Nguyễn Chí Thiện: Không chỉ là Thơ (Phần Một)
03/06/2006
Những bài thơ viết về Nỗi nhục trong lao tù Cộng sản’
Viết bởi Nataly Teplitsky – Phóng viên Thời báo Đại Kỷ Nguyên San Francisco
|
Đây là một câu chuyện về lòng dũng cảm của một nhà thơ bất khuất không những đã vượt thoát khỏi tay tử thần trong suốt 27 năm dài đăng đẳng, đã chịu đựng những khổ nhục không thể tưởng tượng nổi trong lao tù cộng sản, mà cũng là người mà trong nổi đau khổ đó, đã sáng tác được hai tập thơ rất nổi tiếng.
Trong suốt 27 năm ngục tù, Nguyễn Chí Thiện bị giam cầm tại Việt nam, ông ta đã rèn luyện trí nhớ vô song của mình để học thuộc hàng trăm bài thơ mà ông ta sáng tác trong tù, vì ông ta không được phép có giấy hay viết để ghi chép lại những bài thơ này.
Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1939 trong một gia đình trung lưu và được theo học cả văn hoá Pháp và Việt nam tại các trường Pháp và Việt. Ông vẫn nhớ “tình thương vô bờ bến, sâu thẳm” của cha mẹ ông khi ông khám bệnh và biết rằng ông bị lao phổi khi mới 15 tuổi, sau đó cha mẹ ông phải bán nhà tại Hà nội và di chuyển đến Hải Phòng để được gần biển và tốt cho sức khoẻ của ông.
Vào năm 1954, mới 15 tuổi, ông ta hoan nghênh sự ra đời của Cộng sản Bắc Việt, nhưng cũng giống như nhiều người dân miền Bắc, ông ta đã phản đối chế độ sau những chiến dịch bạo động của chế độ.
Trong suốt thời kỳ “hợp tác xã” theo kiểu Liên Xô và Trung quốc vào năm 1953 đến 1956, hàng vạn người dân bị xử bắn và rất nhiều người bị bắt giam vô thời hạn và cũng là nơi mà họ trút hơi thở cuối cùng.
Trong thời gian đó Nguyễn Chí Thiện bắt đầu sáng tác thơ chỉ trích chế độ, và không bao lâu những bài này được truyền khẩu rất nhanh chóng trong dân gian.
Vào năm 1961, lúc ông 22 tuổi, ông bị bắt và giam trong 3 năm rưỡi, cũng lúc trong tù, ông đã viết những giòng thơ cho cha mẹ:
Con đã biết đời con ta đổ
Không thể làm gì báo đáp mẹ cha…
Thật ra, ông không viết ra được những giòng thơ đó ở trong tù, vì ông không có giấy viết. Mặc dầu có thể ông cũng kiếm được giấy viết, nhưng điều đó rất nguy hiểm cho ông. Vì thế, ông chỉ sáng tác và phải học thuộc trong đầu. Trong lần bị giam đầu tiên, Thiện sáng tác khoảng 100 bài thơ.
“Những người sống trong thế giới tự do” ông ta nói “không thể tưởng tượng nổi hoàn cảnh sinh sống của tù nhân. Họ luôn luôn bị đói, họ ăn bất cứ thứ gì mà họ bắt được: chuột, nhệnh, rắt rít, thằn lằn..v..v. Chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả các con vật như thế chung quanh trại tù đều bị bắt ăn sống hết. Tù nhân phải làm điều này hết sức bí mật, nếu bọn cai ngục thấy họ ăn những thứ đó, thì người tù nhân bị còng xích ngay lập tức. Tù nhân bị giết chết dần mòn. Mắt mà vẫn còn trông thấy được, thì vẫn thấy rất nhiều mộ phần rải rác chung quanh khu vực trại tù.”
Dường như không ai có thể vượt thoát được điều kiện sinh sống như thế, nhưng Thiện luôn luôn có những giòng thơ như một người tình bên cạnh luôn luôn an ủi và khích lệ ông.
Tôi Lấy Thơ
Tôi lấy thơ thuở còn đi học
Buổi gặp nhau đầu thơ đã biết tôi yêu
Thơ của tôi hồi ấy đẹp như Kiều
Lộng lẫy như Tần cung nữ!
Những cô Lý, cô Hình, cô Sử
Tôi quên, tôi quá yêu rồi.
Thơ thường buồn, thơ cũng như tôi
Chỉ có bạn là mơ, là mộng
Thơ lấy tôi vì tôi không thể sống
Không thơ an ủi bên mình
Đám cưới chúng tôi, một đám cưới tình
Chỉ có mộng, mơ phù dâu, phù rể
Thơ giờ đã tay bồng, tay bế
Tù lao, đày đoạ, xanh gầy
Thơ dọn nhà ra khỏi cung mây
Từ buổi mộng, mơ hoá thành ngu xuẩn!
Đời chê thơ nhiều hờn đau, buồn giận
Không chịu bôi hồng, chát phấn
Bán mình cho Đảng nuôi thân
Gắn bó cùng tôi, thơ khổ vô ngần
Chia sẻ bao sầu, bao hận
-Thơ chịu âm thầm chung thủy tận khi nào?
-Tận khi nào Anh nói với thơ lời dối trá!
(1963)
Sau khi được trả tự do vào năm 1964, ông tiếp tục sáng tác và đọc những bài thơ của ông cho những người bạn thân thiết từ trong trí nhớ của mình. Không bao lâu, những giòng thơ đó rất thịnh hành khắp phố phường Hà nội và Hải phòng. Vào năm 1966, công an mật nghi ngờ những bài thơ đó là của ông, những bài thơ đã phổ biến rộng rải trong cộng đồng dân chúng tại Việt nam, và mặc dầu ông ta chối là ông không sáng tác thơ “phản cách mạng”, và không có một phiên toà xét xử nào, ông bị bắt giam trong 12 năm.
Nguyễn Chí Thiện sáng tác khoảng 300 bài thơ trong thời gian 12 năm tù này.
Trong bất cứ hoàn cảnh khốn cùng, nay trại tù này, mai trại tù khác, ông vẫn tìm được – chỉ có Thượng đế biết – sức mạnh và niềm tin, bật khởi để viết:
Nên trời đêm dù thăm thẳm ngòm sâu.
Dường như vô giới hạn ở trên đầu.
Tôi vẫn nguyện cầu.
Vẫn sống và tin.
Bình minh tới bình minh sẽ tới.
Vào tháng Bảy năm 1977, hai năm sau khi cộng sản chiếm Miền Nam Việt nam, Nguyễn Chí Thiện được trả tự do để dành chỗ trong nhà tù nhốt những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà. Khi trở về quê hương củ tại Hải Phòng vào năm đó, thì hỡi ơi! tưởng là được đoàn tụ với mẹ cha, ai ngờ chỉ còn là hai nấm mồ hoang lạnh bên ngoài thành phố.
Xóm giềng gọi ông là “bộ xương người biết đi” khi ông mới trở về: ông cao chừng 1.75 mét, nhưng nặng chưa được 35 kí lô. Là một tù nhân chính trị, ông ta không được phép đi làm bất cứ việc gì. “Không tài nào kiếm sống được, tôi thường đi ngủ trong khi bụng đói,” nhà thơ nhớ lại.
“Tôi quyết định gởi những bài thơ của tôi ra nước ngoài. Những bài thơ này kết quả hai mươi năm sáng tác của tôi. Tôi không thể đem chôn nó khi tôi chết được”
Nguyễn Chí Thiện quyết định đến Toà đại sứ của Pháp hay của Anh quốc tại Hà nội. Ông mất 3 ngày lẫn đêm để viết xuống 400 bài thơ.
Ông không đến được Toà đại sứ Pháp vì nó được canh gác rất nghiêm nhặt. Vì thế vào ngày 16 tháng Bảy năm 1979, ông khéo léo vượt qua tên lính canh tại Toà Đại sứ Anh quốc, và đưa cho ba nhà ngoại giao tập thơ viết bằng tay mà ông ta dấu dưới tay áo.
Lá thư viết bên ngoài tập thơ, mà ông viết bằng tiếng Pháp, kèm theo tập thơ của ông với nhan đề là Hoa Địa Ngục, nói rằng “Nhân danh hàng triệu nạn nhân vô tội dưới chế độ độc tài…Tôi kêu gọi các bạn phổ biến tập thơ này tại quốc gia tự do của bạn … Trong cuộc đời đau khổ còn lại của tôi, tôi chỉ có một ước mơ: đó là để cho càng nhiều biết được rằng chủ nghĩa cộng sản là một thảm hoạ vô cùng cho nhân loại.”
Các nhà ngoại giao Anh quốc trân trọng hứa hẹn sẽ phổ biến tập thơ của ông và bắt tay ông. Sau khi ra khỏi Toà Đại sứ Anh bằng ngả sau, Nguyễn Chí Thiện bị bắt ngay lập tức.
[Xin xem tiếp Phần Hai]