Một quyển sách
đã truyền cảm hứng cho hơn 350 triệu người
thoái xuất khỏi Đảng Cộng Sản Trung Quốc

Bản chất của ĐCSTQ: Nhồi nhét tư tưởng đấu tranh

Bản chất của ĐCS TQ: Nhồi nhét tư tưởng đấu tranh

Tư tưởng đấu tranh trong Văn hóa đảng trải qua mấy chục năm nhồi nhét của Trung Cộng, từ lâu đã không chỉ hạn chế trong lĩnh vực chính trị mà còn xuyên suốt mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của Trung Quốc.

Năm 2005, Chu Thành Hổ, thiếu tướng của Trung Cộng, khi đối mặt với phóng viên tại Hồng Kông đã từng nói: Một khi Trung – Mỹ khai chiến, Trung Quốc “chuẩn bị tinh thần là tất cả những thành phố tại phía Đông Tây An đều bị tiêu hủy. Đương nhiên, người Mỹ ắt phải sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho việc sẽ có cả trăm, hoặc hai trăm, thậm chí là nhiều thành phố hơn bị người Trung Quốc san phẳng”. Đây chính là một phản ánh điển hình của tư tưởng đấu tranh trong Văn hóa đảng. Trên thực tế việc đấu tranh và đổ máu trong Văn hóa đảng đã trở thành thường lệ; còn hòa hợp, bao dung lại là bất bình thường, vì theo Chủ nghĩa Marx, những thứ này bị cho là thiếu “tính cách mạng”.

Logic sinh tồn dưới sự chỉ đạo của tư tưởng đấu tranh chính là vì phát triển, vì sinh tồn, tất yếu sẽ phải hy sinh. Đương nhiên người bị hy sinh đầu tiên là những kẻ yếu thế không có năng lực, cũng không có quyền được lựa chọn một cách tự do. Thiếu tướng Chu dù không nói rõ khi Trung – Mỹ khai chiến y sẽ ở nơi nào, nhưng có thể khẳng định rằng, “rường cột quốc gia” như Chu tự nhiên sẽ có nhiều lựa chọn tự do hơn những dân thường áo vải. Hà Tộ Hưu, kẻ mà những năm đầu nhờ cổ động “tính giai cấp của khoa học tự nhiên” được Giám đốc Sở Khoa học thuộc Bộ Tuyên truyền Trung Quốc khen thưởng, sau đó lại nhờ vào sức truyền bá của tạp chí “Cờ đỏ” mà trở thành Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn vào cuối năm 2005 khi nhắc đến việc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn mỏ khai khoáng ở Trung Quốc đã buột miệng nói rằng: “Ai bảo anh bất hạnh mà sinh ra ở Trung Quốc?” “Trung Quốc cần phát triển, một vài sự trả giá là không thể tránh khỏi.” Kỳ thực một bộ phận những người trẻ Trung Quốc cũng đối đãi như vậy với những bất hạnh và khổ nạn của nhân dân tầng thấp tại Trung Quốc. Đại khái là bản thân họ cũng giống “Viện sỹ Hà”, “Thiếu tướng Chu” tự coi mình là tinh anh và hoàn toàn không định coi mình là cái giá phải trả của sự phát triển.

Tư tưởng đấu tranh trong Văn hóa đảng trải qua mấy chục năm nhồi nhét của Trung Cộng, từ lâu đã không chỉ hạn chế trong lĩnh vực chính trị mà còn xuyên suốt mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của Trung Quốc. Tư tưởng đấu tranh này, nói trắng ra chính là ứng dụng Thuyết tiến hóa của Đác-uyn vào xã hội nhân loại, chủ trương “cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh sinh tồn”. Nó tôn sùng luật rừng xanh của động vật. Theo nguyên tắc này, đúng và sai, thiện và ác đều không quan trọng, điều quan trọng là không từ thủ đoạn giành chiến thắng trong cạnh tranh, dù là quan trường, thương trường hay tình trường.

Trong một xã hội cổ động đấu tranh sinh tồn, cá lớn nuốt cá bé, tôn sùng tính lang sói, giữa người với người tất nhiên sẽ tranh đấu, cắn xé, lòng đầy nghi kỵ một cách căng thẳng. Điều này cũng không khó để lý giải khi thuốc giả, rượu giả, xì dầu giả, gạo cao lương có độc, phở có độc, dưa có độc ngập tràn toàn xã hội, còn có thịt tiêm nước, dầu làm từ nước cống, sữa bột thiếu dinh dưỡng v.v.. Không chỉ văn bằng làm giả dễ dàng, cầu, đập nước cũng có thể làm giả, thậm chí kết hôn rồi còn không dám tin vào hôn nhân, phụ nữ thì sợ bị chồng phản bội, đàn ông thì hoài nghi đứa bé không có quan hệ huyết thống với mình… còn thấy chết mà không cứu, dậu đổ bìm leo đều đã thành những điều quen thuộc. Thật khó tưởng tượng một xã hội “phát triển” khi phải trả một cái giá đắt như vậy có thể đưa dân tộc đi đến cường đại được.

1) Mục đích Trung Cộng nhồi nhét tư tưởng đấu tranh

Trong tác phẩm “Trại súc vật” nổi tiếng của George Orwell, một bầy súc vật không chịu nổi sự “bóc lột” của con người mà vùng lên làm cách mạng tạo phản, cuối cùng đã đuổi được con người và thành lập một “Trại súc vật” do mình làm chủ. Chú heo, lãnh tụ dẫn đầu bầy động vật tiến hành “cách mạng” không lâu sau đó được hưởng đặc quyền một mình hưởng thụ sữa bò và táo. Khi đối diện với sự nghi ngờ của những loài động vật khác vì ôm giữ ý niệm “tất cả các loài động vật đều bình đẳng như nhau” mà tham gia cách mạng, Squealer (chú heo phụ trách tuyên truyền) giải thích rằng: “Chúng tôi ăn những thứ này mục đích duy nhất là phải giữ gìn sức khỏe cho chúng tôi. Toàn bộ việc quản lý và tổ chức công việc trong khu vườn đều dựa vào chúng tôi. Chúng tôi vì hạnh phúc của mọi người mà ngày đêm tận tâm tận lực. Do đó, điều này là vì các bạn, chúng tôi mới uống sữa bò và mới ăn táo. Các bạn có biết không, lỡ khi loài heo chúng ta mất chức, vậy chuyện gì sẽ xảy ra? Jones sẽ quay trở lại! Đúng vậy Jones sẽ quay trở lại xâm lược! Đúng vậy đấy, các đồng chí!” Jones vốn là ông chủ của khu vườn, tức là kẻ thống trị của ‘xã hội cũ’. Dù cho một vài loài động vật cá biệt còn mơ hồ nhớ rằng khi Jones còn ở đây tình hình cuộc sống của các loại động vật hầu như không kém hơn so với hiện giờ, nhưng theo sự tuyên truyền ngày qua ngày, vì nỗi sợ hãi Jones sẽ quay trở lại đã ăn sâu vào đầu mỗi loài động vật như một phản xạ có điều kiện, do đó mọi người không còn lời nào để nói về đặc quyền của heo. Rất nhanh, đặc quyền của heo ngày càng nhiều. Mặt khác, làm thế nào để phòng cái tên Jones “luôn rắp tâm muốn tiêu diệt chúng ta ấy” quay trở lại xâm lược, đặc biệt là sự câu kết giữa kẻ đồ tể cùng Jones và những động vật “phản đồ” phá hoại sự kiến thiết của khu vườn, đã trở thành một nội dung quan trọng trong cuộc sống thường nhật của các loài động vật. Đối mặt với “đại sự hàng đầu” như vậy, những bất mãn và ý kiến bất đồng khác đã trở thành chuyện vặt vãnh không quan trọng. Hơn nữa, luôn luôn “đề cao cảnh giác”, “chuẩn bị chiến đấu” đã trở thành một nội dung quan trọng bậc nhất vượt qua mọi điều trong cuộc sống của cộng đồng.

Orwell đã dùng hình thức một câu chuyện ngụ ngôn để miêu tả một cách giàu hình tượng và sâu sắc về bản chất của triết học đấu tranh mà kẻ thống trị cổ xúy: Bằng cách tạo dựng và duy trì hình tượng kẻ thù trong tâm trí người ta mọi lúc, bằng cách nhấn mạnh sự nguy hiểm của kẻ thù trong mọi thời điểm, đã khiến cho người ta buộc phải “tạm thời nhẫn nhịn” mọi hành vi bạo ngược của kẻ thống trị, cho rằng loại hành vi bạo ngược này xuất phát từ một nguyện vọng tốt đẹp, và cuối cùng sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi người. Còn kiểu đấu tranh này mãi “lâu dài, phức tạp, gian nan”, cho nên sự “tạm thời nhẫn nhịn” này của mọi người sẽ mãi không có điểm dừng.

Là người Trung Quốc, họ đều rất quen thuộc với loại “nguy hiểm” tồn tại mọi thời mọi khắc, loại “nguy hiểm” này đến từ “một nhóm nhỏ đặc vụ”, đến từ “một nhóm nhỏ địa chủ, kẻ giàu có, phản cách mạng có ý đồ lật đổ thiên hạ”, “một nhóm nhỏ những phần tử cánh hữu điên cuồng tấn công Chủ nghĩa xã hội”, đến từ “một nhóm nhỏ phái đương quyền đi theo con đường Chủ nghĩa tư bản”, đến từ “một nhóm nhỏ những kẻ cúng bái quỷ thần” v.v.. Những kẻ địch nguy hiểm này đã từng là bạn thân, bạn tốt, trưởng bối, sư phụ, hàng xóm láng giềng của họ. Theo sự chỉ dẫn của học thuyết đấu tranh “một mất một còn” của Trung Cộng, từng nhóm nhỏ, từng nhóm nhỏ của họ bị “tiêu hủy”, tính ra ít nhất cũng đã có tới 40 triệu người Trung Quốc mất mạng một cách bất thường.

Thuận theo thời gian trôi đi, cùng với sự sụp đổ của Chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới, ngày nay Trung Cộng đã không thể giải thích rõ ràng với nhân dân rằng “những kẻ thù của nhân dân” lúc đó rốt cuộc nguy hiểm ở chỗ nào? Nhưng một cách vô thức mọi người phát hiện “nguy hiểm” mới lại đến từ những gì ở ngay bên cạnh mình, trong ý thức của dân chúng, đấu tranh vẫn là điều tất yếu. Chỉ là ngày nay tội danh “kẻ thù nguy hiểm” đã dần dần từ tên gọi “phản đảng, phản xã hội chủ nghĩa” vốn đã lỗi thời đổi thành những cái tên mới như “đe dọa an ninh quốc gia”, “lật đổ chính phủ”, “thế lực phản Hoa”, “theo đuổi hoạt động tôn giáo” v.v..

Đây chính là kết quả của tư tưởng đấu tranh mà Trung Cộng nhồi nhét vào đầu óc nhân dân suốt mấy chục năm qua. Trên thực tế, đồng thời với việc lật đổ, bôi nhọ Văn hóa truyền thống, đảo lộn những giá trị quan truyền thống về thiện ác mà người Trung Quốc kế thừa xuyên suốt mấy nghìn năm qua, Trung Cộng đã bắt đầu nhồi nhét những giá trị quan về đúng sai của Văn hóa đảng. Một trong những hạt nhân của giá trị quan này chính là triết học đấu tranh “cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh sinh tồn”.

Thế giới quan của Đảng Cộng sản được xây dựng trên lý luận đấu tranh giai cấp, tư tưởng triết học của nó là phương pháp biện chứng duy vật. Nó (ĐCSTQ) ủng hộ tính mâu thuẫn, tính đối lập, tính đấu tranh của thế giới; ủng hộ thông qua đấu tranh nội bộ, từ thay đổi lượng đến thay đổi chất của sự vật, sự vật phát triển và chuyển hóa từ cấp thấp lên tới giai đoạn cao hơn. Tư tưởng này ứng dụng vào lịch sử nhân loại là cái gọi là Chủ nghĩa duy vật lịch sử, tức là lịch sử phát triển của xã hội là một bộ lịch sử đấu tranh giai cấp; hạt nhân của đấu tranh là chính quyền quốc gia. Chính quyền quốc gia có được nhờ vào bạo lực, đồng thời cũng được vận hành và duy trì bằng bạo lực. Nói trắng ra, nhờ ứng dụng học Thuyết tiến hóa của Đác-uyn vào xã hội nhân loại, thông qua hình thức đấu tranh tàn khốc này, cuối cùng các giai cấp đều theo cái gọi là “cá lớn nuốt cá bé”, kẻ mạnh (còn gọi là “giai cấp tiên tiến”) sinh tồn.

Trung Cộng, kẻ cướp chính quyền và nắm quyền thống trị bằng bạo lực, nhằm dán nhãn “chính quyền hợp pháp” cho mình, vẫn luôn nói “lịch sử đã lựa chọn Đảng Cộng sản Trung Quốc”, còn nhân dân quyết định lịch sử, cho nên đây là sự lựa chọn của nhân dân. Trung Cộng nói “lịch sử đã lựa chọn” mình, logic mà hàm chứa trong đó là “cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh sinh tồn”. Bởi vì Trung Cộng tạo phản thành công mà kẻ thắng lợi đại diện cho “trào lưu phát triển của lịch sử”. Đây chính là một trong những nguyên nhân mà Trung Cộng nhiệt liệt nhồi nhét vào đầu người dân học thuyết đấu tranh của mình. Điều đáng tiếc là không nghi ngờ gì có thể thấy tà thuyết xáo trộn thị phi, đảo lộn nhân quả như vậy cũng đồng nghĩa với việc người Hán tại Trung Nguyên hơn 300 năm trước “đã lựa chọn” cho dân tộc Mãn xâm chiếm và thành lập triều Thanh, hơn 700 năm trước người Hán “đã lựa chọn” Mông Cổ xâm lược. Lịch sử nắm quyền của Trung Cộng cũng mới chỉ có hơn 50 năm, nói lịch sử lựa chọn có phần hơi sớm.

Tư tưởng phép biện chứng hoàn toàn không phải do Marx sáng lập. Bản thân Marx cũng thừa nhận rằng phép biện chứng của mình bắt nguồn từ Hegel, còn tư tưởng của người đời sau lại được gợi mở từ tư duy biện chứng của Trung Quốc cổ đại. Kỳ thực “Kinh dịch”, Bát quái, “Hà đồ”, “Hoàng đế nội kinh”, “Binh pháp Tôn Tử” của Trung Quốc cổ đại, không gì là không mang đầy trí huệ của tư duy biện chứng. Một bộ “Kinh Dịch” chính là thông qua 64 quẻ, triển hiện một cách chi tiết tường tận về mối quan hệ chế ước lẫn nhau, chuyển hóa và dựa vào nhau cùng tồn tại của hai chủng nhân tố đối lập tại tầng thứ vũ trụ, trong sự vật mà con người có thể nhận thức đến được, từ đó có thể suy diễn được quy luật phát triển của sự vật. Ở đây không chỉ trình bày những nhân tố như biến hóa động tĩnh, âm dương tăng giảm, ngũ hành tương sinh tương khắc trong sự vận động, phát triển của sự vật, còn miêu tả quá trình phát triển hoàn chỉnh của sự vật từ “tiềm long vật dụng”, “kiến long tại điền” cho tới sau cùng là “phi long tại thiên”, “kháng long hữu hối” (Quẻ Càn, Kinh dịch), hơn nữa còn có quy luật biến đổi bác phục tuần hoàn, bĩ cực thái lai. Mối quan hệ phổ biến, sự biến đổi phát triển, lượng biến chất biến, chất và lượng thay đổi lẫn nhau, phủ định của phủ định của sự vật mà Marx miêu tả trong phép biện chứng duy vật chẳng qua chỉ là một cách đề cập khác mà thôi. Còn trong Chu dịch không chỉ miêu tả định tính, mà còn nắm chắc được định lượng. Dựa trên cơ sở của Chu dịch, Trung y vận dụng vào thực tế nghiên cứu về nhân thể, binh pháp cổ đại vận dụng vào quân sự càng thể hiện một cách cụ thể trí huệ cao siêu của phương Đông cổ đại.

Về cái gọi là “phát triển” trong phép biện chứng của Marx chẳng qua là đặc biệt cường điệu và thổi phồng tính đấu tranh, cường điệu hóa mặt xung đột, đối lập của mâu thuẫn. Marx chủ trương “sự thống nhất của những mặt đối lập” là có điều kiện, là tạm thời, nhanh chóng qua đi và mang tính tương đối, còn sự đấu tranh của những mặt đối lập bài xích lẫn nhau là tuyệt đối.” Cho nên những nhà lý luận của Đảng Cộng sản cho rằng tính đấu tranh chính là “linh hồn cách mạng” của phép biện chứng chủ nghĩa Marx. Lấy đó làm cơ sở thì, biện pháp xử lý mâu thuẫn trong xã hội là chỉ có đấu tranh, thông qua đấu tranh mà tiêu diệt mặt đối lập. Phép biện chứng duy vật của Marx sở dĩ nhiệt tình cường điệu tính đấu tranh, kỳ thực là vì tạo căn cứ lý luận cho việc Đảng Cộng sản dùng bạo lực cướp đoạt chính quyền. Còn Chủ nghĩa duy vật lịch sử cho rằng, đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội giai cấp, bạo lực cách mạng là bà đỡ của “xã hội mới”, tô vẽ cho bạo lực cướp đoạt chính quyền thành nhân tố tiến bộ của xã hội. Mao Trạch Đông nói: “Nghìn điều vạn ý trong đạo lý chủ nghĩa Marx, suy cho cùng chính là một câu: ‘Tạo phản có lý’.” Câu này thực tế đã điểm đúng chỗ. Chính vì vậy, Văn hóa đảng hiếu chiến khát máu cũng chính là căn nguyên của những biến động bất an, xung đột liên miên của những quốc gia do Đảng Cộng sản nắm cực quyền.

2) Nhồi nhét trong đấu tranh chính trị

Trung Cộng nên cơ nghiệp nhờ vào triết học đấu tranh, cũng duy trì thống trị nhờ vào triết học đấu tranh. Trên thực tế, chính là trong những cuộc đấu tranh chính trị liên miên không dứt hết lần này đến lần khác do Trung Cộng phát động, tư tưởng đấu tranh trong đầu óc dân chúng không ngừng mạnh lên. Điều này cuối cùng đã khiến dân tộc Trung Hoa vốn coi trọng đạo Trung dung, tuân theo lẽ dĩ hòa vi quý, trở thành mọi người đều đành phải coi đấu tranh như trạng thái bình thường của xã hội, coi sự cảnh giác tràn ngập giữa người với người như một trạng thái bình thường, coi việc kẻ tranh người đoạt, kẻ lừa người dối là đạo sinh tồn trong cạnh tranh xã hội.

 

Năm 1951, khi Trung Cộng vừa thành lập, mới đứng vững đã bắt đầu cái gọi là cuộc vận động “cải tạo tư tưởng” dành cho tri thức phần tử. Việc phê phán bộ phim “Vũ Huấn truyện” [1] chính là mở màn của cuộc vận động “cải tạo tư tưởng” sau khi Trung Cộng cướp chính quyền thành công. Cuộc vận động này quả thực đã đạt được tác dụng cải tạo tư tưởng của phần tử trí thức theo kỳ vọng của Mao. Từ đó tư tưởng của người Trung Quốc đã phát sinh biến dị to lớn, từ đây mọi người cho rằng tiêu chuẩn đo lường thiện ác chỉ có một, đó chính là “đấu tranh giai cấp”. Vũ Huấn thời cuối nhà Thanh phải ăn mày mở lớp học, dù cho cả một đời chịu đựng hết thảy khuất nhục, tiết kiệm ăn mặc chỉ vì muốn mở trường nghĩa học để những đứa trẻ con nhà bần hàn có thể đi học, nhưng chính vì ông “căn bản không hề động tới cơ sở của nền kinh tế phong kiến và một sợi lông của kiến trúc thượng tầng của nó, nhưng lại điên cuồng tuyên truyền văn hóa Phong kiến” (trích lời Mao Trạch Đông), “đứng nhầm” lập trường giai cấp mà bị Trung Cộng đánh đổ, bôi nhọ; Hải Thụy [2] triều Minh không sợ quyền thế công bằng chấp pháp, một than chính khí, trong sạch liêm khiết, dù trong lịch sử được bách tính tôn kín và yêu mến, nhưng vì Hải Thụy thuộc về “giai cấp bóc lột”, “là kẻ bảo vệ trung thành cho lợi ích giai cấp địa chủ” cho nên Trung Cộng cho rằng tất cả những chuyện tốt đẹp mà ông làm cho người dân đều là vì “duy hộ giai cấp thống trị”, do đó mà ngay khi cuộc Cách mạng Văn hóa mới bắt đầu đã bị đánh đổ, bôi nhọ. “Nghĩa trang liệt sỹ không quân” tại Nam Kinh mà Chính phủ Quốc dân, an táng hơn 100 liệt sỹ không quân đã hy sinh trong chiến tranh kháng Nhật tại khắp nơi trên toàn Trung Quốc, các giảng viên của Mỹ, phi hành viên Liên Xô đã hiến thân trong cuộc chiến tranh Trung Quốc kháng Nhật. Nhưng vì sinh mệnh của họ chiến đấu cho “chính phủ phản động” nên khi cuộc Cách mạng Văn hóa mới bắt đầu, hồng vệ binh của Mao Trạch Đông đã mở nắp những ngôi mộ, đập phá mộ của các liệt sỹ. Toàn bộ hài cốt các vị liệt sỹ bị quăng quật phân tán khắp nơi.

Đối với Đảng Cộng sản mà nói, tính đấu tranh là tính cách mạng. Sự tồn tại của mâu thuẫn và xung đột là chuyện tốt chứ không phải chuyện xấu. Bởi vì chúng là “hạt giống cách mạng”, còn lịch sử chính là trong đấu tranh mà tiến lên (nhưng Trung Cộng ngày nay lại bắt đầu sợ nhân dân dùng từ cách mạng). Nhưng tính đấu tranh hoàn toàn không phải là bản tính tiên thiên của con người, cho nên Đảng Cộng sản cho rằng “sự giác ngộ cách mạng” của quần chúng cần phải được gợi mở, phải “giáo dục” không ngừng để nâng cao “giác ngộ cách mạng” của họ, và vì đó mà không từ mọi thủ đoạn cố ý gây ra mâu thuẫn và xung đột.

Ví như “Bạch Mao Nữ” vốn là một vị tiên cô khuyến thiện trừ ác trong truyền thuyết dân gian, thì nhằm “giáo dục” nhân dân mà Trung Cộng dựng thành điển hình của giai cấp bị bóc lột “khổ lớn thù sâu”. Do tính kích động của tư tưởng báo thù xuyên suốt vở kịch quá mạnh “Thù nghìn năm phải báo, Oán nghìn năm phải đòi” mà đã xảy ra chuyện binh sỹ ngay khi đang xem diễn kịch đã suýt nữa đã dùng súng đánh chết “Hoàng Thế Nhân”.

Cho nên cái gọi là “gợi mở sự giác ngộ giai cấp”, cái gọi là “bồi dưỡng cảm tình giai cấp” trên thực tế chính là nhồi nhét tư tưởng đấu tranh, tuyên truyền thù hận. Trước kia Trung Cộng đã không hề giấu giếm mà tuyên truyền rằng: “nợ máu phải trả bằng máu”, “thù hận nhập tâm phải nảy mầm”, “khắc ghi lịch sử máu và nước mắt, không quên thù giai cấp”. Cùng với sự mở cửa của đất nước, việc tuyên truyền thù hận vốn bị phỉ nhổ một cách phổ biến trong những xã hội văn minh nên Trung Cộng không còn dám tuyên truyền một cách ngang nhiên, trắng trợn như trước. Mặc dù Trung Cộng không còn làm cái thứ như “thống thuyết gia sử” (kể chuyện lịch sử đau khổ nước nhà), “Ức khổ tư điềm” (nhớ nỗi đắng cay ngọt bùi), nhưng điều này không có nghĩa là Trung Cộng vứt bỏ thủ đoạn này, mà nó thay đổi bộ mặt mới, và lợi dụng khoa học kỹ thuật nhằm ngụy trang một cách tinh tế. Ví như ngày 14 tháng 8 năm 2001, Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế đã chính thức phát biểu trong Hội nghị Liên Hợp Quốc chỉ ra cái gọi là “Vụ tự thiêu Thiên An Môn” mà Trung Cộng tuyên truyền lặp đi lặp lại chính là một trò lừa bịp được che đậy một cách tinh tế, mục đích của nó là kích động thù hận của nhân dân với Pháp Luân Công.

Trong hết cuộc vận động này đến cuộc vận động khác trong lịch sử, trong làn sóng tuyên truyền hết lớp này đến lớp khác của Trung Cộng, con người đã không tự biết mà bị lấp đầy bởi “nỗi hận thấu xương” với những kẻ thù mà Trung Cộng khoanh ra, những kẻ địch này là “địa chủ”, “nhà tư bản”, “phú nông”, “phản cách mạng”, “cánh tả”, “đi theo Chủ nghĩa tư bản”, “phần tử dân vận”, “phần tử tà giáo”…. “Giác ngộ cách mạng” chính là thể hiện nỗi hận thấu xương với “kẻ thù”, học tập tinh thần của Lôi Phong: phải vô tình tàn khốc với kẻ thù như mùa đông lạnh giá, đây gọi là “cảm tình giai cấp”, nó vượt qua mọi thứ tình cảm của nhân loại. Mao Trạch Đông nói: “Đánh ai cũng cần tiến hành phân tích giai cấp, người tốt đánh người xấu là đáng kiếp, người xấu đánh người tốt, người tốt quang vinh; người tốt đánh người tốt là hiểu lầm.” Những lời này của Mao đã được lưu truyền rộng trong “Hồng vệ binh” thời Cách mạng Văn hóa. Dù cho là bạo lực với “kẻ thù giai cấp” thì là họ “đáng kiếp”, cho nên bạo lực và máu tanh đã nhanh chóng trải khắp mảnh đất Trung Nguyên rộng lớn.

Theo cảm tình giai cấp của “người cách mạng”, Lưu Thiếu Kỳ đã dám phản đối “đại cứu tinh” của nhân dân, thì ông “chết chưa hết tội”. Dù cho Trương Chí Tân giúp Lưu Thiếu Kỳ, người “chết chưa hết tội” lật lại vụ án, bà đã bị lính cai ngục thay nhau cưỡng hiếp cũng là “đáng kiếp”, bị cắt đứt cuống họng, bị hành hình cũng là “đúng người đúng tội”. Tại đây hình tượng Lôi Phong “phải vô tình tàn khốc với kẻ thù” đã được miêu tả một cách chân thực.

Trong “Tháng Tám đỏ” [3] tại Bắc Kinh, những thầy cô giáo bị chính học sinh của mình tận tay giết chết. Có lẽ họ cũng không nghĩ được rằng đây chính những hạt giống mà bản thân họ đã vùi xuống khi họ làm theo yêu cầu của “đảng” dạy học sinh “phải vô tình tàn khốc với kẻ thù như mùa đông lạnh giá”, “tuốt roi da vụt kẻ thù”, khi dạy học sinh đối xử với kẻ thù giai cấp như thế nào cũng không coi là quá đáng.

Trong bối cảnh nhân dân đấu đá lẫn nhau, người người tranh giành nhau thể hiện tính giai cấp của mình, một người càng biểu hiện ra “sự thù hận thấu xương” càng chứng minh đó là người yêu ghét phân minh, giác ngộ giai cấp cao, còn ngược lại là người phải chịu nỗi hiềm nghi đáng sợ là “lập trường giai cấp không vững vàng”.

Sau khi người thân bị định là “kẻ thù của đảng” thì người nhà phải thể hiện rõ lập trường, không được hàm hồ. Sau khi Chương Bá Quân bị đánh hạ xuống thành cánh hữu, con trai, em gái của ông đều phát biểu bài viết trên báo lên tiếng phê phán ông. Sau khi một người khác là Trữ An Bình bị đích thân Mao Trạch Đông chỉ định là cánh hữu, con trai ông đã giáo huấn cha mình như sau: “Tôi xin nói với ngài Trữ An Bình một câu trung nghĩa: Hy vọng ngài kip thời kìm cương trước bờ vực, hãy chăm chú lắng nghe ý kiến của nhân dân, đào sâu nguồn cội tư tưởng phản Chủ nghĩa xã hội, triệt để đối đãi với vấn đề của bản thân mình, để tránh tự tuyệt với nhân dân.”

Vậy là, một mặt mọi người bị cưỡng ép nhồi nhét tư tưởng đấu tranh trong những cuộc tranh đấu hết lần này tới lần khác, mặt khác lại chính trong những lần tranh đấu “động chạm tới linh hồn” hết lần này đến lần khác, vì sinh tồn, mọi người bị ép buộc phải học được cách dùng cái vẻ lạnh lùng dày cộm để bọc lại lương tri của mình, “học” được rằng chỉ có đả kích, hãm hại người khác mới bảo toàn được chính mình, không ít người vì vậy đã nhận định rằng “cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh sinh tồn” đã trở thành phép tắc của cuộc sống chân thực.

Trong bộ phim “Cánh diều màu xanh” bị Trung Cộng cấm trình chiếu có một tình tiết dựa trên một câu chuyện có thực: Phản hữu đã bắt đầu rồi. Đơn vị của Lâm Thiếu Long đến phiên phải đưa lên một chỉ tiêu cánh hữu, mọi người đành phải thảo luận quyết định cái mũ này nên chụp lên đầu ai, không hoàn thành chỉ tiêu thì đừng nghĩ tới chuyện tan họp. Nhưng Tiểu Long trong thời khắc quan trọng này lại đứng lên rời khỏi chỗ, ông muốn đi vệ sinh, đúng vào giây phút đó có lẽ ông cho rằng việc đi vệ sinh quan trọng hơn cuộc họp. Thế là đợi cho đến khi ông đẩy cửa về chỗ ngồi, ông đã được “tiến cử” là cánh hữu.

Nếu như trong các cuộc đấu tranh chính trị “một mất một còn”, mọi người đã được tôi luyện được sự nham hiểm – hoàn toàn vượt qua ranh giới đạo đức cuối cùng để dẫm đạp lên người khác nhằm bảo toàn bản thân, vậy thì ngày nay những hành vi “một mất một còn” như vậy trên thương trường, tham ô hủ bại, hàng giả, kém chất lượng, không chút do dự mà làm tổn hại người khác đã nhanh chóng tràn ngập khắp nơi cũng không có chút gì đáng kinh ngạc. Bởi vì căn cứ triết học của nó đều giống nhau, tức là “cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh sinh tồn”.

Ngày nay mọi người đã quen với dùng việc có “thành công” hay không làm tiêu chuẩn duy nhất đo lường giá trị của một con người, mà không nói tới việc người đó đã dùng cách nào. Cho nên bám được “ông to”, “sếp lớn” là mục tiêu của phụ nữ, có gái đẹp vây bên mình là sự hãnh diện của đàn ông, trẻ nhỏ thi đỗ trường đại học nổi tiếng là hy vọng duy nhất của các bậc phụ huynh. Trong triết học tranh đấu này, “thành công” được xây dựng trên cơ sở “thất bại” của người khác. Tại đây không hề có lương tri và công lý, cũng chẳng có đúng và sai, thiện và ác, còn sót lại chỉ là thành và bại: thành công thì là điều tốt, thất bại thì là điều xấu. Cho nên mọi người đều muốn tranh làm “đại ca”. Những công xưởng máu và nước mắt đâu đâu cũng có nhưng đãi ngộ của dân công lại thảm hại đến mức không nỡ nhìn; hàng hóa nhiễm độc biến chất tràn ngập thị trường, “Vi phú bất nhân” (vì làm giàu mà bất nhân) đã được coi là điều đương nhiên. Những kẻ lộng quyền phạm pháp mà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì được coi là có “chỗ chống lưng mạnh”, “quan hệ thép”. Dưới sự nhồi nhét tà thuyết “Cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh sinh tồn” của Văn hóa đảng, người Trung Quốc đấu đá lẫn nhau, nghi kỵ lẫn nhau, cả xã hội giống như một mâm cát, một đám quần chúng không có sức đoàn kết lại càng tiện cho Trung Cộng thống trị chuyên quyền.

Trích từ: Giải thể văn hoá đảng

Ngày đăng: 14-02-2020