Những thủ đoạn tuyên truyền biến hóa khôn lường của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)
Trong một hội nghị toàn quốc công khai vào tháng 8 năm 2013, Tập Cận Bình, lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ đắc cử trước đó năm tháng, đã ban hành một chỉ thị cho các cơ quan chính phủ và các hãng thông tấn thuộc sự kiểm soát của chính phủ: “Hãy kể những câu chuyện tốt đẹp về Trung Quốc và hãy kể thật hay vào.”
Chính sách tuyên truyền của ông Tập thực tế không mới nhưng nó là sự tổng hợp của những gì mà ĐCSTQ đã kinh qua kể từ khi nó lên nắm quyền vào năm 1949. Mệnh lệnh này của ông Tập là nhằm mục đích đẩy mạnh bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ, hòng kiểm soát tin tức ở cả trong nước lẫn quốc tế.
Đại dịch virus corona đang diễn ra là một ví dụ hoàn hảo cho thấy bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ đã dốc sức như thế nào để “kể những câu chuyện tốt đẹp về Trung Quốc”. Từ các nhà ngoại giao và các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho tới các cơ quan y tế, từ các cấp chính phủ cho tới đội quân internet đều được chỉ dẫn tô vẽ ĐCSTQ thành anh hùng chống virus, thành vị cứu tinh của nhân dân Trung Quốc và thế giới. Những tiếng nói bất đồng bị chèn ép, và thông tin về dịch virus corona bùng phát bị kiểm soát gắt gao, khiến hơn 5 triệu người ở gần 200 quốc gia bị nhiễm bệnh và hơn 325.000 người chết vì chủng virus này.
Dưới đây là một số thủ đoạn tuyên truyền của ĐCSTQ.
Ngoại giao Twitter: Khoa trương về bản thân và đổ lỗi cho người khác
Một bài viết của Đài Châu Á Tự do (RFA) ngày 28 tháng 4 năm 2020 đã điểm lại ba tài khoản Twitter trong 100 ngày qua, gồm có Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying, @SpokespersonCHN) Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian, @zlj517) và Bộ Ngoại giao Trung Quốc (@MFA_China). Bà Hoa là Trưởng Ban Thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, còn ông Triệu là cấp phó của bà Hoa.
Từ ngày 1 tháng 1 tới ngày 10 tháng 4, tổng cộng có đến 4.574 bài viết được đưa lên từ ba tài khoản nói trên.
Trong tháng 1 và tháng 2, hầu hết các tweet này đều ca ngợi sự thành công của ĐCSTQ trong việc chống virus corana và truyền “năng lượng tích cực” (một khẩu hiệu mà lãnh đạo ĐCSTQ đề xuất từ năm 2014), nhưng không có thông tin nào về số ca nhiễm được xác nhận ngày một nhiều.
Từ ngày 20 tháng 2, các tweet này lại chuyển từ kể về Trung Quốc là nơi bùng phát dịch thành tung hô bản thân như một vị cứu tinh của thế giới. Các bài viết này cũng bắt đầu tung ra những khẩu hiệu mới của ĐCSTQ như “Một cộng đồng có chung tương lai vì nhân loại”, và kêu gọi đẩy mạnh hợp tác toàn cầu.
Ngày 12 tháng 3, một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dich virus corona, Triệu lại viết trên trang Twitter của mình rằng: “Có thể Quân đội Hoa Kỳ đã mang dịch bệnh tới Vũ Hán.”
Gần 80% các bài viết được đăng tải bởi ba tài khoản Twitter này đều chỉ trích Hoa Kỳ.
Thông tin xuyên tạc
Trong tháng 3, tin nhắn giả hiện lên màn hình điện thoại di động và dòng tin trên trang mạng xã hội của hàng triệu người Mỹ, tuyên bố rằng Tổng thống Trump sẽ phong tỏa toàn bộ đất nước, theo một bài báo trên tờ New York Times ngày 22 tháng 4 với tiêu đề “Đặc vụ Trung Quốc giúp phát tán tin nhắn đã gieo rắc nỗi sợ virus ở Hoa Kỳ, các quan chức cho biết” (Chinese Agents Helped Spread Messages That Sowed Virus Panic in U.S., Officials Say). Bài báo lưu ý rằng những tin nhắn giả này dẫn nguồn từ Bộ An ninh Nội địa và được lan truyền rộng tới mức Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng đã phải ra thông cáo bác bỏ những tin nhắn này.
ĐCSTQ vốn có lịch sử nhồi nhét quan điểm của mình cho thế giới từ lâu, trong đại dịch này lại càng được tăng cường. “Trong một chiến dịch có sự phối hợp chặt chẽ, các quan chức và các cơ quan của Trung Quốc tập trung phát tán những mẩu tin biết nói nhắm vào hai nội dung chính sau: đổ lỗi cho Hoa Kỳ là nguồn gốc của virus và Đảng Cộng sản đã dập dịch thành công sau một chiến dịch vất vả, khẳng định tính ưu việt của chế độ của nó”, một bài báo khác trên tờ New York Times đăng ngày 28 tháng 3 với tiêu đề “Khi virus phát tán, Trung Quốc và Nga thấy cơ hội tung tin xuyên tạc” (As Virus Spreads, China and Russia See Openings for Disinformation) cho hay.
Kể công
Ngày 7 tháng 3, Bí thư Thành phố Vũ Hán kêu gọi người dân Vũ Hán biết ơn: “Chúng ta phải thông qua nhiều kênh để tiến hành giáo dục về lòng biết ơn cho nhân dân toàn thành phố cũng như các cán bộ để họ cảm ơn tổng bí thư [Tập Cận Bình], cảm ơn đảng cộng sản, nghe lời đảng, đi theo đường lối của đảng và tạo ra năng lượng tích cực mạnh mẽ”, bài báo có tựa đề “’Giáo dục lòng biết ơn’: Ông trùm Vũ Hán đối mặt với phản ứng dữ dội sau lời kêu gọi cảm ơn lãnh đạo” (Gratitude education’: Wuhan boss faces backlash over calls to thank leaders) trên tờ The Guardian ngày 9 tháng 3 trích dẫn.
Kiểu tuyên truyền này không chỉ có ở một vài quan chức ĐCSTQ, trên thực tế, các nhà ngoại giao Trung Quốc ở nước ngoài cũng dùng chiêu bài tương tự. Hồi cuối tháng 2, ông Roger Roth, chủ tịch Thượng viện Wisconsin, đã nhận được mấy email từ Lãnh sự quán Trung Quốc tại Chicago, hối thúc ông thông qua bản thảo nghị quyết đính kèm để ca ngợi phản ứng của Trung Quốc với virus corona, tờ The Hill ngày 21 tháng 4 đưa tin trong một bài báo có tiêu đề “Vì sao Trung Quốc là kẻ thất bại nhất trong dịch COVID-19” (Why China will be the biggest COVID-19 loser).
Tuy nhiên, ý đồ của ĐCSTQ đã phản tác dụng. Vị thượng nghị sỹ này bất bình, đã soạn thảo và thông qua một nghị quyết Thượng viện của tiểu bang, trong đó tuyên bố rằng “Thượng viện Wisconsin ủng hộ nhân dân Trung Quốc, hết sức lên án mạnh mẽ các hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng tiếp cận các quan chức chính phủ Đức, hòng tác động để họ ra tuyên bố khen ngợi cách xử lý virus corona của ĐCSTQ. “Chính phủ liên bang không làm theo những đề nghị này. Điều đó thuộc về công lý, không cần phải đi xin lời khen ngợi”, bài báo của Reuters ngày 26 tháng 4 trích lời của Bộ Nội vụ Đức.
Đầu cơ tích trữ vật tư y tế rồi quảng cáo bản thân như một vị cứu tinh
Một báo cáo của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ ngày 1 tháng 5 đã chỉ ra hành vi thương mại bất thường của Trung Quốc khi mua lượng lớn vật tư y tế bắt đầu từ tháng 1, tờ Associated Press (AP) ngày 4 tháng 5 đưa tin trong bài báo có tiêu đề “Báo cáo của Bộ An ninh Nội địa: Trung Quốc giấu tính nghiêm trọng của virus để đầu cơ vật tư y tế” (DHS report: China hid virus’ severity to hoard supplies). Bài báo nhấn mạnh rằng sau khi đẩy mạnh sản xuất vật tư y tế, Trung Quốc đã bán cho những nước bị thiếu hụt, rồi tuyên bố bản thân là vị cứu tinh của thế giới.
Tuy nhiên, các vật tư y tế do Trung Quốc sản xuất thường bị lỗi hoặc kém chất lượng. Nhà báo Charles Dunst từ Viện Nghiên cứu Chiến lược LSE IDEAS có trụ sở tại London viết trên tờ The American Interest: “Khoảng 80% khẩu trang mà Cộng hòa Séc mua từ Trung Quốc với trị giá khoảng 600.000 USD bị lỗi. Các bộ xét nghiệm nhanh của Trung Quốc bán cho Tây Ban Nha chỉ đạt độ chính xác đến 30% so với 80% như dự kiến. Hà Lan đã phải thu hồi 600.000 khẩu trang lỗi mua từ Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã từ chối một số lượng không xác định các bộ xét nghiệm của Trung Quốc sau khi chúng cho kết quả không chính xác. Georgia đã đình chỉ thỏa thuận với một công ty Trung Quốc sau khi nhận được 1.000 bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh không đạt tiêu chuẩn.”
Những lỗi tương tự cũng được phát hiện trong lô hàng cứu trợ của Bắc Kinh. Theo một bài báo trên tờ American Interest ngày 15 tháng 4, sau khi Trung Quốc tặng 100.000 bộ xét nghiệm cho Philippines, lô bộ xét nghiệm này đã sớm bị loại bỏ bởi chúng chỉ cho 40% chính xác.
Chiến binh sói
Ngày 19 tháng 4, chính phủ Úc yêu cầu ĐCSTQ phải minh bạch trong vấn đề virus corona. Ngoại trưởng Úc Marise Payne phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình ABC ngày 19 tháng 4: “Các vấn đề xung quanh virus corona là những vấn đề cần được điều tra độc lập, và tôi cho rằng điều quan trọng là chúng ta phải làm được như vậy. Thực ra, Úc nhất định sẽ kiên quyết như vậy.”
Để đáp trả, ĐCSTQ đã đe dọa sẽ áp thuế lên tới 80% đối với lúa mạch của Úc và đã đình chỉ nhập khẩu thịt bò Úc.
Đây không phải là phản ứng cục bộ. “Đặc phái viên của Bắc Kinh tại Paris cảnh báo một cuộc đối đầu với Pháp nếu các lợi ích của Trung Quốc bị đe dọa, sau đó tham gia vào một cuộc cãi vã công khai với nước chủ nhà về đại dịch virus corona. Đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka khoác lác về việc Trung Quốc xử lý đại dịch với một nhà hoạt động chính trị trên Twitter có chưa đến 30 người theo dõi. Bắc Kinh đã hủy chuyến lưu diễn toàn quốc của Dàn nhạc Giao hưởng của Prague sau một cuộc tranh cãi với thị trưởng của thành phố này về Đài Loan”, theo bài báo của Wall Street Journal ngày 19 tháng 5 có tiêu đề “Các nhà ngoại giao ‘Chiến binh sói’ của Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu” (China’s ‘Wolf Warrior’ Diplomats Are Ready to Fight).
“Khi Trung Quốc khẳng định mình trên toàn cầu, các nhà ngoại giao của họ trên khắp thế giới đang phải đối đầu với những kẻ thù lớn nhỏ”, bài báo nhận định khi liên tưởng tới phong cách “chiến binh sói”, biệt danh đặt theo tên bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc.
Điều này đã khiến nhiều chính trị gia Hoa Kỳ có cái nhìn tương phản rõ rệt về Trung Quốc. “Các chính phủ phương Tây đã thuê các nhà tội phạm học để làm sáng tỏ những tín hiệu mờ ám phát đi từ Bộ Chính trị Trung Quốc. Dưới thời cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, chiến lược công khai của quốc gia này là “che giấu khả năng và chờ thời. Giờ thì hết rồi”, theo bài báo của BBC ngày 13 tháng 5 với tiêu đề “Virus corona: Quân đội mới của Trung Quốc với những nhà ngoại giao cứng rắn” (Coronavirus: China’s new army of tough-talking diplomats).
Suốt mấy thập kỷ vừa qua, ĐCSTQ đã cai trị Trung Quốc bằng bạo lực, lừa mị và dối trá. Điều này có thể thấy được qua các cuộc vận động chính trị của nó như Đại Nhảy Vọt (1958), Nạn Đói Lớn (1959-1961), Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Thảm sát Thiên An Môn (1989), và cuộc bức hại Pháp Luân Công (từ năm 1999 đến nay).
Với mỗi cuộc vận động chính trị, ĐCSTQ đã học được cách thích nghi và tồn tại, lại càng trở nên tàn bạo hơn nữa trong nỗ lực kiểm soát Trung Quốc và thống trị phần còn lại của thế giới. Khi mở rộng ảnh hưởng, ĐCSTQ cũng đã đang xuất khẩu sự độc hại của nó ra thế giới, và đại dịch toàn cầu này là một minh chứng. Có lẽ đã đến lúc áp dụng giãn cách xã hội và kinh tế với Trung Quốc để kiến lập một con đường an toàn phía trước.
(Theo MinhHue Net)