.
Lão Tử – một vị Thánh nhân hiền triết – đã nhìn thấy được quỹ đạo suy tàn của xã hội loài người từ hơn 2.500 năm trước, ông đã nói rõ ràng với thế nhân rằng: “Đạo mất thì còn Đức, Đức mất thì còn Nhân, Nhân mất thì còn Nghĩa, Nghĩa mất thì còn Lễ” [8].
Đạo – Đức – Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín là các giai đoạn khác nhau của xã hội loài người. Người ta khi không còn giữ vững được đạo đức cao thượng vốn có từ ban đầu, không còn nghiêm túc thận trọng từng bước tuân theo ý chỉ của Thần để trở về cảnh giới tinh thần nơi Thượng giới, dần dần trượt dốc đến các trạng thái xã hội thuộc các giai đoạn khác nhau của Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, mà giai đoạn sau thì không còn tốt bằng giai đoạn trước. Thần làm gương cho nhân loại, tổ tiên tận lực xây dựng nên nền tảng đạo đức Trung Hoa, nhưng giờ đây khi đưa mắt nhìn quanh vùng đất Thần châu từng được Thần chiếu cố ấy, lại khiến người ta không thể không chua xót bật khóc, đến cả hình thái xã hội cuối cùng của nhân loại là “Tín” – sự thành tín xã hội ở mức tối thiểu, cái uy tín cơ bản của hành vi làm người – từ lâu đã bị người ta hủy hoại gần như không còn lại gì dưới một đất nước do một đảng cầm quyền và những kẻ ra làm quan chỉ để làm giàu. Nhân loại hiện nay không những đã rơi khỏi tiêu chuẩn xã hội thấp nhất, mà mỗi ngày còn trượt dốc thêm cả nghìn dặm, cuối cùng sẽ đi về đâu đây? Điều này không phải đã nguy hiểm lắm rồi sao?!
“Lớn lên cháu muốn làm gì?”
“Cháu muốn làm quan ạ.”
“Cháu muốn làm vị quan như thế nào?”
“Dạ làm……tham quan, bởi vì tham quan sẽ có được rất nhiều thứ.”
Đây là câu trả lời của một bé gái 6 tuổi khi phóng viên hỏi về lý tưởng của trẻ em hiện nay là gì tại một trường tiểu học ở thành phố Quảng Châu.
Vào tối ngày 13/10/2011, một bé gái 2 tuổi tên là Duyệt Duyệt đã bị một chiếc xe chở hàng đâm phải trong khu vực thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Sau khi bánh xe trước cán qua bé gái, tài xế do dự trong giây lát, rồi tiếp tục nhấn ga để cho bánh xe sau cán lên bé gái đang nằm thoi thóp. Thủ phạm đã không ngần ngại tăng ga bỏ trốn. Sau vụ việc, tài xế được hỏi tại sao lại tiếp tục cán đứa bé. Anh ta trả lời: “Phải rồi, nếu bé gái chết, tôi chỉ phải trả 1-2 vạn tệ. Nếu còn sống, vài chục vạn cũng không đủ…”. Vậy nên anh ta đã cố tình cán qua! Xem lại vụ tai nạn từ camera, có thể thấy được tổng cộng có 18 người đi đường đã trông thấy bé gái nằm trên vũng máu, nhưng tất cả họ đều nhìn như không thấy, thản nhiên đi qua, không có một ai có ý định giúp đỡ đứa bé.
Nếu một dân tộc đánh mất đi đạo đức, họ sẽ đánh mất cả thế hệ mai sau, mất đi tiền đồ và tương lai, mất cả lý do để làm người, đồng thời mất luôn sự bảo hộ của Thượng Thiên về tính hợp pháp để tiếp tục làm người của họ!
Đạo đức giống như không khí, không ai tính được giá trị tiền bạc của không khí. Tuy nhiên, trong một hoàn cảnh thiếu hụt oxy nghiêm trọng khiến người ta cảm thấy ngột ngạt khó thở thì không khí chính là sự sống, là kho báu vô giá.
Thế giới ngày nay đã không thể tách rời khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Để nắm bắt tình hình trên thế giới, bạn cần phải hiểu được Trung Quốc. Chủ nghĩa tư bản truyền thống của phương Tây là được thành lập dựa trên cơ sở đạo đức và sự thành tín, nhưng cái gọi là “cải cách phát triển” của ‘đặc sắc Trung Cộng’ [9] trong hơn 20 năm qua lại là một quá trình làm bại hoại đạo đức và sự thành tín. Nó dùng kinh tế để bào mòn đạo đức, tiếp tục dùng chủ nghĩa vô thần để đả kích tín ngưỡng, lật đổ đi tiêu chuẩn đạo đức “Chân – Thiện – Nhẫn” của văn hóa 5.000 năm, sử dụng phát triển kinh tế để che đậy việc bức hại nhân quyền, đẩy nhanh sự hủy hoại đạo đức; và tệ hơn nữa, thông qua các lợi ích kinh tế trong xu thế toàn cầu hóa, nó dùng “Quyền được ấm no” để thay thế các giá trị phổ quát, đồng thời phát tán những thứ làm bại hoại đạo đức ra khắp thế giới.
Trong kinh doanh nói về kinh doanh, trong kinh tế đàm luận kinh tế, trong chính trị thảo luận chính trị, người ta không cần nói về đạo đức. Tại sao thế? Bởi vì tất cả các hoạt động xã hội đều có một tiêu chuẩn đạo đức cơ bản làm tải trọng cho nền tảng xã hội ấy, từ đó có thể duy trì đạo đức trên một tiêu chuẩn nhất định. Giống như không khí dành cho con người vậy, nó sẽ không thiếu hụt đi nếu người ta không thảo luận về nó. Tuy nhiên, ở Trung Quốc ngày nay, nền tảng đạo đức ở đằng sau việc “trong kinh doanh nói về kinh doanh” đã không còn tồn tại. Đạo đức đã trở thành một dạng không khí hiếm.
Nền kinh tế Trung Cộng đã trải qua quá trình “phát triển” với thái độ không tiếc vốn liếng và luôn bội chi, đồng thời đã mang lại hậu quả rất nghiêm trọng. Người ta, bao gồm Trung Cộng đều đang đàm luận công khai về những vấn đề này. Các học giả trong và ngoài nước đã ồ ạt bắt mạch cho Trung Quốc, chỉ ra những sai lầm và đề ra muôn hình muôn vẻ các phương án giải quyết, nhỏ thì quan tâm đến dân sinh, lớn thì thi hành chính sách cải cách. Không nói đến việc Trung Cộng có chấp nhận những phương án này hay không, ngay cả khi chúng được thực hiện, thì cũng chỉ là hiệu ứng Xích Hoạch {ý nói quyền lực và trách nhiệm không tương ứng, có quyền lực nhưng không muốn chịu trách nhiệm}, bởi vì để thực hiện những phương án này thì đòi hỏi phải có nền tảng đạo đức, nhưng kết cấu cơ bản bình thường của xã hội Trung Quốc đã bị đạo đức hủ bại đục rỗng cả rồi, như vậy trong quá trình thực thi, hiệu quả sẽ bị giảm đi rất nhiều, trở thành bằng mặt mà không bằng lòng, biến hình méo mó, sẽ như “trồng quýt lại ra cam” [10], “vẽ hổ lại thành khuyển” [11], cái gọi là thuốc giải ngược lại còn tạo thành hoàn cảnh khốn khó hơn, cuối cùng khó tránh khỏi cùng đường bí lối. Muốn hiểu được Trung Quốc, bạn cần liễu giải được tình trạng đạo đức hiện nay ở Trung Quốc.
5.000 năm dài mênh mông, cớ sao lại đến bước này? Liệu vở kịch lịch sử có tới hồi kết không? “Cái nghĩa thắng cái lợi là trị thế, cái lợi thắng cái nghĩa là loạn thế” [12]. Chính vì thế mà trên vũ đài thời không đã nhảy ra một tên hề đến làm loạn thế, dùng đặc điểm tính cách thô tục của hắn để làm ra không biết bao nhiêu chuyện điên rồ xấu xa. Hắn đã dùng phương thức tệ hại cực đoan nhất để đến bước sau cùng Trung cộng phải tự mai táng chính mình; hắn đã thiết lập một chế độ nô lệ được khoác lên vẻ ngoài là xã hội hiện đại, trói buộc các quan chức bằng những ‘tội lỗi chung’ khi họ đang nắm quyền ở trong một xã hội hủ bại không còn chút đạo đức; chặt đứt gốc rễ văn hóa truyền thống trong tâm của mọi người, đến nỗi toàn dân tộc có thể tùy ý mắng chửi văn hóa truyền thống Trung Hoa do tổ tiên truyền lại mà đã được bao đời thế hệ duy trì hương hỏa; vào thời khắc trọng yếu cuối cùng, nó đã lừa dối và kéo cả nhân loại xuống vực thẳm nhằm hủy diệt nhân loại khi nhân loại đang có hy vọng khôi phục lại đạo đức.
Tổng quan về lịch sử đương đại, nhân loại đã đi từ “chiến tranh nóng” (Đại chiến thế giới thứ hai) sang “chiến tranh lạnh”, và đến hiện nay, một cách không hay biết, nhân loại đã bị tên hề kia kéo vào một cuộc chiến gọi là “chiến tranh tham lam” – trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế mà cướp đoạt tiền bạc một cách vô đạo đức. Con người hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn vốn không có gì đáng trách, nhưng vì sao lại lựa chọn nhập hội cùng Satan, kiếm tiềm một cách vô đạo [13], dùng cách thức không đụng đến súng đạn, không thấy máu đổ mà “ôm nhau hủy diệt”, liên tục phá vỡ vạch đáy của tội lỗi và đắm chìm trong sự sụp đổ của nhân cách đạo đức.
Tuy nhiên, tất cả những việc này không phải được tạo ra do trí thông minh hay tài năng của hắn. Hắn chỉ cần mở chiếc bình ma thuật, thả con ác quỷ đang bị trói chặt trong bình ra, để nó ngang nhiên liên tục nhắm vào nơi thấp nhất của nhân tính là “lòng tham” mà đưa ra những cám dỗ vật chất làm mê hoặc người ta, giống như con rắn nước kịch độc vậy, ở vũng nước của sự tự tư cực đoan, nơi xấu xa nhất của nhân tính mà thoải mái bơi lội, phóng đãng…
Thần có cần phải ra tay không? Con người đã tự hủy diệt chính mình rồi…
———
Ghi chú từ người dịch:
[1] Thời đại chí đức: “Chí đức chi thế” (至德之世), thế giới có đạo đức vô cùng cao thượng; thời đại mà xã hội có tiêu chuẩn đạo đức rất cao, con người có đức lớn.
[2] Quốc gia được thịnh vượng, xã tắc được ổn định, người dân có trật tự, làm lợi cho con cháu mai sau: “Kinh quốc gia, định xã tắc, tự dân nhân, lợi hậu tự” (經國家,定社稷,序民人,利後嗣).
Trong Tả Truyện – phần Ẩn Công năm thứ 11 có viết: “Lễ, kinh quốc gia, định xã tắc, tự dân nhân, lợi hậu tự giả dã” (禮,經國家,定社稷,序民人,利後嗣者也) có ý nghĩa tương tự như trên nhưng nhấn mạnh những điều này có được là đến từ Lễ.
[3] Tự mình chấp chính: “Thân chính” (親政), ý nói hoàng đế đích thân xử lý các vấn đề chính trị, đặc biệt là hoàng đế kế vị ngai vàng khi còn trẻ, khác với “nhiếp chính” là các quan đại thần thay mặt hoàng đế xử lý. Một ví dụ điển hình là hoàng đế Khang Hi lên ngôi lúc 8 tuổi (năm 1661) và được hỗ trợ bởi bốn vị quan nhiếp chính, đến 14 tuổi Khang Hi bắt đầu thân chính. Ngao Bái – một trong bốn vị quan đại thần nhiếp chính lúc bấy giờ, vì cậy có công lao và nắm quyền lực lớn trong tay nên ông ta thường tỏ ra lộng quyền và xem thường hoàng đế. Sau 2 năm lên kế hoạch, lúc Khang Hi 16 tuổi đã bắt giữ được Ngao Bái.
[4] Khuyên địa: lệnh Khuyên địa được ban hành vào ngày 22/11/1644 – năm Thuận Trị thứ nhất thời Thanh Thế Tổ (cha của hoàng đế Khang Hi), là hoạt động chiếm lĩnh đất đai và những vùng đất hoang vô chủ, được thực hiện và cai quản bởi quân đội Bát Kỳ. Sau 3 lần Khuyên địa lớn và nhiều lần nhỏ được phát lệnh bởi Đa Nhĩ Cổn – một quan nhiếp chính thời Thuận Trị – thì hệ quả là nhiều địa chủ và nông dân đã bị mất đất đai, một bộ phận thì sung vào trang viên Bát Kỳ, còn lại một lượng lớn người bị lưu vong tha hương, làm ăn mày.
[5] Lại trị: tác phong và uy tín của quan lại thời xưa.
[6] Văn trị võ công: nói về hoàng đế hoặc trọng thần có thành tích hiển hách về cả chính trị lẫn quân sự. Câu này xuất hiện trong Lễ Ký – phần Tế Pháp.
[7] Luân đài tội kỷ chiếu: Tội kỷ chiếu (罪己詔) là chiếu thư tự trách tội của hoàng đế; Luân Đài (輪台) là tên địa danh.
Sau khi Hán Vũ Đế lên ngôi thì cực kỳ hiếu chiến, thích làm việc lớn thích lập công to, cũng rất thích Thần tiên phương sỹ, xây dựng cung điện lớn, tiêu xài hoang phí vô độ, khiến tiền của nhân dân khô kiệt, giặc cướp trộm đạo nổi lên hoành hành, thiên hạ đại loạn. Hán Vũ Đế lúc tuổi già dần dần tỉnh ngộ và hối hận, trong thời kỳ Chính Hòa, ông bác bỏ tấu chương của nhóm đại thần Tang Hoằng Dương xin lập đồn điền Luân Đài (ngày nay là huyện Luân Đài, Tân Cương) để cung cấp hậu cần cho các chiến dịch quân sự mở mang bờ cõi về phía Tây, ông quyết định “bỏ đất Luân Đài, mà hạ chiếu bày tỏ lòng bi thương”. “Luân đài tội kỷ chiếu” nổi tiếng trong lịch sử cũng ra đời từ đó.
[8] Đạo mất thì còn Đức, Đức mất thì còn Nhân, Nhân mất thì còn Nghĩa, Nghĩa mất thì còn Lễ: “Thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ” (失道而後德,失德而後仁,失仁而後義,失義而後禮) – Trích “Đạo Đức Kinh” – Lão Tử.
[9] Đặc sắc Trung Cộng: Những đặc điểm, đặc trưng nổi bật chỉ có ở Trung Cộng. Trung Cộng vẫn thường tự gọi những việc mình làm là “Trung Cộng đặc sắc” (中共特色).
[10] Trồng quýt lại ra cam: “Hoài quất vi chỉ” (淮橘為枳), giống quýt trồng ở phía Nam sông Hoài khi trồng ở phía Bắc sông Hoài thì trở thành trái chỉ, ý nói khi hoàn cảnh thay đổi thì tính chất của sự vật cũng thay đổi; môi trường, hoàn cảnh là một yếu tố rất quan trọng đối với con người. Nguồn gốc câu này đến từ cuốn Yến Tử Xuân Thu – phần Tạp hạ chi thập.
Trái chỉ còn gọi là cam ba lá, cam đắng Trung Quốc, là một loài thực vật thuộc họ Cửu lý hương và có mối quan hệ họ hàng gần gũi với chi Cam chanh – trong một số trường hợp cũng được xếp vào chi Cam chanh.
[11] Vẽ hổ lại thành khuyển: Họa hổ loại khuyển (畫虎類犬), vẽ hổ không thành, lại thành chó. Câu đầy đủ là “Họa hổ bất thành, phản loại khuyển” (畫虎不成, 反類犬), đây là câu thành ngữ liên quan đến lời khuyên răn của Mã Viện (馬援) đối với các cháu của mình. Ông khuyên đừng cố gắng bắt chước nhân vật anh hùng lừng danh thời đó là Đỗ Bảo (杜保) vì có thể sẽ không trở thành anh hùng như Đỗ Bảo, mà ngược lại còn trở thành kẻ bỏ đi.
[12] Cái nghĩa thắng cái lợi là trị thế, cái lợi thắng cái nghĩa là loạn thế: “Nghĩa thắng lợi giả vi trị thế, lợi khắc nghĩa giả vi loạn thế” (義勝利者為治世,利勝義者為亂世) – Trích “Đại lược” – Tuân Tử.
[13] Kiếm tiềm một cách vô đạo: Thủ chi vô đạo (取之無道). Người Trung Quốc có câu: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” (君子愛財 取之有道), nghĩa là người quân tử cũng thích tiền tài, nhưng kiếm tiền là có tiêu chuẩn đạo đức. Tác giả dùng câu “thủ chi vô đạo” thay thế cho “thủ chi hữu đạo” để nói đến những kẻ vì kiếm tiền mà đánh mất cả đạo đức.
Dịch từ: https://www.epochtimes.com/b5/12/5/13/n3587757.htm
Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên tác.