Một quyển sách
đã truyền cảm hứng cho hơn 350 triệu người
thoái xuất khỏi Đảng Cộng Sản Trung Quốc

Chương 8: Thói quen tư duy kiểu Văn hóa đảng (phần thượng) (audio)


Ảnh: Epoch Times

Mục lục

1. Người người gặp mặt cảnh giác lẫn nhau, trong ngôn ngữ mang ý thức tranh đấu

2. Thói quen sáng tác không tách rời đảng

========

Để hình thành nên một thể hệ văn hóa thông thường cần một khoảng thời gian dài, thế nhưng chỉ trong mấy chục năm ngắn ngủi, Đảng Cộng sản dựa vào tuyên truyền nhồi nhét với cường độ cao bất thường, dựa vào thực tiễn đẫm máu kinh động đến tinh thần đã kiến lập nên Văn hóa đảng tại Trung Quốc; tiêu chí cho sự thành công của nó là khiến người ta từ bị động tiếp nhận tư duy Văn hóa đảng cuối cùng biến thành thói quen tư duy Văn hóa đảng. Một khi thói quen đã trở nên tự nhiên, Văn hóa đảng sẽ trở thành một phần của sinh mệnh con người, người ta cũng khó nhận ra nó là thứ bị nhồi nhét từ bên ngoài, mà lại tin rằng nó xuất phát từ sâu thẳm tâm hồn của họ. Tư duy Văn hóa đảng đã trở thành “bản tính” của dân tộc chúng ta. Có dân tộc thích suy ngẫm, có dân tộc thích âm nhạc, có dân tộc thích sáng tạo, mỗi dân tộc có thể có trăm ngàn phương thức tư duy khác nhau, nhưng đều xuất phát từ nhân tính tự nhiên của con người. Nhưng cái “bản tính” mà Đảng Cộng sản nhồi nhét cho chúng ta lại không phải xuất phát từ nhân tính tự nhiên mà là đảng tính. Văn hóa đảng đã làm biến dị dân tộc của chúng ta, khiến cho con người trở nên đề phòng cảnh giác khi gặp gỡ giao tiếp nhau, trong ngôn ngữ mang đầy ý thức tranh đấu; trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật đều đã hình thành thói quen không tách rời đảng; trong cuộc sống, người ta cảm thấy mối nguy hiểm khi suy nghĩ không phù hợp với quan niệm của đảng; họ nói theo thói quen ngôn ngữ văn phong dập khuôn của đảng; lẫn lộn khái niệm đảng với chính phủ, đảng với quốc gia và đảng với dân tộc, v.v..

Kiểu tư duy Văn hóa đảng này đã trở thành thói quen tự nhiên của toàn xã hội, hình thành nên một kiểu “thế lực thói quen” ảnh hưởng đến mọi mặt tư duy, lời nói và hành động của con người. Chúng tôi nhận thấy rằng, cho dù tổ chức Đảng Cộng sản có giải thể thì “thói quen tư duy” hình thành trong Văn hóa đảng không thể giải thể được, vậy thì tương lai Trung Quốc vẫn sẽ là một xã hội tuy không có Đảng Cộng sản nhưng vẫn bị ám ảnh nặng nề bởi bóng ma của Đảng Cộng sản. Nếu “thói quen” Văn hóa đảng trong tư duy, lời nói và hành động của chúng ta không được tẩy sạch, thì nó vẫn sẽ ảnh hưởng đến những phán đoán đúng sai, phân tích tin tức và các quyết sách của chúng ta, chúng ta có thể vẫn cảnh giác lẫn nhau, vẫn khai thác cạn kiệt tự nhiên, đấu với Trời đấu với Đất, vẫn cảm thấy “các thế lực phản Hoa trên thế giới chết hết thì mới yên tâm”, v.v.. Điều này ví như một chiếc xe hơi đang chạy tốc độ cao, cho dù động cơ của nó bốc lửa nhưng nó vẫn có thể theo quán tính mà trượt thêm một đoạn dài nữa. Do vậy vào chương cuối cùng này, việc thanh trừ thói quen tư duy Văn hóa đảng của chúng ta rõ ràng là vô cùng cần thiết.

1. Người người gặp mặt cảnh giác lẫn nhau, trong ngôn ngữ có ý thức tranh đấu

1) Người người gặp mặt cảnh giác lẫn nhau

Người Trung Quốc từ xưa vốn rất hiếu khách. Khổng Tử viết: “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc nhạc hồ? (Dịch nghĩa: Có bạn từ xa đến, không vui mới lạ?)” Thế nhưng ở Trung Quốc ngày nay, nếu có một người lạ muốn làm quen với bạn, bạn liền nghĩ rằng có thể họ không “vô duyên vô cớ” mà quan tâm đến bạn, đoán xem liệu người ấy có âm mưu gây rối không; trông thấy người dắt theo trẻ nhỏ đến nhờ giúp đỡ, có lẽ bạn sẽ đoán rằng liệu người đó có phải “kẻ lừa đảo” định dùng đứa bé đó để lừa gạt mình không; trên đường có người gọi bạn nhờ giúp đỡ, bạn sẽ cảnh giác ngay liệu có đồng bọn của anh ta trốn gần đó không, kẻo lại tự mình chui đầu vào rọ.

Ngược lại, người Trung Quốc khi sang các nước phương Tây, một trong những cảm nhận sâu sắc nhất chính là sự thân thiện của người dân. Đi trên đường, đến người không quen biết cũng mỉm cười với bạn, chào hỏi bạn; nếu bạn bị hỏng xe dọc đường thì thường có người dừng lại hỏi bạn có cần giúp gì không; nếu bạn mang theo trẻ nhỏ người ta lại càng sẵn lòng giúp đỡ.

“Quân tử kính nhi vô thất, dữ nhân cung nhi hữu lễ, tứ hải chi nội giai huynh đệ dã (Dịch nghĩa: Người quân tử biết cung kính lễ nghi, coi bốn biển đều là anh em)”, đây là quan niệm về lễ nghi của người Trung Quốc xưa. Tại sao ngày nay ở đất nước vốn là quê hương của lễ nghi này lại không còn thấy cách cư xử nhã nhặn giữa người với người nữa, mà chỉ thấy “không thể không có tâm lý đề phòng người khác”, người ta mang đầy tâm lý cảnh giác lẫn nhau? Kiểu tâm lý cảnh giác này không chỉ giới hạn giữa những người lạ, mà giữa cấp trên với cấp dưới, hàng xóm, đồng nghiệp, thậm chí là giữa bạn bè thân thiết với nhau cũng thường tồn tại tâm lý phòng bị này. Ngay cả khi người ta đang chén chú chén anh, dốc hết tâm tình với nhau trên bàn tiệc, họ vẫn không quên tâm lý cảnh giác, tự bảo vệ lấy mình, đề phòng người khác thay lòng đổi dạ.

Có thể nói người Trung Quốc ngày nay trong tâm đều có một bức thành trì được canh gác nghiêm ngặt. Tâm lý cảnh giác lẫn nhau đã trở thành một kiểu tư duy theo thói quen. Trong xã hội bình thường, người ta cũng không phải hoàn toàn không có chút cảnh giác gì, khi nhìn thấy kẻ lét lút vụng trộm thì cũng cần có tâm lý cảnh giác. Nhưng tâm lý cảnh giác của người Trung Quốc hiện nay lại không đến từ biểu hiện của đối phương, họ cảnh giác không phải vì đối phương, mà hễ thấy ai thì tự họ liền dấy lên tâm lý cảnh giác, họ lập tức giả định rằng đối phương có ý đồ không tốt. Ai ai gặp nhau cũng đều có tâm lý cảnh giác, đề phòng người khác, đây không phải là trạng thái bình thường của con người. Có người nói người Trung Quốc sống thật mệt mỏi. Quả đúng là như vậy.

(1) Thói quen cảnh giác là hậu quả do Văn hóa đảng gây nên

Con người đều đã từng đơn giản, từng tin tưởng, từng chân thành. Nhưng trải qua các cuộc vận động hết đợt này đến đợt khác, bản thân người ta hoặc đã vạch tội người khác, hoặc bị người khác vạch tội, hoặc hôm nay vạch tội người khác ngày mai lại bị người khác vạch tội, hoặc nhìn thấy người này vạch tội người kia, hoặc nhìn thấy người này bị người kia vạch tội, hoặc hôm qua bị người khác vạch tội, hôm nay vạch tội lại chính người đó, … Lịch sử của Trung Cộng suốt mấy chục năm qua là lịch sử của các cuộc đấu tranh, người người vạch tội lẫn nhau.

Người Trung Quốc xưa đời đời kế tục, dựa trên chế độ gia tộc tự quản để duy trì các mối quan hệ giữa người với người, nhưng triết học đấu tranh của Trung Cộng đã cứng nhắc xé nát các mối quan hệ này, thay thế bằng mối quan hệ đối lập giữa các (nhóm) giai cấp được xác lập theo địa vị kinh tế, xã hội. Người ta bắt đầu nhìn mọi người xung quanh bằng con mắt thù địch, dùng các thủ đoạn bạo lực của Đảng Cộng sản để đối xử với những người bất đồng ý kiến. Đảng tính, thú tính, tính giai cấp đã thay thế cho nhân tính, sự chuyên chính thay thế cho tình yêu thương, thù địch thay thế cho thân thiện, cảnh giác thay thế cho tin tưởng. Người ta bị buộc phải luôn luôn đề phòng với những gì bị gọi là sự “thâm nhập”, “công kích” và “phản công” của “kẻ thù”, khi phải gánh vác trách nhiệm phòng bị “kẻ thù”, họ cũng đồng thời sản sinh ra tâm lý cảnh giác, lo sợ rằng “kẻ thù” có thể làm tổn hại đến lợi ích thiết thân của họ. Trong một xã hội không tin vào đạo đức, không tin vào Thần Minh, không tin vào Thiên lý, dường như họ chỉ còn cách dùng ác ý mà suy đoán người khác, đề phòng người khác, mới có thể đổi lại một chút cảm giác an toàn cho bản thân. Qua thời gian dài, kiểu tâm lý đề phòng kẻ thù này đã trở thành thói quen suy nghĩ trong tiềm ý thức của người ta, thái độ phòng bị người khác trở thành thái độ bình thường trong xã hội. Tâm lý cảnh giác lẫn nhau có thể nói là một hậu quả tất yếu của việc hủy hoại tín ngưỡng và đạo đức truyền thống cùng với việc nhồi nhét quan niệm đấu tranh giai cấp của Trung Cộng.

Những trò hề tố cáo với những thủ đoạn bỉ ổi, vô nhân tính như: đặc vụ, mật báo, mách lẻo, tố giác, chỉ điểm, phản bội, hai mặt, gió chiều nào che chiều ấy, cắt đứt quan hệ, đại “nghĩa” diệt thân (vì bảo vệ chính nghĩa mà diệt cả người thân thích), vợ chồng phản bội nhau, cha con đấu đá nhau, láng giềng thù hận nhau, thầy trò đấu tố nhau, người người nghe lén nhau, v.v.. đã khiến cho tâm lý đề phòng trở thành bản năng sinh tồn của người ta.

Ảnh: Epoch Times

Nếu như nói tâm lý cảnh giác tạo thành do việc người đấu tố người vẫn còn [sót] khe hở, thì những lời dối trá từ trên xuống dưới trong xã hội Trung cộng lại sẽ lấp kín những khe hở này. Trong tâm lý học, người ta phát hiện rằng khi một người chân thành tin tưởng vào điều gì nhưng lại bị lừa gạt, thì người đó sẽ bị tổn thương sâu sắc về mặt tình cảm. Người càng chân thành thì sau khi bị tổn thương họ càng phản ứng lại kịch liệt, càng thể hiện ra tâm lý cảnh giác cao độ, thậm chí đi đến cực đoan, không tin tưởng bất kỳ ai. Người Trung Quốc lúc đầu đã từng tin tưởng vào Trung Cộng một cách mù quáng, nhưng sự lật lọng nhiều lần của Trung Cộng, sự xấu xa của những kẻ hùa theo Trung Cộng, kết cục tàn khốc của những người bị hại, đã để lại quá nhiều thương tích trong tâm hồn người Trung Quốc. Bị bức hại, bị lừa gạt hết lần này đến lần khác, người ta đã hình thành nên một bản năng phòng bị người khác. Người ta không còn dám tin tưởng vào bất cứ ai, làm việc gì trước tiên cũng phải hình dung ra người khác có ý đồ xấu, để nhắc nhở bản thân đề cao cảnh giác, vì sự mưu sinh của mình.

Tâm lý cảnh giác khiến người ta không còn tin tưởng người khác, hoài nghi tất cả. Sau khi đã trở thành thói quen, tâm lý cảnh giác lại tự cường đại lên. Cũng có nghĩa là, “sự không tin tưởng” sẽ tạo nên tâm lý cảnh giác cao độ hơn.

Trong sách “Liệt tử” có kể một câu chuyện “Nghi ngờ hàng xóm lấy trộm rìu”. Có một người đánh mất rìu, anh ta nghi ngờ đứa con của nhà hàng xóm lấy trộm. Do đó khi quan sát kỹ lưỡng cậu bé, anh ta cảm thấy cậu ấy đi đứng, nói năng đều có dáng vẻ giống như kẻ lấy trộm rìu, biểu hiện khuôn mặt, hành động cử chỉ hoàn toàn giống kẻ lấy trộm rìu của anh ta. Về sau khi đã tìm lại được rìu của mình, lúc này anh ta nhìn đứa con nhà hàng xóm lại cảm thấy cậu ấy đi đứng, nói chuyện, biểu cảm đều không hề giống kẻ lấy trộm rìu.

Trung Cộng đã bồi dưỡng cho chúng ta một kiểu thói quen tư duy thế này: đầu tiên thấy mọi người đều không đáng tin, trên thế giới này đều không có người tốt, sau đó đứng trên lập trường giả định này để tìm kiếm chứng cứ. Lúc này chúng ta cũng giống như người bị mất rìu, nhìn người khác biểu hiện thế nào cũng không đáng tin. Văn hóa đảng là một kiểu văn hóa hoài nghi, “hoài nghi tất cả” đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong tư duy và giao tiếp giữa con người, nó đề xướng, cổ xúy người ta cảnh giác lẫn nhau. Câu trả lời của Karl Marx khi Jenny con gái ông đến thăm có thể nói là “sặc mùi” Văn hóa đảng: “Lý giải về hạnh phúc – đấu tranh; màu sắc ưa thích – màu đỏ; lời răn dạy ưa thích – hoài nghi tất cả”.

Ảnh: Epoch Times

Đấu tranh và dối trá mới chỉ là nhân tố bề ngoài của tâm lý cảnh giác. Đào sâu vào các tầng của quá trình hình thành nên Văn hóa đảng, chúng ta mới có thể thấy được tâm lý cảnh giác này đã được hình thành như thế nào. Trung Cộng đã phá hủy tín ngưỡng dân tộc, phủ nhận Văn hóa truyền thống, nhồi nhét triết học đấu tranh, tuyên truyền sự vĩ đại của Marx-Lenin-Mao Trạch Đông. Sau khi tất cả tín ngưỡng truyền thống và cuộc thần thánh hóa của Trung Cộng sụp đổ, điều mang lại cho người ta là những vết thương tâm lý khiến họ không dám tin thứ gì. Tất cả điều này đã tạo thành tâm lý cảnh giác cao độ mà người ta ngày nay không thể bài trừ được.

 (2) Sự kế thừa tâm lý cảnh giác

Có lẽ có người cho rằng mình chưa từng trải qua các cuộc vận động trước kia, bây giờ có vẻ như không ai còn nhắc đến đấu tranh giai cấp như trước kia nữa. Nhưng trên thực tế, cơ chế xã hội tạo cho người ta thói quen cảnh giác vẫn tồn tại, mỗi thành viên trong xã hội đều không tránh khỏi bị nó ảnh hưởng.

Trên các kênh truyền thông miệng lưỡi của Trung Cộng, người ta lúc nào cũng có thể nhìn thấy những từ ngữ như: “nhận thức thanh tỉnh”, “đề phòng chặt chẽ”, “cảnh giác cao độ”, “phê phán nghiêm khắc”, “thế lực phản động”, “kẻ thù luôn muốn tiêu diệt chúng ta”, “khắc phục tư tưởng chủ quan, lơ là” v.v.. luôn luôn kích động tâm thái đấu tranh của người ta.

Hiện nay các bậc cha mẹ cũng lấy những điều mình đã từng trải qua trong các cuộc vận động chính trị làm bài học để giáo dục thế hệ trẻ phải luôn cẩn thận, cảnh giác, khiến cho tư duy cảnh giác này được “kế thừa” đời đời. Bạn bè cũng thường xuyên nhắc nhở nhau: “Anh phải đề phòng một chút với người XX nào đó”, khiến cho ký ức về tâm lý cảnh giác càng được khắc sâu thêm, hiệu ứng của nó được khuếch trương mọi nơi mọi lúc trong cuộc sống.

Văn hóa tố giác, vạch mặt nhau mà Trung Cộng nhồi nhét đến nay không những không mất đi, ngược lại còn tinh ranh hơn. Trẻ con bắt đầu từ khi học mẫu giáo và tiểu học đã được khuyến khích tố giác người khác để giành lợi thế cho bản thân. Khi vào đại học, để được vào đảng và được phân công việc tốt, các sinh viên dùng hình thức tố giác lẫn nhau để thể hiện thái độ “cầu tiến” và làm thân với người phụ trách. Trong đơn vị công tác những người mắng lãnh đạo dữ dội nhất lại thường là thám tử được lãnh đạo bố trí chèn vào để cấp dưới lơ là cảnh giác, từ đó thoải mái mở lòng mà nói lời thật lòng.

Tổ chức đảng của Trung Cộng có mặt khắp nơi, kiểm soát mọi mặt. Từ sách báo, tạp chí đến mạng Internet; từ học tập, làm việc đến cuộc sống sinh hoạt, nó khống chế, thao túng mọi mặt của xã hội. Nhất cử nhất động của người ta đều nằm dưới tầm giám sát của nó. Cuộc thảm sát sinh viên ngày 4 tháng 6 năm 1989, các cuộc bắt bớ những người khiếu kiện, đàn áp những người bất đồng ý kiến, bức hại các đoàn thể tín ngưỡng v.v.. của Trung Cộng chứng tỏ rằng tư tưởng đấu tranh giai cấp của nó chưa lúc nào dừng lại. Đặc biệt là cuộc đại công kích một cách che trời phủ đất được sử dụng trong đàn áp đối với Pháp Luân Công, nó huy động toàn dân tham gia, ai ai cũng bị kiểm tra, ai ai cũng phải bày tỏ thái độ, có khác gì so với cuộc Cách mạng Văn hóa?

Sự dối trá và hủ bại một cách có hệ thống của chính quyền Trung Cộng, đã khởi tác dụng làm mẫu cho dân chúng, vì vậy nó khiến cho toàn bộ chuẩn mực đạo đức của xã hội nhanh chóng trượt dốc. Mà sự trượt dốc về đạo đức của toàn xã hội lại càng thúc đẩy người ta thêm cảnh giác. Kiểu văn hóa đảng người người cảnh giác lẫn nhau này đã ăn sâu vào tâm lý của người dân, phản ánh ra trong tư duy và hành động chính là lúc nào cũng phòng bị người khác, lúc nào cũng phải suy đoán “âm mưu” của người khác, lúc nào cũng lo lắng bị người khác “lợi dụng”. Một giám đốc người Hoa ở hải ngoại mấy năm trước đến Trung Quốc khảo sát, khi trở về phải thở dài nói rằng: “Xã hội Trung Quốc đã trở nên cực kỳ phức tạp, người dân không còn giữ chữ tín và đạo đức nữa. Đối với bất kỳ ai mà nói, việc gì cũng không thể tin được. Người với người lừa dối lẫn nhau, chính phủ không tin nhân dân, nhân dân cũng không tin chính phủ, pháp luật không được thực thi”. Tình trạng xã hội như vậy , đối với đất nước này có phải là chuyện tốt không?

Quá trình hình thành nên một thói quen có thể phân thành ba giai đoạn: một là giai đoạn bị thế lực bên ngoài cưỡng ép làm một cách không tự nguyện, hai là giai đoạn liên tục bị gia tăng sức ép dẫn đến tự giác hình thành các phản xạ có điều kiện, ba là giai đoạn phản ứng tự thân theo thói quen và bản năng. Tâm lý cảnh giác của người Trung Quốc ban đầu là do bị Trung Cộng cưỡng ép nhồi nhét và kích động, sau đó bị gia tăng sức ép qua các cuộc vận động chính trị, đến ngày nay, tâm lý cảnh giác của người ta đã hoàn toàn trở thành bản năng, tự động, không cần giám sát, cũng không cần nỗ lực ý chí, nó là một trạng thái tư duy theo thói quen rất tự nhiên.

 (3) Hậu quả xấu của tâm lý cảnh giác

Tâm lý cảnh giác theo tư duy Văn hóa đảng khiến người Trung Quốc sống rất nặng nề. Tâm lý cảnh giác có thể giúp người ta tạm thời tự bảo vệ mình thậm chí có phần hữu ích, nhưng về lâu dài, người ta vốn dĩ có thể đối xử chân thành với nhau, tin tưởng lẫn nhau, sống nhẹ nhàng thanh thản thì lại trở nên cảnh giác cao độ, nơm nớp lo sợ, đề phòng mọi thứ. Tâm lý cảnh giác này khiến họ cảm thấy ai ai cũng là thù địch, ngay cả những người thân thiết nhất bên cạnh mình cũng không dám tin tưởng hoàn toàn. Cứ mãi như vậy khiến chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng, trong cuộc sống người ta khó mà cảm nhận được niềm vui do sự tin tưởng và thanh thản mang lại, tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần và các loại bệnh tâm lý khác ngày càng gia tăng. Theo tính toán của các chuyên gia tâm thần học, Trung Quốc hiện nay có ít nhất 100 triệu người mắc các loại bệnh về tâm thần.

Ảnh: Epoch Times

Trên chiến trường phải giữ vững cảnh giác là chuyện bình thường, nhưng trong cuộc sống hàng ngày mà tâm lý lúc nào cũng căng thẳng, đề phòng người khác, thì không phải là cuộc sống của người bình thường. Trong xã hội bình thường không hề có tình trạng “người người gặp mặt cảnh giác lẫn nhau” này. Ở rất nhiều quốc gia, toàn xã hội đều khuyến khích con người giữ phẩm chất trung thực, con người không cần dò xét đề phòng lẫn nhau, không cần nhọc sức dò xét đức hạnh của người khác, quan hệ giữa con người vô cùng đơn giản, người ta cho rằng làm người phải sống thoải mái, nhờ đó mọi người đều có thể được hưởng rất nhiều lợi ích.

Tư duy cảnh giác cũng khiến người Trung Quốc khó hợp tác với nhau, phát sinh nhiều mâu thuẫn. Đối với toàn xã hội mà nói, cái giá phải trả cho tâm lý cảnh giác này e rằng khó mà tính toán được.

Tâm lý cảnh giác khiến người ta không tin vào bất cứ điều gì, tất nhiên họ cũng không tin tất cả những gì nằm ngoài thể chế của Trung Cộng, ngay cả sự việc chân thực họ cũng không tin. Khi sự thực mà Trung Cộng vốn dĩ che đậy được phơi bày và trở lại như cũ, người ta cũng vẫn giữ thái độ hoài nghi và không tin, do đó lại giúp Trung Cộng đạt được mục đích tuyên truyền giả tạo, thao túng và lừa dối người dân.

Tâm lý cảnh giác cũng gây trở ngại trong quan hệ giữa Trung Quốc với quốc tế. Việc Trung Cộng kích động tâm lý cảnh giác và thù hận nước ngoài của người dân không chỉ khiến các nước khác khó tín nhiệm Trung Quốc, mà cũng không thể giúp Trung Quốc thực sự hội nhập với thế giới. Mang cái nhìn thù địch như vậy, coi người khác đều là “thế lực phản động”, thì người Trung Quốc sao có thể hiểu được chính xác thông điệp của người khác, sao có thể hợp tác với các quốc gia trên thế giới?

Người ta có thể cho rằng, nếu tôi không đề phòng người khác, không tự bảo vệ bản thân, thì chẳng phải người khác sẽ coi tôi là đồ ngốc mà lừa bịp hay sao? Đúng vậy, ai cam tâm tình nguyện là người đầu tiên buông bỏ tâm lý cảnh giác đây? Có người lấy ví dụ việc đứng kiễng bằng đầu ngón chân để làm rõ vấn đề này. Nếu mọi người đều đứng kiễng chân để xem kịch thì tất cả đều rất mệt, nếu mọi người cùng hạ chân xuống thì vừa thoải mái mà lại xem được kịch dễ hơn. Thế nhưng không ai tin ai, tôi hạ chân xuống rồi mà người khác không hạ thì tôi không nhìn được gì, chẳng phải tôi chịu thiệt sao?

Đứng trong Văn hóa đảng để đi tìm đáp án thì không thể tìm ra, bởi vì tâm lý “người người gặp mặt cảnh giác lẫn nhau” là do Văn hóa đảng tạo ra. Chỉ có giải thể Trung Cộng mới có thể xóa bỏ hoàn cảnh tạo ra và dung túng cho tâm lý cảnh giác. Người ta sau khi thoát khỏi bức hại và tấn công của Đảng Cộng sản thì mới có thể được tự do tín ngưỡng, mới có thể dần dần phục hồi các quan niệm truyền thống của Trung Quốc như nhân – nghĩa – lễ – trí – tín. Như vậy tự nhiên sẽ có người tự nguyện hạ chân xuống, sự chân thành, lương thiện của họ mới có thể khiến cho đạo đức toàn xã hội thăng hoa, từ đó đưa xã hội trở về trạng thái bình thường.

2) Ngôn ngữ mang ý thức tranh đấu

Năm 2001, một học giả ngôn ngữ ở Trung Quốc Đại lục đã từng làm một cuộc điều tra về các từ ngữ thịnh hành trong giới trẻ, trong số 10 từ ngữ thịnh hành nhất có những từ mang tính đả kích sâu cay như “độc ác”, “ngớ ngẩn”, “biến thái” cũng được liệt kê vào, còn xếp vị trí thứ hai lại là từ “đi chết đi”.

Ngôn từ mang tính tranh đấu không chỉ tồn tại trong nhóm văn hóa thanh thiếu niên. Đến nay trong mọi mặt cuộc sống của người Trung Quốc đều tràn ngập những ngôn từ như vậy. Ví dụ, trên áo phông in dòng chữ “Đừng có chọc tôi, đang bực đấy”; các ca từ cổ động “Khi cần ra tay thì ra tay”; tiêu đề sách đặt là “Trung Quốc có thể nói không”; mấy chục nghìn người hâm mộ bóng đá trên khán đài đồng thanh hô to: “XX ngu ngốc”; “Mày thần kinh à?” “Mày uống nhầm thuốc rồi?” “Não mày bị úng nước rồi?” những thể loại ngôn từ như vậy đâu đâu cũng có thể nghe thấy.

Trong cuộc sống thường ngày, rất nhiều người từng gặp phải những sự việc như thế này: khi thảo luận vấn đề thì không tùy việc mà xét, mà là đi đả kích người khác, lôi những điểm không tốt của người khác ra mà nói, cố tình làm hỏng việc. Lời nói mang hàm ý chế nhạo, ngôn từ gay gắt cay nghiệt, đầy tính công kích, không đếm xỉa gì đến cảm xúc của người khác. Gặp sự việc gì cũng không bình tĩnh nói lời có đạo lý, mà trước tiên cứ phải tranh hơn thua, có khi cũng không buồn để ý đến những quan điểm khác nhau của người khác, dù thế nào cũng phản đối trước đã mới cảm thấy thỏa nguyện. Thứ ngôn ngữ mang tính tranh đấu một cách không tự biết này đâu đâu cũng gặp trong cuộc sống.

Khi xếp hàng mua vé ở nơi công cộng, có thể không biết từ lúc nào đột nhiên xuất hiện một vài người đứng chen vào hàng. Nếu như bạn nói: “Xin anh hãy xếp hàng đi”. Rất có thể người ta sẽ trừng mắt nhìn bạn hằm hằm, lạnh lùng nói một câu: “Việc gì đến mày! Đồ thần kinh!” Đi bộ trên đường không may đụng phải người khác, đang định xin lỗi thì một giọng the thé vang lên “Không có mắt à?” Khi nhìn thấy hai người cãi cọ nhau, người bên cạnh có khi không những không khuyên giải, lại còn đổ thêm dầu vào lửa: “Cứ làm tới đi!” Giữa bạn bè với nhau lúc trêu đùa cũng nói:  “Lát nữa đánh chết cậu đi”.

Cha mẹ giáo dục con cái, ngôn ngữ lại càng lạnh lùng, không kiêng nể gì, sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay. “Đã nói với con rồi, tan học về việc đầu tiên là phải làm bài tập. Bây giờ thì tốt rồi, bài tập vẫn làm không xong, đợi xem ngày mai cô giáo không phạt mới lạ!”. “Con xem xem đứa XX nhà ấy, lúc nào cũng giỏi hơn con”. “Khóc gì!, chỉ biết khóc thôi à? Có khóc cũng không ai giúp đâu”. “Con không chịu nghe lời, vậy thì đợi con thi kiểm tra xong chúng ta sẽ tính sổ”. “Mày đợi đấy, xem tao có dám đánh mày không”. “Ranh con, tao không trị được người khác nhưng xem tao có trị được mày không?”

Người Đài Loan phát hiện ra rằng, người Trung Quốc Đại lục khi nói chuyện thường có thói quen dùng câu hỏi vặn lại, mà ngữ khí nghe rất nặng. “Sao ngay cả việc này mà cũng không biết à?” “Cậu không biết tự xem à?” “Không trông thấy tôi đang bận sao?” “Ai nói vậy?” “Tôi chẳng phải đã nói với cậu rồi sao?” “Trước giờ làm cái gì mà giờ mới…?!” “Ở đâu có kiểu như cậu?” Cách nói này sặc mùi tranh đấu và mang hàm ý trách cứ người khác, chê bai người khác “ngu ngốc”, “không bình thường”, đồng thời do sử dụng câu hỏi vặn nên ngữ khí lại càng nặng hơn.

Ngôn từ mang tính đấu tranh đã trở nên vô cùng phổ cập, đến mức trong các loại hình văn học nghệ thuật đại chúng lấy việc đả kích bằng ngôn từ làm nội dung chính. Nội dung chủ yếu trong rất nhiều tiểu phẩm thịnh hành vài năm gần đây tập trung vào các diễn viên nam nữ công kích, ép buộc nhau; những kẻ to mồm, nói dai trở thành những nhân vật được coi trọng trong các tiểu thuyết, phim điện ảnh, truyền hình; [hiện nay] rất nhiều nhà văn dùng ngôn từ cay nghiệt mà coi như sâu sắc,  các diễn đàn trên internet lại càng là lãnh địa của những ngôn ngữ cay nghiệt. Nông dân, người nghèo, người tàn tật, người tướng mạo xấu xí, người có trình độ học vấn thấp, v.v.. đều trở thành đối tượng bị người ta công kích, dè bỉu.

Trong bầu không khí xã hội đấu đá khốc liệt này, ban giám khảo cuộc thi “giọng ca nữ siêu đẳng” nổi tiếng một thời ở Trung Quốc Đại lục đã nói với các nữ thí sinh những lời như thế này: “Sai nhạc rồi! Cô thực sự không biết rằng mình đang hát sai nhạc à?”, “Cô đúng là chẳng có chút tố chất âm nhạc cơ bản nào”, “Đúng là một sự sỉ nhục cho thể loại dân ca”, “Cô hát và nói chuyện đều rất kịch”, “Nếu cô chăm chỉ học tập thì còn có tương lai, chứ theo nghiệp ca hát thì chỉ có đường chết”, “Đừng có làm cho các thí sinh sau cô phát sợ”, “Người khác hát thì thỉnh thoảng mới sai nhạc, còn cô hát thì thỉnh thoảng mới không sai nhạc”, “Bỏ tiền cho cô học nhạc thật là lãng phí”, “Cô còn trẻ mà cứ như oán phụ vậy”. Những câu nói trực tiếp đánh vào lòng tự tôn của người khác, không còn sự tôn trọng tối thiểu nào đối với người khác như vậy lại được phát sóng công khai trên truyền hình trước hàng triệu khán giả, vậy mà người ta lại thấy bình thường, không hề cảm thấy có gì không ổn, thậm chí còn say sưa hưởng ứng theo chương trình.

Kiểu ý thức đấu tranh này của người Trung Quốc không chỉ thể hiện ở ngôn ngữ có tính đấu tranh mà trong ngôn ngữ thông thường cũng tràn ngập ý thức đấu tranh. Khi thảo luận vấn đề, người ta thường không đứng trên cơ điểm cùng nhau giải quyết vấn đề để đưa ra lập luận có tính xây dựng, mà lại lập luận theo hướng tiêu cực, cái này không đúng, cái kia không được, dù sao thì người khác cũng không thông minh bằng mình, cho dù bản thân vẫn chưa nghĩ ra nên làm thế nào thì cũng phải thể hiện mình “mạnh mẽ”, “nhìn xa trông rộng”, tỏ ra mạnh hơn người khác.

Một thế hệ cũ người Trung Quốc đã chìm ngập trong Văn hóa đảng suốt thời gian dài, thế hệ trẻ từ nhỏ đã lớn lên trong môi trường như vậy, mọi người đều tưởng rằng người Trung Quốc từ xưa đến nay đều nói chuyện như vậy, nên cũng không cảm thấy nói như vậy có gì không đúng, có gì không tốt. Thực ra người Trung Quốc xưa rất coi trọng lễ giáo nho nhã, dịu dàng, đôn hậu; tin tưởng vào chuẩn tắc làm người “nhân lễ nghĩa trí tín”; đề cao thái độ “ôn lương cung kiệm nhường” khi xử lý công việc, thái độ nói chuyện của người xưa rất khác với người Trung Quốc ngày nay. Ở các nước phương Tây, ngôn ngữ và hành vi của con người chịu sự ước thúc mạnh mẽ của tôn giáo, đạo đức, pháp luật và nguyên tắc nghề nghiệp. Ngôn ngữ có tính đấu tranh chỉ giới hạn sử dụng ở tòa án, trong các cuộc biện luận của ứng cử viên, còn trong cuộc sống hàng ngày, người ta nói chuyện khiêm tốn, nhún nhường, toàn bộ xã hội ở trạng thái rất ôn hòa. Ngôn ngữ của toàn dân đều mang ý thức đấu tranh, mà lại là ý thức đấu tranh mạnh mẽ, hiện tượng này là đặc trưng của Văn hóa đảng.

(1) Nguyên nhân của ý thức đấu tranh trong ngôn ngữ

Cũng như “người người gặp mặt cảnh giác lẫn nhau”, “ngôn ngữ mang ý thức đấu tranh” cũng là sản phẩm của triết học đấu tranh và thực tiễn đấu tranh của Trung Cộng. Trong mắt Trung Cộng thì bạo lực là một phẩm chất đáng được coi trọng. Thông qua sách giáo khoa, các chương trình truyền hình, các tiết mục văn nghệ, ca khúc, truyện ngắn v.v.. triết học đấu tranh của Trung Cộng đã thâm nhập một cách vô thức vào trí óc và tâm hồn của các thế hệ người dân Trung Quốc. Hành vi của người ta là do tư tưởng quyết định, nếu tư tưởng bị nhồi nhét đầy những thứ bạo lực và thù hận thì lời nói, hành vi mà người ta biểu hiện ra chắc chắn cũng mang theo bạo lực và thù hận. Cho nên ý thức đấu tranh trong ngôn ngữ của người Trung Quốc chính là phản ứng bản năng trong tâm người dân Trung Quốc hình thành trong triết học bạo lực, văn hóa bạo lực và thực tiễn bạo lực của Trung Cộng. Trong cuộc sống và giáo dục suốt mấy chục năm nay, dù là tư tưởng hay là hành động, người ta bị giáo dục quá nhiều về đấu tranh, và di chứng nó để lại quá rõ ràng.

Trong các cuộc vận động chính trị lặp lại cứ 7, 8 năm một lần, đâu đâu cũng tràn ngập các ngôn từ bạo lực. Trên các phương tiện truyền thông của Trung Cộng, người ta thường thấy những từ có tính đả kích mạnh mẽ như “phê phán”, “đấu tranh”, “đả đảo”, “đập nát”, “quét sạch”, “yêu ma quỷ quái” v.v.. Kiểu ngôn từ bạo lực này được sử dụng rộng rãi trong các bài xã luận, bình luận, phê bình văn chương trên báo. Ví dụ như “chặt đứt móng vuốt của XX”, “ai dám phản đối chủ nghĩa xã hội, chúng ta sẽ đập nát xương của hắn ta”, “XX nhất định sẽ không có kết cục tốt đẹp”, “chiên rán, hỏa thiêu, lột da, rút gân”, “dẫm đạp lên một chân, làm cho hắn cả đời này không ngóc đầu lên được”, v.v.. đều là những từ ngữ mang tính uy hiếp, đe dọa, đầy bạo lực và sặc mùi tranh đấu. Kiểu ngôn ngữ bạo lực này hoàn toàn phù hợp với mục đích của kẻ độc tài muốn hăm dọa người dân, tạo ra khủng bố để khuất phục người dân; chúng tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, văn kiện, sách giáo khoa, tác phẩm văn nghệ, thẩm thấu vào cuộc sống hàng ngày của người dân, khiến cho ngôn ngữ của người Trung Quốc bị cải biến cực lớn.

Trong các cuộc đấu tranh chính trị tàn khốc do Trung Cộng phát động, thói tranh đấu của con người được phát huy toàn diện. Những kẻ độc ác nhất, không từ thủ đoạn nào mà công kích, miệt thị, hãm hại người khác, những người giỏi thêu dệt tội danh cho người khác, đứng trên lập trường đấu tranh giai cấp để đánh giá người khác, đâm sau lưng người khác, những người này thường được lãnh đạo và “tổ chức” trọng dụng, được thăng tiến vùn vụt; còn những người bị tố cáo, bị công kích mà không tự biện hộ được thì thường có kết cục bi thảm. Để tránh rơi vào hoàn cảnh bị công kích như vậy, người ta đã cố gắng tạo nên kỹ năng ngôn ngữ cho mình, rèn cho mình kỹ năng nói năng khéo léo, nhanh mồm, để có thể nhanh chóng phản bác lại người khác bất cứ lúc nào. Ngày nay, người ta tranh cãi nhau một cách vô lý, ai to mồm hơn là giỏi hơn, điều này đã trở thành phản ứng bản năng trong tiềm thức của họ.

Ý thức đấu tranh trong ngôn ngữ phản ánh cảm giác bất an sâu sắc của con người sống trong Văn hóa đảng. Trong xã hội nhân loại bình thường, con người tin vào lời dạy của người xưa “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Dịch nghĩa: Việc mình không muốn, thì đừng làm với người khác), người ta không có ý đồ xấu với người khác, cũng không cần phải lúc nào cũng đề phòng người khác, tâm lý bình tĩnh, ổn định, càng không biết đến dùng ngôn ngữ tranh đấu với người khác. Nhưng Văn hóa đảng khiến người ta luôn lo lắng bản thân chịu ức hiếp, thiệt thòi, do đó phải dùng ngôn ngữ làm vũ khí chiến thắng người khác thì bản thân mới có cảm giác an toàn. Trung Cộng tuyên truyền “học thuyết Darwin” cá lớn nuốt cá bé, kẻ yếu giống như thực vật bậc thấp trong chuỗi tiến hóa bị động vật khác ăn thịt, còn kẻ mạnh giống như động vật bậc cao trong chuỗi tiến hóa cảm thấy an toàn nhất. Tư tưởng này đã biến mối quan hệ con người vốn dĩ hài hòa trở thành mối quan hệ đấu tranh. Trong đấu tranh thì việc thắng hay thua trở thành tiêu chí quan trọng để tự mình đánh giá cảm giác an toàn. Vậy nên trong cuộc sống hiện nay, người ta coi việc nói át người khác là thể hiện phản ứng nhanh nhẹn, thông minh tài trí hơn người, họ cảm thấy mình cao hơn người khác một cái đầu, mạnh hơn người khác, và rồi trong lòng cảm thấy dương dương tự đắc.

 (2) Sự kế thừa ý thức đấu tranh

Rất nhiều người tưởng rằng lịch sử đấu tranh đã qua đi, nhưng phương thức tư duy của con người một khi đã hình thành thì rất khó thay đổi. Mặt khác, hệ thống ngôn ngữ có tính ổn định. Một hệ thống ngôn ngữ hình thành rồi sẽ cần qua một thế hệ thanh niên thực hành để trở thành thói quen ngôn ngữ của họ. Nói một cách khác, quá trình đứa trẻ học nói chính là quá trình học một phương thức sử dụng ngôn từ, đồng thời cũng là quá trình học một phương thức tư duy. Qua các cuộc đấu tranh chính trị trường kỳ, cha mẹ, thầy cô và toàn xã hội đã hình thành nên tâm thái đấu tranh, nó sẽ biểu hiện ra ở thế hệ trẻ với một dạng biến thể khác. Trẻ con ngày nay từ nhỏ đã khoe khoang giàu có, coi thường người nghèo, tâm đố kỵ mạnh mẽ, đây đều là biểu hiện của tâm đấu tranh. Suy nghĩ sâu hơn chúng ta sẽ phát hiện rằng “ý thức đấu tranh trong ngôn ngữ” một mạch xuyên suốt trong lịch sử mấy chục năm thống trị của Trung Cộng.

Chúng ta có thể phân loại các từ ngữ mang tính đấu tranh thành các hình thức sau:

Hình thức lấy mạnh hiếp yếu:

Ví dụ 1: “Chả trách gần đây xảy ra hiện tượng kỳ lạ phe cánh tả và cánh hữu cùng hô hào tạo phản. Nói thật với các người, ngọc trai không thể lẫn lộn với mắt cá được. Bọn ta chỉ cho phép cánh tả tạo phản, không cho phép cánh hữu tạo phản. Các người dám cả gan tạo phản thì bọn ta sẽ lập tức trấn áp! Đây là logic của bọn ta. Dù sao thì bộ máy nhà nước cũng ở trong tay bọn ta”. (Báo Hồng vệ binh Trung học thuộc Trường đại học Thanh Hoa, năm 1966)

Ví dụ 2: “Tôi là công chức, đánh hắn thì có sao, đánh bị thương thì trả 100.000 tệ, đánh chết thì trả 200.000 tệ” (Cuộc xung đột quy mô lớn hàng vạn người xảy ra tại Vạn Châu, Trùng Khánh năm 2004, khởi đầu có một người tự xưng là công chức đã gây ẩu đả với một công nhân chẳng may quệt cái đòn gánh vào người vợ ông ta. Câu nói này đã châm ngòi cho cuộc xung đột).

Ví dụ 3: “Ai bảo anh không may sinh ra ở Trung Quốc chứ?” (Cuối năm 2005, Hà Tộ Hưu trả lời phỏng vấn báo chí, khi nhắc đến các vụ tai nạn do khai thác khoáng sản xảy ra liên tiếp ở Trung Quốc, ông ta đã nói câu này)

Các ví dụ khác như “Thiêu đốt Đài Loan thành mảnh đất khô cằn” v.v.. Cách nói này là điển hình cho thái độ lấy mạnh hiếp yếu.

Hình thức đố kỵ điên cuồng

Ví dụ: “Thứ mà giai cấp vô sản mất đi chỉ là xiềng xích; nhưng thứ mà họ sẽ có được là cả thế giới.” (Trích từ “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Câu nói này phản ánh tâm thái lưu manh điển hình của giai cấp vô sản: làm thế giới náo loạn long trời lở đất, lúc đó “người vô sản” mới có thể thừa nước đục thả câu, làm giàu trong một đêm)

Còn nhiều ví dụ khác nữa: “Có gì mà tài giỏi cơ chứ?” (ý là chẳng tài giỏi chút nào), “Mới mẻ ở đâu?” (ý là chẳng có gì mới mẻ), “Năm mới nhà ai mà chẳng làm sủi cảo?” (Người khác gặp việc tốt hoặc đạt được thành tích gì, cũng chỉ đơn giản như năm mới nhà ai cũng cải thiện cuộc sống, chẳng có gì đáng ngưỡng mộ cả), “Chỉ có anh là giỏi!” (ý là có gì mà khoe khoang, thực ra tôi còn giỏi hơn anh).

Hình thức đối chọi gay gắt:

Ví dụ: “Anh không đánh thì hắn sẽ không ngã”; “Gió đông đã thổi, trống trận đã vang lên, trên thế giới này rốt cuộc là ai sợ ai đây?”, “Tôi sẽ chọi với con đó đến cùng”, “Muốn đấu với tao à? Mày sẽ không có kết cục ra gì đâu” .v.v..

Hình thức tự hạ mình để hạ thấp người khác (lấy độc trị độc)

Người sử dụng chiến lược ngôn ngữ này đầu tiên sẽ hạ thấp bản thân mình (hoặc tất cả mọi người), sau đó bắt đầu ra tay đả kích đối phương mà không phải lo lắng đối phương sẽ phản kích lại. Sự tinh vi của chiến lược này là ở chỗ, người nói đặt mình ở vị trí đạo đức thấp kém nhất, nhưng lại tương đương với việc mình có quyền khống chế ngôn ngữ nhất.

Ví dụ, khi có người dùng chuẩn tắc đạo đức phổ quát để phê phán Trung Cộng, Trung Cộng thường biện hộ rằng: “Trong xã hội có giai cấp, đạo đức đều phải phục vụ cho giai cấp thống trị”, nói một cách khác, “Đạo đức, nhân quyền, tín ngưỡng tôn giáo, tự do tín ngưỡng ở các nước tư bản đều là ‘hư ngụy’, đều phục vụ cho ‘giai cấp tư sản’; đã đều là hư ngụy thì cũng đừng trách cái gọi là ‘đạo đức chủ nghĩa xã hội’, ‘tự do tin tức mang bản sắc Trung Quốc’ cũng để phục vụ cho mục đích thống trị của Đảng Cộng sản”.

Một ví dụ khác: “Tôi là lưu manh thì tôi còn sợ ai?” v.v..

Hình thức hại người mà cũng không lợi ta

Triết học đấu tranh của Đảng Cộng sản sau khi phát triển đến cực điểm đã sản sinh ra một loại tâm lý bệnh hoạn “anh sống thì tôi chết”, “chết thì cùng chết”.

Ví dụ 1: “(Chiến tranh) hạt nhân hiện giờ nếu xảy ra thì không biết sẽ phải chết bao nhiêu người, tốt nhất là còn lại một nửa, chí ít thì cũng còn lại 1/3; 2,9 tỷ dân còn lại 900 triệu dân, sau mấy đợt kế hoạch 5 năm là lại phát triển lên thôi, đổi lại là chủ nghĩa tư bản bị triệt tiêu hoàn toàn, chúng ta mãi mãi hòa bình. Chẳng có gì xấu cả” (Mao Trạch Đông).

Ví dụ 2: “Bất luận thế nào, Đảng Cộng sản Trung Quốc chúng ta sẽ không rút lui khỏi vũ đài lịch sử. Chúng ta thà kéo toàn bộ thế giới này thậm chí toàn bộ trái đất này cùng tồn vong với đảng chúng ta chứ không chịu rút khỏi vũ đài lịch sử. Hiện giờ chẳng phải có lý luận về “trói buộc hạt nhân” sao? Có nghĩa là vũ khí hạt nhân đã trói buộc sự an toàn của cả thế giới lại với nhau, nếu phải chết thì mọi người cùng chết”. (Trì Hạo Điền – Chiến tranh cách chúng ta không còn xa, nó là bà đỡ của thế kỷ Trung Hoa).

Những ví dụ khác: “Tôi không khá giả thì cũng khiến anh không khá giả được”, “Tôi mà chết thì cũng không để anh sống” v.v..

Hình thức vò đã mẻ thì đập vỡ luôn:

Kiểu ngôn ngữ đấu tranh này thể hiện tâm thái vô cùng mất lý trí, tự làm khó bản thân. Người nói chuyện kiểu này bị chi phối bởi nhận thức “đấu tranh một cách mù quáng”, một khi kiên trì làm việc gì, dù việc họ kiên trì làm có vô lý, sai lầm, vô nghĩa đến đâu, chưa đâm vào tường chưa quay đầu, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, họ thể hiện thái độ mất hết lý trí, vô trách nhiệm với bản thân.

Ví dụ 1: “Chỉ một chút khó khăn thì sợ gì. Cứ đóng cửa đi, đóng cửa tám hay mười năm, mọi vấn đề của Trung Quốc đều sẽ được giải quyết.  Người Trung Quốc có chết cũng không sợ, vậy còn sợ khó khăn sao? …” (Mao Trạch Đông).

Các ví dụ khác: “Tôi cứ thế đấy”, “Anh làm gì được tôi nào?”, v.v..

Từ những ví dụ nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù cùng với sự thay đổi về chiến lược thống trị của Đảng Cộng sản, phương thức sử dụng ngôn ngữ của con người thể hiện những diện mạo khác nhau, nhưng “ý thức đấu tranh” trong đó thì vẫn xuyên suốt.

Cần nhấn mạnh rằng, trong lời nói thẳng thắn không nhất định hàm chứa ý thức đấu tranh, tục ngữ có câu “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, những lời nói mang thiện ý thoạt nghe có thể không lọt tai. Vấn đề mấu chốt là, với tâm thái mong muốn điều tốt cho người khác, khi nói chuyện người ta vẫn có thể chủ tâm bới móc, phá đám, khiêu khích, vô tình hay hữu ý đả kích người khác, hạ thấp người khác, đề cao bản thân.

 (3) Hậu quả của ngôn ngữ đấu tranh

Ngôn ngữ đấu tranh làm tổn thương người khác. Trung Quốc có câu ngạn ngữ “lời nói có thể cởi nút thắt trong tâm”, nhưng lời nói mang đầy ý thức đấu tranh có thể khiến tâm hồn người ta bị tổn thương nghiêm trọng, khơi mào cho những tranh chấp giữa con người. Kiểu ngôn ngữ này không những không thể cởi nút thắt trong tâm, mà còn tạo thêm nhiều nút thắt khó giải nữa. Một báo cáo nghiên cứu ở Bắc Kinh năm 2006 cho thấy, giáo viên sử dụng những từ ngữ bạo lực là một hiện tượng phổ biến. 72% số học sinh phổ thông cơ sở được điều tra thừa nhận rằng những từ ngữ vô văn minh mà giáo viên sử dụng đã gây tổn thương tâm lý cho các em. Trong một báo cáo khác, 81,45% số học sinh tiểu học được điều tra cho rằng “sự tổn thương do ngôn ngữ gây ra” trong trường học là vấn đề cấp bách nhất cần được giải quyết.

Bạo lực bằng ngôn ngữ ở một thời điểm nhất định rất dễ chuyển thành bạo lực bằng hành động. Bởi vì đấu tranh bằng ngôn ngữ khiến cho mối quan hệ giữa con người từ không mâu thuẫn trở thành có mâu thuẫn, chỉ một chuyện nhỏ cũng có thể gây ra vấn đề liên quan đến mạng người. Năm 2005, có một cảnh sát Bắc Kinh đến Thái Nguyên, tỉnh Sơn Đông, anh ta đứng trước ngã tư đèn xanh đèn đỏ nói vài câu cửa miệng với một cảnh sát ở Thái Nguyên, anh cảnh sát Thái Nguyên cảm thấy không nhịn nổi cơn tức này, liền đột nhiên gọi một vài người đến đánh chết anh cảnh sát Bắc Kinh. Một thiếu niên 14 tuổi ở thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, chỉ vì không vừa ý với một nickname trên mạng, hai bên chửi bới nhau thậm tệ, sau đó đối phương đổi thành một nickname của con gái để làm quen với cậu ta, tìm ra được địa chỉ quán Internet mà cậu ta đang ngồi, rồi lập tức chạy đến cho cậu ta một nhát dao dẫn đến tử vong.

Ngôn ngữ đấu tranh định hướng người ta dùng nhãn quang triết học đấu tranh để nhìn nhận vấn đề. Ngôn ngữ là công cụ tư duy của con người, ngôn ngữ mang ý thức đấu tranh hướng người ta dùng tư duy “đấu tranh” để giải quyết vấn đề. Giống như một người vốn định tìm một cái bào để kiếm sống bằng nghề thợ mộc, nhưng tìm mãi chỉ được một cái rìu, cho nên đành phải chuyển thành nghề đốn củi. Những tranh giành đấu đá giữa con người trong xã hội Trung Quốc ngày nay đều liên quan tới ý thức đấu tranh trong ngôn ngữ. Ví dụ, lãnh đạo vênh mặt hất hàm sai khiến nhân viên, động một chút là nói: “Tôi không tin rằng không trị nổi cậu”. Nhân viên không phục, trong lòng nghĩ: “Xem ông có thể làm gì được tôi nào?” Cứ như vậy người ta tranh đấu qua lại với nhau.

Trong môi trường chính trị và ngoại giao, kiểu ý thức đấu tranh này thể hiện ra lại càng rõ rệt, hậu quả cũng càng khốc liệt. Ngày 19 tháng 05 năm 2003, bên ngoài hội trường Hội nghị y tế thế giới, phóng viên Đài Loan hỏi: “Ông có nghe nói rằng Đài Loan có 20 triệu người (muốn gia nhập Tổ chức y tế thế giới) không?” Sa Tổ Khang – đại biểu Trung Cộng tại Liên Hợp Quốc nói bằng giọng điệu khinh thường: “Đã sớm từ chối rồi”, còn nói với vẻ ngạo mạn: “Ai quan tâm đến các anh!” Cũng là Sa Tổ Khang, khi bị hỏi về việc tại sao các học viên Pháp Luân Công bị giam trong bệnh viện tâm thần và bắt tiêm các loại thuốc hủy hoại thần kinh, ông ta không do dự trả lời: “đáng đời bọn họ”.

Ảnh: Epoch Times

Lý Triệu Tinh, người được mệnh danh là “ngoại trưởng hồng vệ binh”, rất nổi tiếng về thái độ ngang ngược, vô lễ khi trả lời phỏng vấn của phóng viên. Một lần một phóng viên nước ngoài hỏi ông ta về tình trạng sức khỏe của Đặng Tiểu Bình, Lý trả lời: “Sức khỏe ông ấy rất tốt”, phóng viên lại hỏi: “Đặng Tiểu Bình ở nhà hay ở bệnh viện mới có được sức khỏe tốt như vậy?” Lý trả lời: “Một người có nhận thức bình thường cũng biết rằng người khỏe mạnh thì nên ở đâu. Tôi không biết là khi anh khỏe mạnh thì anh có ở trong bệnh viện không?” Câu hỏi của nhà báo không hề có tính châm biếm hay nói máy nói móc gì, hoàn toàn có thể trả lời thẳng thắn mà vẫn giữ được thái độ ngoại giao, nhưng ý thức đấu tranh của ngoại trưởng Lý đã trở nên thâm căn cố đế, lúc nào cũng phải biểu hiện ra. Hay như Đặng Tiểu Bình nói: “Đám học sinh không nghe lời thì cử một liên đội lính súng máy là giải quyết xong”. Giang Trạch Dân nói: “Tôi không tin Đảng Cộng sản không thể chiến thắng Pháp Luân Công”. Đây đều là tư duy thói quen đấu tranh, bạo lực, trấn áp của Đảng Cộng sản thể hiện qua ngôn ngữ.

Thói quen sử dụng ngôn ngữ có tính đấu tranh khiến người ta không thể tiếp nhận thông tin một cách bình tĩnh, thảo luận nghiên cứu vấn đề một cách lý tính và công bằng hợp lý, khi thảo luận người ta chỉ chực dùng ngôn ngữ lấn át người khác, không hàm dưỡng biết lắng nghe, lại càng không độ lượng rộng rãi biết sai thì sửa.

Ngôn ngữ mang tính đấu tranh một khi khởi lên sẽ không ngừng biến đổi theo chiều hướng xấu hơn, giống như một người thường xuyên ăn đồ ăn có mùi vị nặng, khi tuổi tác cao dần, khẩu vị của người đó sẽ ngày càng nặng. Khi sử dụng ngôn ngữ gay gắt trong thời gian dài, người ta sẽ cảm thấy không đủ, phải đi tìm kiếm, tạo ra những từ ngữ có tính kích động lớn hơn. Sống trong hoàn cảnh này, lâu dần người ta trở nên ngày càng mất cảm giác đi.

 (4) Loại bỏ ý thức đấu tranh và làm trong sáng ngôn từ của chúng ta

Một người chân thành, lương thiện, khoan dung, tự tin sẽ không động một chút là hô đánh hô giết, càng không cứ phải áp đảo đối phương bằng ngôn từ, nói những lời cay nghiệt, ngụy biện, trăm phương nghìn kế nghĩ ra ngôn từ để sỉ nhục người khác, khiến người khác xấu hổ, bối rối, nhờ đó họ mới cảm thấy thỏa mãn trong tâm. Đằng sau ngôn từ đấu tranh là sự hòa trộn giữa tâm thái méo mó vừa tự ti, vừa tự đại với nhân cách biến dị do triết học đấu tranh của Trung Cộng tạo thành.

Trong xã hội nhân loại bình thường, người ta khi đối xử với người cùng địa vị với mình thì nhã nhặn, lễ độ; khi đối xử với người yếu hơn hoặc người bất hạnh hơn mình thì lời nói hết sức nhẹ nhàng, ôn hòa, có tính an ủi; vợ chồng sống với nhau tôn trọng nhau như khách, khi giáo dục trẻ nhỏ thì hướng dẫn từng bước tỉ mỉ; khi lập luận thì tùy việc mà xét, có thế nào là nói vậy, bình tĩnh, lý trí, nếu sai cũng thẳng thắn thừa nhận. Đằng sau phong thái của người quân tử là tâm thái bình tĩnh, tự tin, đối xử thân thiện với mọi người.

Để xóa bỏ đi ý thức đấu tranh trong ngôn từ, chỉ dựa vào sự nỗ lực trong sử dụng ngôn ngữ thì không thể giải quyết được vấn đề, chúng ta cần phải cải biến từ căn bản tư duy đấu tranh Văn hóa đảng.

2. Thói quen sáng tác không tách rời đảng

Ngày 13 tháng 11 năm 2005, xưởng hóa chất của công ty hóa chất Cát Lâm bị nổ, sông Tùng Hoa bị ô nhiễm bởi một lượng lớn hóa chất độc hại gây ung thư. Khi hóa chất ô nhiễm theo dòng sông mà lan ra, cần lập tức đưa ra biện pháp ngăn chặn ô nhiễm ở các vùng hạ lưu, thế nhưng chính quyền Trung Cộng lại liên tục che giấu thông tin với người dân, gần 10 ngày sau mới thừa nhận vụ tai nạn xảy ra. Vậy mà cuối tháng đó, đài truyền hình Hắc Long Giang đã phát sóng một chương trình đặc biệt quy mô “Tình của nước”, nhằm tổ chức cho nghệ sĩ sáng tác trong ba ngày. Theo báo cáo, có sáu tiết mục “được sáng tác ngay trong đêm” trong đó có bài múa hát “Nước xanh cuồn cuộn từ tám phương đổ đến”, tấu hài “Kiến thức cộng đồng”, ca khúc “Tôi muốn nói với bạn”… dùng hình thức văn nghệ đơn ca, múa hát, vũ đạo, tấu hài, tiểu phẩm… để ca ngợi năng lực lãnh đạo của đảng và chính quyền tỉnh biết tính toán đại cục, lấy dân làm gốc, yêu thương, gắn bó với nhân dân trong xử lý sự kiện bất ngờ này.

Thói quen tư duy sáng tác biến việc tai họa thành việc ăn mừng, biến người dân chịu nạn thành vai phụ để đề cao vai chính là Trung Cộng này, đối với người dân ở một xã hội bình thường xem ra thật kỳ cục đến mức khó tin, vậy mà dưới sự thống trị của Trung Cộng, người dân Trung Quốc từ lâu đã quen với điều này. Kiểu tư duy sáng tác này không chỉ thể hiện ở các tác phẩm văn nghệ, mà còn thể hiện trong các “ý tưởng sáng tạo” trên tin tức báo chí, phát thanh. Ví dụ sau khi tai nạn gây ô nhiễm trên xảy ra, trên trang web tin tức trọng điểm của tỉnh Hắc Long Giang (heilongjiang.dbw.cn) đã liên tiếp đăng những thông tin như “Học sinh trung học, tiểu học tranh thủ thời gian nghỉ học do mất nước để bổ sung kiến thức”, “Tấm chân tình của các cán bộ thành phố Cáp Nhĩ Tân mang nước tặng mọi người trong thời gian mất nước”, “Cảnh sát vũ trang trung đoàn Hoàng Kim tặng nước cho khu chung cư của người cao tuổi”, “Trong thời gian mất nước, không một bệnh viện nào giảm cung cấp cháo và canh cho bệnh nhân”, “Cáp Nhĩ Tân khai thông đường ống nước chuyên biệt để cung cấp nước đảm bảo cuộc sống của người tàn tật”… Nói tóm lại “tình hình vô cùng tốt đẹp”, thậm chí còn tốt hơn cả khi chưa xảy ra tai nạn, mục đích nhằm phản ánh “năng lực lãnh đạo lấy dân làm gốc của chính quyền tỉnh”.

Sau bốn ngày thành phố Cáp Nhĩ Tân ngừng cấp nước, vào ngày đầu tiên nước được cung cấp trở lại, tỉnh trưởng tỉnh Hắc Long Giang đã uống ngụm nước đầu tiên trước mặt người dân, phóng viên mạng Tân Hoa đã có “sáng kiến” tô vẽ thêm một bài thơ mà một người dân thường sáng tác để ca tụng công lao của đảng, thể hiện rằng lời tán dương này xuất phát từ trong tâm người dân. Theo bài báo “Tỉnh trưởng tỉnh Hắc Long Giang uống ngụm nước đầu tiên, người dân làm thơ ca ngợi”, trước khi uống nước ông tỉnh trưởng còn nói rằng “Lời nói của tôi không đáng kể gì, chỉ có lời của Đảng Cộng sản mới có giá trị, lời của chính phủ nhân dân mới có giá trị”. Câu nói này đã lộ rõ dụng ý của sự kiện tỉnh trưởng uống nước, cứ như thể là cái chính quyền che đậy vụ việc trước đó không phải do Trung Cộng lãnh đạo. Sau khi tỉnh trưởng uống nước, lập tức có người dân viết bài thơ ca ngợi: “Yên tâm uống một chén nước; Trong tim hạnh phúc ngập tràn; Đảng mang yên vui, ấm áp cho mọi nhà; Nhân dân đắm mình trong ánh hào quang của đảng”. Kết thúc bài báo có đoạn: “Trong căn phòng nhỏ, tất cả mọi người cùng đứng dậy cất tiếng cười vui vẻ, những lo lắng về sự ô nhiễm của dòng sông Tùng Hoa suốt bốn ngày qua bỗng chốc tan biến như mây khói trong những tiếng cười thoải mái”. Một tai nạn gây ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mệnh của hàng chục triệu người dân vậy là đã “tan như mây khói”. Kết luận là người dân gặp hoạn nạn, thật may là nhờ sự giúp đỡ của “đảng” mới qua khỏi.

Kiểu tư duy sáng tác không tách rời đảng này, trong mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau và với những nhóm người khác nhau đều có những nguyên nhân hình thành phức tạp khác nhau và đặc điểm thể hiện muôn hình muôn vẻ. Nhưng nói về quá trình tư duy sáng tác, nếu không có sự ảnh hưởng của đảng mọi nơi mọi lúc thì sẽ không sản sinh ra những tác phẩm như vậy.

Trung Cộng công khai tuyên truyền rằng văn nghệ phải phục vụ cho mục đích chính trị, đồng thời lợi dụng bộ máy và tổ chức tuyên truyền các cấp để đảm bảo rằng văn nghệ phải phục vụ cho mình, cho nên xuất phát điểm các sáng tác đều đã xác định rằng văn nghệ là công cụ tuyên truyền Văn hóa đảng; đồng thời các sáng tác văn nghệ yêu cầu phải phản ánh và thể nghiệm cuộc sống, nhưng trong cuộc sống đã sớm bị ô nhiễm bởi Văn hóa đảng thì những nội dung phản ánh này vẫn chỉ xoay quanh Văn hóa đảng; còn đối với người sáng tác văn nghệ mà nói, bản thân họ đã chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi tư duy và lý luận của Văn hóa đảng, nên chỉ biết đi tìm cảm hứng sáng tác theo yêu cầu và tư tưởng của đảng; quan trọng hơn nữa, đảng đã khống chế mọi vấn đề cơm ăn áo mặc, chỗ ở, nơi khám bệnh và cả sự nghiệp của người sáng tác cùng gia đình họ, nên nó sẽ cưỡng ép người sáng tác quay lưng lại với nguyện vọng và lương tâm của họ, khiến họ tự mê hoặc bản thân, hợp tác với Trung Cộng, lâu dần trở thành thói quen. Do vậy, từ động cơ, nội dung, cho đến tư duy của người sáng tác đều bị bao phủ bởi tấm màn Văn hóa đảng, khiến cho các sáng tác càng không thể tách rời đảng.

1) Động cơ sáng tác không tách rời đảng

Xét về động cơ sáng tác của tác phẩm, thì phần lớn là trực tiếp xuất phát từ mục đích ca ngợi công lao của đảng. Chịu ảnh hưởng bởi lịch sử bị Trung Cộng bóp méo và “lịch sử phát triển xã hội” mang Văn hóa đảng, rất nhiều người đã tự mê muội bản thân coi Trung Cộng là “đại cứu tinh” của dân tộc, họ ca ngợi nó, rồi lại ảnh hưởng đến nhiều người hơn, trong toàn bộ xã hội hình thành tư tưởng sùng bái cuồng nhiệt đối với Trung Cộng và các lãnh tụ của nó. Các tác phẩm điển hình như “Hồng kỳ phổ”, “Bài ca tuổi trẻ”, “Hoa cải đắng”, “Tam gia hạng”, “Hồng nham”, “Đội tự vệ Hồng Hồ Xích”, “Nam chinh Bắc chiến”, “Đổng Tồn Thụy”, “Đỉnh núi Thượng Can”, “Sống mãi trong ngọn lửa”, “Tiểu binh Trương ca”, “Hồng sắc nương tử quân”, v.v.. các hình thức văn nghệ bao gồm tiểu thuyết, thơ ca cho đến ca kịch, điện ảnh đều không nằm ngoài cái khung phản ánh sự lãnh đạo của Trung Cộng là tính tất yếu và đúng đắn của lịch sử và phản ánh “hình tượng quang vinh”, “đại ân đại đức” đối với nhân dân của Trung Cộng. Rất nhiều bài hát như “Ơi đảng, người mẹ thân yêu”, “Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành” càng thể hiện ý đồ một cách trần trụi khiến người ta phát buồn nôn.

Nhìn lại các tác phẩm văn nghệ suốt gần 20 năm qua, có thể thấy cho dù thủ pháp nghệ thuật ngày càng tinh tế hơn, phạm vi tư liệu sáng tác ngày càng rộng hơn, ngày càng chú trọng đến tính nhân văn của nhân vật trong tác phẩm, nhưng động cơ sáng tác của rất nhiều tác phẩm vẫn không tách rời quan điểm cơ bản của Trung Cộng, ví dụ như các bộ phim “Khai quốc đại điển”, “Chu Ân Lai”, “Đại quyết chiến”, “Tiêu Dụ Lộc”, “Ngày rời xa Lôi Phong”, “Khổng Phồn Sâm”, v.v..

Sau “cải cách mở cửa” đã xuất hiện cái gọi là “văn học cải cách”, “văn học kinh tế thị trường”, động cơ sáng tác là thông qua mô tả những thay đổi của xã hội sau ngày cải cách để gián tiếp ca ngợi công lao của Trung Cộng. Bản thân việc cải cách là một trào lưu lịch sử, là sự lựa chọn không thể nào khác của Trung Cộng sau mấy chục năm bế quan tỏa cảng. Nhưng trong các sáng tác nghệ thuật nó lại trở thành minh chứng cho sự vĩ đại của Trung Cộng, một thủ đoạn che giấu trách nhiệm và tội ác của nó trong lịch sử.

Một động cơ sáng tác nữa là để phục vụ cho việc tuyên truyền tư tưởng Văn hóa đảng. Ví dụ: trong những năm “Cách mạng Văn hóa”, khắp nơi đều có những “tấm gương cách mạng”, mục đích để phối hợp với hình thế Cách mạng Văn hóa, cổ vũ cho đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng. Một số lời thoại trên sân khấu mang đầy tính tuyên truyền chính trị đã trở thành những từ ngữ thông dụng trong dân chúng “làm người phải làm người như vậy”, “tranh làm người tiên phong mới của thời đại”, “tay nâng quyển sách quý sưởi ấm lồng ngực”, “chưa tiêu diệt hết lũ lang sói thì quyết không rời chiến trường”, “nợ máu phải trả bằng máu”, “rượu ngọt, máu nóng viết nên thiên sử”, “thù hận trong tim muốn bùng lên”, v.v..

Tương tự như vậy, nó huy động rất đông quân đội tham gia vào đóng phim điện ảnh, bộ phim “Anh hùng” tiêu tốn 30 triệu USD lại mượn chủ đề lịch sử để ca ngợi Tần Thủy Hoàng, cổ xúy cho tư tưởng Văn hóa đảng coi thường sinh mệnh, độc tài chuyên chế. Điện ảnh đã gián tiếp trở thành nhạc công đắc lực phục vụ cho giọng ca chính Trung Cộng. Điện ảnh làm lẫn lộn giang sơn của Đảng Cộng sản với lợi ích của mọi người trong thiên hạ, từ đó mà đưa những kẻ thống trị tham quyền cố vị, bạo chính giết người nâng lên vị trí chính nghĩa, đại biểu cho lợi ích của người dân, âm thầm nhồi nhét vào đầu người dân rằng nên hy sinh tính mệnh cá nhân để giúp đỡ bạo vương thống trị.

2) Nội dung sáng tác không tách rời “đảng”

Ngay từ thời kỳ cuộc chỉnh phong ở Diên An, Trung Cộng đã định ra quan điểm chỉ đạo cho sáng tác văn nghệ: văn nghệ phải phục vụ cho chính trị. Sau khi Trung Cộng giành chính quyền, nó vẫn thực hiện “phương châm chỉ đạo nghệ thuật” này. Trung Cộng còn thành lập Bộ tuyên truyền để bảo đảm việc chấp hành nghiêm ngặt “phương châm nghệ thuật” của nó, điều này khiến cho nội dung của các sáng tác nghệ thuật không thể tách rời yêu cầu của đảng.

Các chương trình dạ hội năm mới hàng năm của đài truyền hình trung ương Trung Quốc tập hợp những diễn viên, nghệ sĩ và các nhóm sáng tác hàng đầu trong cả nước, mấy trăm đài truyền hình khác trong nước phát sóng lại những chương trình này đồng thời trực tiếp phát ra nước ngoài. Dạ hội năm mới hàng năm là hình ảnh thu nhỏ của tình hình chính trị, xã hội và nghệ thuật trong một năm, có thể nói đó là thể hiện tập trung nổi bật của Văn hóa đảng. Các “chương trình dạ hội năm mới” đến thế kỷ 21 vẫn hoàn toàn không được phép châm biếm một chút nào đến mảng tối chính trị của Trung Cộng, nội dung đã được định trước, những ca từ chuyên dùng cho “chương trình dạ hội năm mới”: “những ngày tươi đẹp”, “ngày càng tốt đẹp”, “ngũ phúc lâm môn”, “trăm họ vui mừng”, “chúc mừng thời kỳ thịnh vượng”, lấy mừng đảng thay cho niềm vui của dân tộc, lấy Văn hóa đảng thay cho Văn hóa truyền thống. Nỗi thống khổ của người dân, những nguy cơ của dân tộc đã bị bốc hơi hết trong bầu không khí chính trị nặng nề, mù mịt khắp nơi.

Ảnh: Epoch Times

Do đảng quy định nghiêm ngặt tư tưởng chủ đạo của các tác phẩm văn nghệ, cho nên người ta không thể không tuân theo những yêu cầu, quy định này nếu không muốn tác phẩm bị đưa vào danh sách đen.

Khắp các vùng miền Trung Quốc, rất nhiều giai điệu dân ca êm ái, trữ tình vẫn luôn được lưu truyền trong dân gian. Nhưng nội dung của dân ca chủ yếu là tình ca, mặc dù cũng có một số bài dân ca có nội dung ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, nhưng về tổng thể khác xa so với tư tưởng chủ đạo văn nghệ phải phục vụ cho chính trị của Trung Cộng, do vậy vào những năm 80 của thế kỷ trước, những bài hát này vốn phần lớn đều không nằm trong phạm vi cho phép lưu truyền của Trung Cộng. Tuy nhiên những bài hát dân ca trữ tình này đã bị những người trong giới văn nghệ sỹ chịu đầu độc bởi Văn hóa đảng đưa vào đó những nội dung chính trị, hoặc trực tiếp đưa thêm những ca từ ca ngợi đảng, hoặc viết lại, “sáng tác lại” theo yêu cầu Văn hóa đảng. Chúng trở thành những bài “dân ca mới” dối trá che đậy được người dân yêu thích truyền nhau, mà Trung Cộng cũng hài lòng, ví dụ bài hát “Đông phương hồng”, “Bài ca đổi đời”, “Hoa loa kèn nở đỏ thắm” có nguồn gốc từ dân ca vùng Thiểm Bắc, “Mặt trời mọc không lặn trên thảo nguyên”, “Tôi cưỡi ngựa băng qua thảo nguyên” có nguồn gốc dân ca Mông Cổ, “Trên núi Kim Sơn ở Bắc Kinh”, “Chiếc khăn Hada tặng Mao chủ tịch” có nguồn dân ca dân tộc Tạng, “Bài ca lái đò trên sông Ô Tô Lý” có nguồn gốc dân ca Hách Triết, bài hát “Anh Ba Mao chủ tịch” có nguồn gốc dân ca dân tộc Ha Ni. Những bài hát này sau khi được “sáng tác lại” và truyền trở lại dân gian đã gây cho người dân một loại giả tướng, như thể là dân ca của các dân tộc đều ủng hộ nhiệt liệt cho Trung Cộng và các lãnh tụ của nó. Vậy mà những tác phẩm ăn bám vào nền âm nhạc dân tộc này lại được Trung Cộng thổi phồng một cách vô liêm sỉ thành cái gọi là những “cống hiến” của nó cho sự nghiệp “phát triển nền âm nhạc dân tộc”.

Năm 2005, chương trình “giọng hát nữ siêu đẳng” của đài truyền hình Hồ Nam gây tiếng vang toàn quốc, nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của giới trẻ, khí thế của chương trình đã trực tiếp uy hiếp đến đài truyền hình trung ương – kênh truyền thông đầu não của Trung Cộng, cho nên chương trình chỉ thuần túy mang tính giải trí này rất mau chóng chịu sự công kích của giới truyền thông, đâu đâu cũng thấy tiếng la ó đòi cắt bỏ nó. Trong cuộc thi giọng hát nữ năm nay, ban tổ chức nhân tiện mời một “nghệ sỹ lão làng” vốn nổi tiếng nhờ hát các bài ca ca ngợi đảng lên hát song ca cùng thí sinh đạt giải quán quân, cùng hát bài “Màu đỏ kinh điển”, “Mẹ ơi, hãy đi chậm lại”, “Chỉ có sơn ca kính trọng người”, đồng thời mời “nghệ sỹ lão làng” chỉ bảo cho giới trẻ. “Sáng kiến” khiến không tách rời đảng này phần lớn là xuất phát từ việc bất đắc dĩ phải tuân theo quan điểm cơ bản về văn nghệ mà Trung Cộng kiểm soát.

Thói quen tư duy sáng tác không thể xa rời đảng còn thể hiện ở điều mà đảng phủ nhận thì cũng phải phủ nhận theo. Tín ngưỡng đối với Thần Phật bị coi là phong kiến, mê tín thì càng phải phủ nhận; Văn hóa truyền thống trở thành từ đồng nghĩa với chuyên chính độc tài; các nhân vật lịch sử trước thời Trung Cộng chắc chắn phải bị “hạn chế bởi lịch sử”, một câu “phong kiến” là đủ để quy kết những phẩm chất truyền thống tốt đẹp trung, hiếu, tiết, nghĩa hàng nghìn năm của Trung Quốc, những nhân vật tài ba như hoàng đế tướng quân, tài tử giai nhân, thánh hiền trung lương, v.v.. vào hàng ngũ những phần tử bất hảo; sự phá hoại của cuộc Cách mạng Văn hóa suốt 10 năm đã trở thành sai lầm của “bè lũ bốn tên”; nạn đói do con người gây ra làm chết mấy chục triệu người dân trở thành ba năm “thiên tai”; trong cuộc thảm sát ngày 4 tháng 6, hành động của chính phủ là hợp lý, ngược lại học sinh mới phải chịu trách nhiệm chính cho sự kiện này; những lời lẽ phỉ báng Pháp Luân Công còn phô thiên cái địa hơn; những nhóm đảng phái nào không nhất trí với Trung Cộng thì đa phần bị mang tiếng xấu; ngược lại nghe lời Trung Cộng thì mới là yêu nước; phê bình Trung Cộng thì bị coi là phản quốc. Trong các sáng tác nghệ thuật, những đối tượng bị Trung Cộng phủ nhận này đa phần trở thành hình tượng phản diện bị phê bình, bị nói xấu, bị cố ý làm cho méo mó.

Trong lịch sử và trong cuộc sống hiện tại, mặt tối của Trung Cộng và đối tượng bị Trung Cộng đả kích bị coi là vùng cấm của sáng tác mà người ta nên tránh xa. Khi một số phóng viên, nhà văn thỉnh thoảng động chạm đến vùng cấm của Trung Cộng (như các chủ đề dân chủ, chính trị dân chủ, nhân quyền v.v..) đều lũ lượt bị bắt, rất nhiều người đã tự ước thúc bản thân. Những đề tài nhạy cảm thì hiếm khi đề cập đến, cũng cách hiện thực rất xa, không ảnh hưởng đến “hình tượng sáng chói” của Trung Cộng, không động chạm đến nguyên tắc cốt lõi của Trung Cộng. Rất nhiều người cho rằng hiện nay phạm vi sáng tác rất rộng, các tác phẩm rất phong phú. Đặc biệt là vài năm gần đây, cùng với việc phát triển của công nghệ thông tin, quần chúng tham gia vào sáng tác văn nghệ ngày càng đông đảo, đề tài sáng tác ngày càng rộng, thậm chí rất nhiều chủ đề sáng tác mà người ta trước đây không dám tưởng tượng ra giờ cũng bắt đầu thịnh hành, ví dụ văn học tình dục hay “tác phẩm nửa người dưới” được lưu hành rộng rãi. Điều này không phải bởi vì sáng tác của người dân có thể hoàn toàn tự do, tách khỏi đảng, mà là do người ta biết rằng những chủ đề này không uy hiếp đến hình thái ý thức của Trung Cộng, nên mới không phải lo lắng. Trung Cộng cho phép người ta làm vậy cũng bởi vì “vùng cấm của đảng” đã dần dần thâm nhập vào ký ức của người dân, mon men ngoài vùng cấm đã trở thành một phần của thói quen tư duy sáng tác, thực ra nó là thể hiện cho sự phục tùng nguyên tắc sáng tác do Trung Cộng đặt ra.

3) Quá trình tư duy sáng tác không tách rời “đảng”

Ảnh hưởng lớn nhất của Văn hóa đảng đối với sáng tác văn nghệ, không gì khác chính là kiềm chế tư tưởng của con người.

Trong số rất nhiều bộ phim cổ trang đang thịnh hành, chốn cung đình thời cổ đại đều được xây dựng như là nơi đầy rẫy tranh giành đấu đá, sự hủ bại của chốn quan trường từ xưa đã như vậy rồi, thiên hạ thời nào cũng đen tối như nhau. Kiểu tư duy sáng tác này chính là do chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thế giới quan lịch sử của Văn hóa đảng, xóa bỏ quan niệm truyền thống, dùng quan niệm của người hiện đại để áp đặt cho cổ nhân. Mô tả bức tranh xã hội Trung Quốc truyền thống mấy nghìn năm lịch sử trở thành một màu đen tối, một xã hội mà người người đấu tranh với nhau, “người ăn thịt người”, để làm nổi bật lên sự “quang minh” của Trung Cộng. Thể hiện sự tham ô hủ bại như là căn bệnh thông thường của chốn quan trường trong ngoài nước từ xưa đến nay, để làm mờ nhạt đi sự hủ bại của Trung Cộng, lừa gạt người Trung Quốc rằng nguyên nhân sự cai trị độc ác của Trung Cộng bắt nguồn từ Văn hóa truyền thống.

Các tác phẩm văn học ký sự thường cũng theo mô thức như vậy: nếu như xảy ra thiên tai nhân họa , thì như cái ví dụ đã được nêu trên, tức là phải tuyên truyền rằng đảng đã quan tâm đến người dân như thế nào; nếu là quan chức, thì phải tuyên truyền rằng họ đã phục vụ nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng như thế nào, như “Khổng Phồn Sâm”; nếu là quan chức làm điều xằng bậy, cuối cùng nhờ đảng duy trì được chính nghĩa; nếu là chính sách sai lầm, cuối cùng đảng sẽ cải chính lại sai lầm như thế nào; nếu là mặt tối của xã hội, sẽ quy trách nhiệm cho sự bất lực của cá nhân quan chức, cuối cùng vẫn phải làm nổi bật lên sự “vĩ đại, quang minh, chính xác” của đảng. Bất cứ thành quả kinh tế nào cũng nhất định không thể tách rời “chính sách sáng suốt” của đảng; bất cứ sự phát triển của doanh nghiệp nào nhất định không thể tách rời sự “quan tâm sâu sắc” của đảng và nhà nước; bất cứ thành quả giáo dục, kỹ thuật nào, đều không tách rời “sự lãnh đạo đúng đắn” và “sự quan tâm sâu sắc” của “trung ương đảng”. Xuất hiện bất cứ người tài nào, cá nhân có thành tích gì, nhất định không tách rời sự “bồi dưỡng” của đảng; thắng lợi của quân đội lại càng “không tách rời sự lãnh đạo của đảng”. Đến một người công nhân “rời khỏi vị trí” (thực ra là thất nghiệp) cuộc sống được cải thiện đôi chút, cũng không tách rời sự “quan tâm và hỗ trợ” của đảng; đến cả giới tôn giáo cũng thể hiện “mỗi thành tựu đều không tách rời sự quan tâm giúp đỡ, sự lãnh đạo của đảng, chỉ có giữ vững sự lãnh đạo của đảng, đi theo con đường Chủ nghĩa Xã hội mới có được tương lai tươi sáng”, v.v..

Do sự hủ bại của Trung Cộng ngày càng nghiêm trọng, những oan ức của người dân nổi lên ở khắp nơi, cho nên gần đây những bộ phim “chống tham ô hủ bại” được người dân rất hoan nghênh, điển hình như “Lựa chọn sinh tử”, “Đại án đầu tiên của Trung Quốc mới”, v.v.. Kỳ thực những tác phẩm này cũng giống với “Văn học vết sẹo [1] thời Cách mạng Văn hóa vừa mới kết thúc và những bộ phim “Truyền kỳ Thiên Vân Sơn”, “Du khách mang xiềng xích”, “Đứa bé sơ sinh nước ngoài”, v.v.. Bất luận là các bộ phim này đào sâu vào những chủ đề gì, suy nghĩ thế nào về lịch sử và hiện thực, có ý đồ đột phá một chút vào vùng cấm tư tưởng của Trung Cộng thế nào, quan tâm đến cuộc sống sinh tồn của con người thế nào, mở rộng hình thức biểu đạt nghệ thuật thế nào, đều không thể tách rời ảnh hưởng của tư duy Văn hóa đảng, kết thúc tác phẩm lại quy về phải tin tưởng vào tổ chức, tin tưởng vào đảng, đảng có quyết tâm sửa chữa sai lầm; còn những tệ nạn xã hội, nỗi thống khổ của người dân do Trung Cộng tạo nên lại bị quy kết một cách mơ hồ thành “bi kịch thời đại”, nhằm giảm nhẹ tội lỗi của Trung Cộng.

Trong dân gian Trung Quốc, thường thịnh hành các sáng tác có tính châm biếm. Ví dụ doanh nghiệp nào đó in hình ảnh Lôi Phong và lời Mao (Mao ngữ lục) lên bao bì của sản phẩm bao cao su. Có vẻ như đây là sự đối nghịch lại với việc bị Trung Cộng nhồi nhét Văn hóa đảng trong nhiều năm, thực ra vẫn là sự thừa nhận những thần tượng và quyền uy do Trung Cộng xây dựng, vẫn không thể xa rời ảnh hưởng của đảng. Văn hóa đảng ở khắp mọi nơi, mọi phương diện về cuộc sống của người dân Trung Quốc ngày nay đều bị “đảng” chiếm lĩnh, điều này dẫn đến tư duy của người dân không cách nào bài trừ được những yếu tố ngôn ngữ mang Văn hóa đảng, người ta đành phải dùng những yếu tố này để suy nghĩ và biểu đạt. Một vài ngôn ngữ quảng cáo có sự sáng tạo đặc biệt như “làm … đến cùng”, “… nhất định phải thực hiện” cũng là những ví dụ về yếu tố ngôn ngữ không thể tách rời Văn hóa đảng trong quá trình tư duy sáng tạo.

Bắt đầu từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, rất nhiều người dân Trung Quốc mê mẩn với cái gọi là “nhạc cũ lời mới”, nghĩa là phối khí lại theo các nhạc cụ hiện đại, hoặc biểu diễn lại theo lối hiện đại những “bài hát nhạc đỏ” ca ngợi Trung Cộng một cách trơ tráo. Rất nhiều người cho rằng làm như vậy thuần túy chỉ là gợi lại chuyện xưa, chứ không phải xuất phát từ sự “yêu mến lãnh tụ vĩ đại”. Nhưng có học giả chỉ ra rằng, thật khó tưởng tượng rằng nhân dân nước Đức sau năm 1945 có thể dùng âm nhạc để gợi lại hình ảnh Hitler, hoặc Liên Xô cũ sau đại hội lần thứ 20, nhân dân Liên Xô có thể thông qua bài hát để gợi nhớ lại sự kiện Stalin đã tàn sát 20 triệu người dân Liên Xô cũ. Người ta sở dĩ có thể yêu thích những bài hát cũ, thực ra là vì những cái gen của đảng đã được cấy vào từng tế bào văn hóa của người dân, khiến người ta cảm thấy chúng là một phần của bản thân họ.

Những biểu hiện của thói quen tư duy không tách rời đảng này có nguyên nhân là do trong một xã hội tràn ngập Văn hóa đảng, thời gian dài bị tiêm nhiễm Văn hóa đảng đã hình thành nên thói quen như vậy, cũng do tình huống chịu áp lực trong thời gian dài mà như vậy, cũng có người vì muốn giành được lợi ích, lợi thế trong chính trị mà hữu ý làm như vậy, còn có người muốn thoát khỏi Văn hóa đảng mà không thoát được, mà thói quen tư duy sáng tác không tự giác mà cứ gắn bó với đảng (những tác phẩm “châm biếm xã hội” vẫn xoay quanh Văn hóa đảng). Nói tóm lại, đảng thông qua các thủ đoạn cưỡng bức làm bảo đảm, lấy Văn hóa đảng làm “món ăn tinh thần” duy nhất của người dân, nuôi dưỡng các nghệ sỹ hết thế hệ này đến thế hệ khác; ngược lại các tác phẩm của họ lại ảnh hưởng lại quần chúng và bản thân họ, cuối cùng khiến cho Văn hóa đảng trở thành hình thức cố định trong thói quen tư duy sáng tác của người dân, khiến cho thói quen sáng tác của người ta không thể tách rời đảng.

Cần phải chỉ ra rằng, văn nghệ chỉ là một phương diện rất điển hình trong sáng tác, phương thức tư duy sáng tác không tách rời đảng đã thâm nhập vào mọi ngành nghề. Các sáng tác cụ thể có thể không giống nhau, nhưng người ta khi chịu ảnh hưởng của Văn hóa đảng, từ lựa chọn đề tài, tư duy suy nghĩ đến sáng tác cụ thể, mỗi bước đều không qua khỏi cái khung của Văn hóa đảng. Nếu muốn được thực sự tự do sáng tác, phát huy được tài năng của bản thân, thì đầu tiên phải nhảy thoát khỏi tư duy Văn hóa đảng.


Chú thích:

[1] “Văn học vết sẹo” là chỉ một trào lưu tư tưởng sáng tác văn học bắt đầu vào thời kỳ “lập lại trật tự” ở Trung Quốc đại lục ở cuối năm 1970. Tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Scar_literature

Bản gốc:

http://www.epochtimes.com/gb/6/11/14/n1520631.htm

Ngày đăng: 15-06-2015