Một quyển sách
đã truyền cảm hứng cho hơn 350 triệu người
thoái xuất khỏi Đảng Cộng Sản Trung Quốc

Lừa dối, gây sốc, thủ tiêu: 27 bằng chứng trong sự kiện tự thiêu Thiên An Môn

Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã vận dụng toàn bộ hệ thống truyền thông trên cả nước để tuyên truyền thù hận, tẩy não người dân. Không chỉ vậy, để hợp thức hóa cuộc đàn áp trước sự phản đối của người dân, ĐCSTQ đã cố gắng dàn dựng một vụ tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn vào ngày 23/1/2001 nhằm ma quỷ hóa Pháp Luân Công. Tâm điểm của vụ tự thiêu là hình ảnh gây sốc: một người mẹ nổi lửa thiêu con mình.

Ngày 23/1/2001, tức ngày 13 Tết Nguyên đán, tại quảng trường Thiên An Môn đã xảy ra vụ “tự thiêu” của 5 người. Trong vòng vài giờ sau sự kiện này, những cảnh quay chi tiết đã liên tục phát sóng trên các phương tiện truyền thông nhà nước trên toàn Trung Quốc cũng như khắp thế giới, với các báo cáo tuyên bố rằng những người tự thiêu là người tập Pháp Luân Công, trong đó có một bà mẹ đã nổi lửa thiêu bản thân và thiêu con mình.

Màn lừa đảo này sau đó đã bị lật tẩy bên ngoài Trung Quốc, khi các kênh truyền thông thế giới chỉ ra rất nhiều điểm đáng ngờ ngay trong những thước phim mà ĐCSTQ phát đi. Dưới đây là 27 bằng chứng xoay quanh vụ tự thiêu này, chứng minh sự giả dối đầy tinh vi của ĐCSTQ.

1. Bà mẹ đốt con chết vì bị đánh vào đầu

Khi quay chậm đoạn video của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), sẽ thấy Lưu Xuân Linh, một trong những phụ nữ tự thiêu xuất hiện trong đoạn phóng sự của Tân Hoa Xã được cho là chết vì bỏng, nhưng thực ra là do bị một người đàn ông mặc áo khoác quân đội dùng một vật đánh mạnh vào đầu. Có thể thấy cô ta gục ngay xuống đất và gần như chắc chắn rằng chính cú đánh đó là nguyên nhân gây ra cái chết. Người đàn ông mặc áo khoác quân đội rõ ràng đang mưu sát Lưu Xuân Linh.

Lừa dối, gây sốc, thủ tiêu: 27 bằng chứng bị lộ trong sự kiện tự thiêu Thiên An Môn

Việc chúng ta có thể thấy vật thể đó bị uốn cong khi nó lao đi trong không trung cho thấy cú đánh vào sọ cô Lưu mạnh đến thế nào và kẻ tấn công ra lực mạnh ra sao. Đó là lý do tại sao cô Lưu theo bản năng đưa tay trái lên ôm đầu, đúng chỗ bị đánh, khi ngã xuống đất.

Trong đoạn Lưu Xuân Linh bị đánh đến chết, chúng ta có thể nhìn thấy tóc của cô còn đang bốc cháy. Điều này có nghĩa là khoảng thời gian cô bị thiêu rất ngắn – không quá mấy giây đồng hồ. Cảnh sát đã bắt đầu dập tắt ngọn lửa ngay từ lúc nó mới bùng lên. Nếu họ nỗ lực dập lửa nhanh đến thế thì hiển nhiên, cô Lưu đã không chết vì tự thiêu.

2. Washington Post: Lưu Xuân Linh chưa hề tập Pháp Luân Công

Ngày 4 tháng 2 năm 2001, tờ Washington Post đã công bố một báo cáo điều tra đăng trên trang nhất với tiêu đề: “Ngọn lửa tự thiêu soi tỏ bức màn đen tối của Trung Quốc”. Bài báo đã cung cấp một số những dữ kiện như sau:

  • Lưu Xuân Linh không phải là người quê gốc Khai Phong.
  • Cô ta kiếm sống bằng nghề tiếp viên ở một hộp đêm.
  • Thi thoảng, Lưu Xuân Linh vẫn đánh đập mẹ già và con gái.
  • Chưa ai từng thấy cô Lưu tập Pháp Luân Công.

3. Chai nhựa Sprite đổ đầy xăng mà không bén lửa

Vương Tiến Đông, một trong những người tự thiêu, được cho là đã dùng chai nhựa Sprite xanh đựng đầy xăng, đổ lên người mình để tự thiêu trong tư thế ngồi. Trong một đoạn video, chai Sprite vẫn nằm giữa hai chân của Vương. Chai nhựa đựng xăng lẽ ra phải là một trong những thứ bị nóng chảy đầu tiên khi cả người ông ta bốc lửa, nhưng kỳ lạ thay, nó vẫn còn nguyên vẹn giữa hai chân ông ta.

4. Vương mặc quần áo dày, đeo khẩu trang và tóc hoàn toàn không bị cháy

Hình ảnh phóng to cho thấy tóc của Vương không bị cháy, lại có một đường thẳng ngang đầu. Tóc thường bốc cháy rất nhanh và lẽ ra phải là một trong những thứ bắt lửa đầu tiên. Quần áo ông Vương rất dày, như thể để bảo vệ ông ta khỏi ngọn lửa. Video cho thấy ông ta còn đeo cả mặt nạ chống ngạt (chú ý vị trí tóc của ông ta). Ai cũng biết rằng da sẽ bị phồng rộp lên chỉ vài phút sau khi bị nước sôi đổ lên, và vết bỏng sẽ khiến nạn nhân đau đớn vô cùng; nhưng da của Vương dường như không hề hấn gì sau khi bị ngọn lửa lớn thiêu. Hơn nữa, khi xăng cháy có thể đạt tới nhiệt độ gần 400 độ C, nhưng quần áo, tóc và da đầu của Vương đều nguyên vẹn sau vụ tự thiêu.

Tóc người là thứ dễ bắt lửa và cháy mãnh liệt nhất. Sự thật là tóc có thể cháy rụi chỉ trong vài giây nếu không được dập lửa ngay lập tức. Tuy nhiên, trong đoạn video được cho là tự thiêu này, tóc Vương lại không bị ảnh hưởng gì, trong khi mặt mũi lại cháy xám đen. Đơn vị sản xuất video này muốn khiến người ta tin rằng ngọn lửa đã thiêu cháy khuôn mặt Vương, song những bộ phận dễ cháy nhất trên cơ thể ông ta lại không sao cả. Theo báo cáo, cảnh sát đã dập tắt lửa trong thời gian chưa đầy một phút. Không thể nào có việc ngọn lửa lớn do xăng cháy lại hoàn toàn không chạm đến tóc.

Hơn nữa, lông mày của Vương cũng không bị cháy. Chứng cứ này cho thấy Vương Tiến Đông không thể nào tự thiêu. Ông ta có thể đã hóa trang cho giống bị thiêu. Hoặc Vương Tiến Đông đã dùng một loại xăng đặc biệt thường dùng trong điện ảnh để giúp ông ta tránh bị thương, nhưng vẫn đủ để thực hiện một màn trình diễn lửa cháy như thật để quay phim.

Mặc dù Tân Hoa Xã đưa tin rằng Vương bị chìm trong lửa và khói, nhưng những cảnh quay của CCTV lại không hề chiếu cảnh ông ta bị cháy hay bốc khói. Không có cảnh quay nào chứng tỏ điều này.

5. Cảnh sát đợi tín hiệu để trùm chăn

Trong đoạn phim của CCTV, chúng ta nhìn thấy một cảnh sát đứng đợi sau lưng Vương khi ông ta ngồi trên Quảng trường Thiên An Môn. Chỉ sau khi Vương hô lên mấy khẩu hiệu (để cho thấy ông ta liên quan tới Pháp Luân Công) thì viên cảnh sát mới “trùm vải dập lửa” lên người ông ta, cứ như thể đợi tín hiệu mới thực hiện. Nếu đây thực sự là vấn đề dập lửa thì viên cảnh sát lẽ ra phải hành động ngay lập tức.

6. Vương vẫn nói được dù bị lửa cháy khắp người

Mặc dù nhiệt độ của ngọn lửa do xăng cháy là cực cao (gần 400 độ C) nhưng thanh quản của Vương lại không hề bị tổn thương. Khi một người hít thở trong luồng khí nóng như thế thì sẽ bị bỏng lưỡi, thanh quản, thậm chí là cuống phổi. Thế nhưng, đối với người được cho là cháy toàn thân như Vương, giọng nói của ông ta vẫn bình thường, bằng chứng là ông ta vẫn hô lên rất to và rõ ràng.

7. Chiếc micro, cảnh quay rõ nét, trực diện Vương Tiến Đông

Khi quan sát kỹ cảnh Vương Tiến Đông ngồi đả tọa, chúng ta có thể thấy một chiếc micro ghi âm chợt nhô ra ở góc trái của khung hình. Chiếc micro này ở ngay trước mặt của Vương Tiến Đông. Góc quay nhanh chóng dịch sang bên phải để giấu đi chiếc micro đó. Với quan sát này, có thể khẳng định rằng máy quay đã được đặt ở ngay trước mặt Vương Tiến Đông – vị trí lý tưởng nhất để ghi hình. Dựa vào chi tiết tiếng hô to và rõ ràng của Vương Tiến Đông, chắc hẳn người quay hình phải đứng rất gần ông ta, vì nếu không thì sẽ không thể thu được âm thanh có chất lượng tốt như trong đoạn băng. Điều này cũng minh chứng rằng ngoài người mang túi đựng camera và quay hiện trường từ xa, còn có một người khác cũng đang ghi hình Vương Tiến Đông.

Những từ Vương Tiến Đông hô lên vào thời điểm ông ta tự thiêu được phát trên CCTV được ghi âm rõ ràng đến mức khoảng cách ghi hình chắc chắn phải trong phạm vi không quá 10 mét. Trừ phi các camera đã được đặt sẵn ở nơi xảy ra sự việc, bằng không, âm thanh và các cảnh quay chi tiết đã không thể ghi được hoàn hảo như vậy, vì từ đầu đến cuối sự việc kéo dài không quá một phút, theo các bản tin chính thức.

Khi một phóng viên muốn phỏng vấn một người ở ngoài trời thì phải giữ chiếc micro ở ngay sát miệng người được phỏng vấn để tiếng của người đó nghe rõ hơn. Trên tivi, tiếng nói của Vương nghe rất to và rõ ràng.

8. Vài người khác nhau đóng vai Vương Tiến Đông

“Vương Tiến Đông” trong đoạn phim phát trên CCTV không giống với Vương Tiến Đông trong ảnh chụp. Quan sát kỹ bức ảnh của Vương: dái tai sát đầu hơn và dáng tai dài, trong khi tai của người trong cảnh tự thiêu thì nhỏ và tròn hơn. Người đàn ông tự thiêu liệu có phải là Vương Tiến Đông thật hay không?

Lừa dối, gây sốc, thủ tiêu: 27 bằng chứng bị lộ trong sự kiện tự thiêu Thiên An Môn

Người đàn ông trong tấm hình chụp tại một cuộc phỏng vấn của CCTV sau đó cũng không giống với hai người kia.

9. Công nghệ nhận diện giọng nói chứng minh những người khác nhau đã đóng vai Vương Tiến Đông và Lưu Bảo Vinh trong các cuộc phỏng vấn

Vương Tiến Đông và Lưu Bảo Vinh là hai trong những “người tự thiêu”, đã xuất hiện trên CCTV trong nhiều cuộc phỏng vấn. Tổ chức Thế giới Điều tra về Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) đã tiến hành phân tích lời nói trên máy tính. Họ đưa ra kết luận rằng Vương và Lưu trong video đầu tiên với Vương và Lưu trong video thứ hai không phải là một.

10. Ngôn từ và tư thế đả tọa của Vương đều không giống Pháp Luân Công

Các quan chức chính quyền tuyên bố rằng Vương Tiến Đông là một người tập Pháp Luân Công, và ông ta phụ trách việc điều phối vụ tự thiêu. Những lời mà Vương hô lên có thể dịch như sau: “Đại Pháp vũ trụ này là điều mà mỗi người phải vượt qua…”

Phía Pháp Luân Công cho biết khẩu hiệu này không có trong pháp lý nào của Pháp Luân Công. Ngoài ra tư thế mà Vương ngồi cũng không phải là tư thế đả tọa của Pháp Luân Công. Truyền thông đưa tin rằng Vương Tiến Đông tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1996, tức là đã được 5 năm, vậy mà một điều cơ bản là tư thế ngồi và động tác tay cũng sai.

Tư thế tay và chân là một trong những chi tiết để chỉ ra tính chất giả mạo trong vụ tự thiêu Thiên An Môn (trái). Tư thế của người tập Pháp Luân Công (phải) với phần cẳng chân xếp chéo, mu bàn chân đặt trên đùi.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã vào tháng 4/2003, Vương Tiến Đông tiếp tục giải thích: “Tôi bật lửa, và lập tức chìm trong lửa – Tôi không có thời gian để ngồi thế đại bàn, vì vậy, tôi đành ngồi đơn bàn.” Tuy nhiên, thuật ngữ “đại bàn” lại không phải là thuật ngữ trong Pháp Luân Công, mà trong video,Vương cũng không phải ngồi ở thế đơn bàn.

Nhiều người đã nhận ra Vương Tiến Đông đã ngồi đúng kiểu ngồi của bộ đội Trung Quốc.

11. Tự sát và sát sinh là điều cấm kỵ trong Pháp Luân Công

Khi tin tức về vụ tự thiêu được loan ra vào ngày 23/1/2001, người tập Pháp Luân Công trên toàn thế giới đã lập tức nghi ngờ, đơn giản vì hành động này đã vi phạm nghiêm trọng một điều răn dạy cơ bản: Pháp Luân Công nghiêm cấm tự sát và sát sinh.

12. Cảnh quay không phải của CNN như CCTV tuyên bố

Truyền thông Trung Quốc tuyên bố rằng phóng viên CNN là người đã ghi lại những thước phim quay cận cảnh đó. Tờ Washington Post đã trích dẫn lời của ông Eason Jordan, giám đốc mảng tin tức của CNN, rằng “cảnh quay xử dụng trong các bản tin truyền hình Trung Quốc không thể nào là của CNN, bởi lẽ người quay phim của CNN đã bị bắt giữ gần như ngay sau khi vụ việc bắt đầu.” CNN không có cơ hội ghi bất kỳ một cảnh quay nào.

Tại sao cảnh sát lại ngăn cản CNN quay phim về sự việc này và tịch thu máy quay của họ? Chính phủ Trung Quốc không muốn CNN đưa tin chụp hình về sự việc này để nó không thể được phát sóng đi khắp thế giới? Vậy tại sao chỉ trong một ngày thông tin đã lan truyền ra toàn thế giới, khác hẳn thái độ thận trọng và bưng bít với các sự kiện khác diễn ra ở Thiên An Môn?

Khi xem lại đoạn băng của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, chúng ta có thể thấy một người đàn ông đeo túi đựng camera xuất hiện trong cảnh quay. Anh ta dường như đang quay lại toàn bộ vụ việc này ở cự ly rất gần. Anh ta là ai? Tại sao cảnh sát không ngăn anh ta lại như điều họ đã làm với các phóng viên của CNN.

Tại sao chính phủ Trung Quốc lại nói dối về nguồn gốc của cuốn băng ghi hình đó? Tại sao họ không tiết lộ nguồn gốc của những góc quay cận cảnh?

13. ĐCSTQ ban đầu tuyên bố có năm người tham gia, sau đó sửa lại là bảy

Bản tin đầu tiên của Tân Hoa Xã đưa tin rằng có năm người đã tham gia vào vụ việc đó. Nhưng một tuần sau, cơ quan này lại đưa tin có bảy người tự thiêu và trong đó có một bé gái 12 tuổi. Đáng chú ý là, một trong những phóng viên của CNN có mặt tại hiện trường chỉ nhìn thấy năm người và không hề có trẻ em.

14. Bé gái 12 tuổi hát sau khi phẫu thuật mở khí quản

Bà Lý Trì, Phó trưởng Khoa Bỏng của Bệnh viện Tích Thủy Đàm ở Bắc Kinh, lên tiếng sau sự việc: “Chúng tôi đã tiếp nhận bốn bệnh nhân, khí quản của họ đều bị thương nghiêm trọng do hít phải khói. Họ có nguy cơ bị tắc thở bất kỳ lúc nào. Vì vậy, chúng tôi vừa phải xử lý các vết bỏng trên da, đồng thời phải lập tức tiến hành phẫu thuật mở khí quản.”

Lừa dối, gây sốc, thủ tiêu: 27 bằng chứng bị lộ trong sự kiện tự thiêu Thiên An Môn

Trong một ca phẫu thuật mở khí quản, một chiếc ống sẽ được đặt vào trong cổ họng bên dưới dây thanh âm để bệnh nhân có thể hít thở. Bệnh nhân không thể thở bằng miệng, và không khí không thể đi vào dây thanh âm và thanh quản, nên bệnh nhân không thể nói được. Người trưởng thành cũng phải mất nhiều ngày mới thích nghi được với tình trạng này, trẻ nhỏ lại càng cần nhiều thời gian hơn. Nếu một bệnh nhân thực sự muốn nói thì phải che chiếc ống đang mở lại, nhưng giọng nói phát ra sẽ không liên tục và không rõ ràng. Song, các bản tin về cuộc phỏng vấn nạn nhân 12 tuổi của Tân Hoa Xã lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác.

Bé gái Lưu Tư Ảnh (con Lưu Xuân Linh) đang trong tình trạng nguy kịch: khí quản đã bị cắt mở, mà cô bé vẫn có thể hát và nói chuyện với người phỏng vấn rất to và rõ ràng chỉ trong vòng bốn ngày. Đây là điều không thể xảy ra trong y học.

15. Lưu Tư Ảnh bị từ chối gặp gia đình và cái chết đầy uẩn khúc

Các nhà chức trách không cho phép bất kỳ phóng viên nào ngoài người của Tân Hoa Xã được phỏng vấn bé Tư Ảnh 12 tuổi, đồng thời họ cũng không cho bất kỳ người nhà nào của Tư Ảnh được vào thăm. Thậm chí, họ còn hăm dọa bà của cháu bé, khiến bà cụ sợ tới mức không dám nhận lời mời phỏng vấn của bất kỳ phóng viên nào.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Tích Thủy Đàm báo cáo rằng nguyên nhân cái chết của Lưu Tư Ảnh rất đáng ngờ. Cô bé đột nhiên tử vong vào ngày 17/3/2001, khi đã sẵn sàng xuất viện. Một trong những nhân viên y tế đã điều trị cho Lưu Tư Ảnh tại Bệnh viện Tích Thủy Đàm nói: “Lưu Tư Ảnh đột ngột tử vong vào thời điểm mà vết bỏng của cô bé đã ít nhiều lành lại, sức khỏe của cô bé về cơ bản đã phục hồi, và cô bé đã sẵn sàng xuất viện. Nguyên nhân cái chết của cô bé rất đáng ngờ.”

Trong thời gian ngay trước cái chết của cô bé, kể cả thứ Sáu, ngày 16/3/2001, một ngày trước khi cô bé qua đời, điện tâm đồ của Lưu Tư Ảnh và các xét nghiệm khác đều cho kết quả hoàn toàn bình thường.

Sau đó, vào thứ Bảy, ngày 17/3/2001, từ 11 giờ sáng đến 12 giờ đêm, bác sĩ đột nhiên phát hiện thấy Lưu Tư Ảnh rơi vào tình trạng nguy kịch và nhanh chóng qua đời. Bên cạnh đó, sáng ngày 17/3/2001, từ 8 – 9 giờ sáng, giám đốc Bệnh viện Tích Thủy Đàm và trưởng Phòng Quản lý Y tế Thành phố Bắc Kinh đã đến thăm Lưu Tư Ảnh tại phòng bệnh và nói chuyện với cô bé một hồi lâu. “Lúc đó, Lưu Tư Ảnh vẫn đầy sinh khí và tỉnh táo”, theo báo cáo của nhân viên bệnh viện.

Cuộc khám nghiệm tử thi của Lưu Tư Ảnh được thực hiện tại Bệnh viện Tích Thủy Đàm, nhưng kết quả khám nghiệm lại do Trung tâm Cấp cứu cấp công bố. Ngoài ra, kết quả khám nghiệm tử thi không hề tiết lộ bất kỳ kết luận nào về trường hợp này. Nó chỉ đưa ra tuyên bố chung chung rằng cái chết của cô bé có khả năng là do cơ tim của cô bé có vấn đề.

Trong những người bị cáo buộc là tự thiêu, Lưu Tư Ảnh là người có khả năng tiết lộ bí mật cao nhất bởi cô bé còn quá nhỏ để có thể bị ảnh hưởng bởi những lời đe dọa như với người trưởng thành. Người lớn có thể bị kết án tù hoặc cách ly với thế giới bên ngoài, ít nhất là tạm thời. Nhưng Lưu Tư Ảnh chưa đến tuổi giam giữ theo luật định. Do đó, việc giam giữ cô bé công khai sẽ có thể gây ảnh hưởng hết sức tiêu cực, nhưng việc thả cô bé ra sẽ có thể khiến họ gặp nguy hiểm vì cô bé có thể lên tiếng, và sự thật sẽ bị lộ. Cách duy nhất để có thể đảm bảo cô bé im lặng và tránh tiết lộ bất kỳ bí mật nào với công chúng là giết cô bé.

16. Thiết bị chữa cháy đột nhiên xuất hiện trên Quảng trường Thiên An Môn

Ngày 16 tháng 2 năm 2001, chương trình Bản tin Tối Bắc Kinh đưa tin “có 3 hay 4 cảnh sát dập lửa cho mỗi người tự thiêu”. Tổng cộng, họ có khoảng 25 thiết bị chữa cháy.

Câu chuyện này có sự khác biệt đáng kể so với chương trình được CCTV phát sóng. Chương trình của CCTV cho thấy chỉ có hai xe công an ở hiện trường. Cảnh sát đi tuần trên quảng trường thường không mang theo thiết bị chữa cháy, và thước phim không cho thấy bất kỳ thiết bị chữa cháy nào được trang bị sẵn trên Quảng trường Thiên An Môn. Ở Bắc Kinh, tòa nhà gần nhất với Đài Tưởng niệm Anh hùng Nhân dân (nằm ở trung tâm Quảng trường Thiên An Môn) cách đó ít nhất 10 phút đi bộ. Vậy, cảnh sát lấy đâu ra thiết bị chữa cháy, mà lại nhanh đến vậy? Tại sao hai chiếc xe cảnh sát chở 25 thiết bị chữa cháy lại đi tuần trên Quảng trường Thiên An Môn? Phải chăng họ cho rằng ngày hôm đó sẽ phải dập lửa tại quảng trường?

17. Bình cứu hỏa không phải là loại thông thường mà công an vẫn sử dụng

Trong đoạn phim, bình cứu hỏa xử dụng trong vụ tự thiêu là loại tương tự như bình cứu hỏa cỡ lớn hơn dùng trong các tòa nhà, dài khoảng một cánh tay của người trưởng thành. Bình cứu hỏa trong xe tuần tra IVECO lại là loại nhỏ hơn, dài khoảng bằng cẳng tay của người trưởng thành. Như vậy, khả năng những chiếc bình cứu hỏa đó đã được mang đến từ trước.

18. Người phụ nữ uống nửa chai xăng vẫn sống để kể về sự việc

Một người được cho là tự thiêu khác là Lưu Bảo Vinh, không hề được đề cập đến trong bản tin đầu tiên của Tân Hoa Xã, và không có cảnh quay nào cho thấy cô ta đã ở trên Quảng trường Thiên An Môn. Cô ta tuyên bố rằng mình đã chuẩn bị tự thiêu, song lại đổi ý vào phút chót khi thấy những người khác bốc cháy. Trong video phỏng vấn, cô ta nói: “Tôi đã uống nửa chai xăng, và định đổ nốt chỗ xăng còn lại lên mình.”

Với mỗi nửa cân trọng lượng cơ thể, chỉ cần uống 3ml xăng đã đủ để gây tử vong. Với cân nặng của Lưu, nửa chai xăng cũng đủ để cướp đi tính mạng của cô ta.

19. Nạn nhân bỏng được quấn gạc, phóng viên không mặc quần áo bảo hộ y tế

Thủ tục y tế chuẩn quy định rằng bệnh nhân có diện tích da bị bỏng lớn thì cần phải được đặt trong phòng vô trùng và phải được cách ly, bởi vì phần da bị bỏng cần tiếp xúc với không khí. Đó là để tránh cho bệnh nhân không bị nhiễm trùng và giúp y tá dễ dàng bôi thuốc và làm sạch vết thương. Các bác sĩ và y tá chữa trị cho những bệnh nhân này thường được yêu cầu đeo khẩu trang và mặc quần áo vô trùng khi bước vào phòng.

Điều trị bỏng thông thường.
Lừa dối, gây sốc, thủ tiêu: 27 bằng chứng bị lộ trong sự kiện tự thiêu Thiên An Môn
Cảnh quay trên CCTV.

Tuy nhiên, khi xem đoạn phim của CCTV, chúng ta có thể thấy bệnh nhân được đặt trong một căn phòng mở, toàn thân được quấn trong một lớp băng gạc dày, y tá không đeo khẩu trang, phóng viên cũng không đeo khẩu trang, găng tay hay mặc quần áo vô trùng. Tại sao một bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch với những vết bỏng nghiêm trọng như vậy lại được điều trị một cách cẩu thả đến thế?

20. Xe cứu thương mất hai giờ đồng hồ để đi một đoạn đường chỉ 20 phút

Theo bản tin ngày 30 tháng 1 năm 2001 của Tân Hoa Xã, vào lúc 2 giờ 41 phút chiều ngày 23 tháng 1 năm 2001, ở phía Đông Bắc của Đài Tưởng niệm Anh hùng Nhân dân, Vương Tiến Đông là người đầu tiên tự thiêu, “chưa đầy một phút sau, một số cảnh sát dùng bốn bình chữa cháy, nhanh chóng dập tắt ngọn lửa trên người đàn ông. Ngay sau đó, họ nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện cấp cứu trên xe cảnh sát đang làm nhiệm vụ.”

Cũng theo bài báo này, vài phút sau ở phía Bắc của Đài Tưởng niệm Anh hùng Nhân Dân, bốn phụ nữ đứng cách đó không xa cũng bật lửa châm vào người đã tẩm đầy xăng. Cảnh sát chỉ mất một phút rưỡi đã dập tắt được ngọn lửa. “Chưa đầy bảy phút sau khi sự việc xảy ra, ba xe cứu thương từ Trung tâm Cấp cứu Bắc Kinh đã tới hiện trường và đưa những người bị thương đến Bệnh viện Tích Thủy Đàm, bệnh viện bỏng hàng đầu ở Bắc Kinh, để điều trị khẩn cấp.”

Theo Tân Hoa Xã, vụ tự thiêu diễn ra từ lúc 2h41 chiều, cộng thêm bảy phút dập lửa và hơn 20 phút di chuyển bằng xe cứu thương từ Quảng trường Thiên An Môn đến Bệnh viện Tích Thủy Đàm (xe cứu thương có thể đi nhanh hơn), vậy thì những người tự thiêu sẽ phải tới Bệnh viện Tích Thủy Đàm trước 3h30 chiều. Tuy nhiên, nhân viên y tế tại Bệnh viện Tích Thủy Đàm lại xác nhận rằng phải đến tầm 5h chiều, những người tham gia vào vụ tự thiêu mới tới bệnh viện. Như vậy là xe cứu thương đi mất hai tiếng đồng hồ, từ 3h đến 5h chiều. Các bài báo của Tân Hoa Xã không thể giải thích được những người tự thiêu đã ở đâu trong khoảng thời gian này. Điều gì đã xảy ra trong khoảng thời gian này? Tại sao xe cứu thương phải mất hai tiếng để đi trên đoạn đường mà bình thường chỉ cần 20 phút lái xe.

21. Camera giám sát “cố định” được điều khiển để ghi hình sự kiện

Qua chương trình của CCTV, người ta có thể thấy rằng camera đã quay theo cảnh sát đến hiện trường vụ cháy, thậm chí nó còn phóng to và thu nhỏ để ghi lại đúng chi tiết cần quay khi màn kịch diễn ra. Thông thường, các camera giám sát trên Quảng trường Thiên An Môn thường chỉ theo dõi được một khu vực cố định. Nhưng riêng hôm đó, camera lại quay theo cảnh sát đến hiện trường, còn phóng to để quay tiêu điểm vào vụ việc. Dường như camera này đã được thiết lập đặc biệt để ghi hình vụ tự thiêu vậy.

22. Một lượng lớn video ghi lại sự việc

Công chúng đã được xem nhiều cảnh của vụ tự thiêu được ghi lại từ nhiều góc quay, từ toàn cảnh, trung cảnh đến cận cảnh, thậm chí là cả những bức ảnh. Nếu như không được chuẩn bị từ trước, làm sao có thể ghi lại một cách hoàn hảo đến vậy được?

23. Tin tức về vụ tự thiêu được phát sóng ngay lập tức

Chỉ trong vòng hai giờ sau khi xảy ra sự việc, Tân Hoa Xã đã lập tức ra công bố quy kết tội cho người tập Pháp Luân Công về vụ tự thiêu. Ngay sau công bố này của Tân Hoa Xã, chương trình Phỏng vấn Tiêu điểm của CCTV cũng phát sóng chương trình bình luận và đưa ra những kết luận nghe như kết luận của chính quyền nhằm buộc tội Pháp Luân Công. Điều này trái ngược hoàn toàn với quy trình xử lý bản tin ở Trung Quốc, trong đó, cán bộ cấp dưới phải báo cáo lên cấp trên và tiếp tục cho tới khi các quan chức cấp cao nhất cho phép công bố bản tin. Bản thảo của những tin tức nhạy cảm phát sóng trên Tân Hoa Xã phải được xem xét và biên tập nhiều lần. Trong trường hợp này, câu chuyện được đưa ra công chúng với tốc độ nhanh chưa từng có đã khiến mọi người nghi ngờ.

“Về thời gian phản ứng trước sự kiện, một nhà báo nước ngoài khác ở Bắc Kinh đã bày tỏ sự kinh ngạc khi Tân Hoa Xã có thể gần như lập tức công bố bản tin tiếng Anh đầu tiên về vụ việc. Mọi người dân Trung Quốc đều biết rằng mỗi bản tin của Tân Hoa Xã thường phải qua mấy vòng xét duyệt ở các cấp cao hơn, và thường khi được công bố thì đã trở thành những ‘tin cũ’. Hơn nữa, các phương tiện truyền thông nhà nước chưa bao giờ công bố bất kỳ bức ảnh hay video nào về sự phản kháng của Pháp Luân Công trong suốt 18 tháng của cuộc bức hại cho báo chí nước ngoài, vậy tại sao bây giờ họ lại công bố không chút do dự như vậy? Và tại sao chỉ có tiếng Anh mà không có tiếng Trung?…”

Ian Johnson, phóng viên của Tạp chí Phố Wall, là một trong những nhà báo theo dõi sát sao nhất sự kiện này đã nghi ngờ về tốc độ đưa tin vụ việc này. Ông quan sát thấy rằng truyền thông nhà nước “đã báo cáo về cái chết của nạn nhân với sự sốt sắng khác thường, như vậy cái chết đã xảy ra trước thời điểm được đề cập trong bản tin hay hãng thông tấn vốn thận trọng này đã được cấp cao nhất phê duyệt để nhanh chóng phát đi các bản tin điện tử và truyền hình… Hầu hết các bản tin tối đều được xét duyệt vào buổi trưa, vì thế lịch phát sóng hàng ngày hiếm khi đăng tải các bản tin về sự kiện trong ngày, chứ đừng nói đến một sự kiện xảy ra vào buổi trưa và liên quan đến đường truyền vệ tinh từ một nơi khá xa xôi của đất nước.” (Xem thêm bài báo “The Fires This Time: Immolation or Deception in Bejing?” của tác giả Danny Schechter)

Mặc dù truyền thông nhà nước đã phát sóng về câu chuyện chỉ sau hai giờ đồng hồ, nhưng điều đáng chú ý là, thông thường, người ta phải mất hơn một tuần thì mới sản xuất xong video đó.

24. Phóng viên CCTV thừa nhận một phần của vụ tự thiêu là dàn dựng

Lý Ngọc Cường là trưởng nhóm phóng viên chương trình Tiêu Điểm của CCTV. Từ khi cuộc đàn áp diễn ra năm 1999, cô ta chịu trách nhiệm sản xuất các chương trình công kích Pháp Luân Công, bao gồm một số chương trình phỏng vấn.

Đầu năm 2002, khi Lý Ngọc Cường thực hiện cuộc phỏng vấn tại trại cưỡng bức lao động Đoàn Hà về vụ tự thiêu, một người tập Pháp Luân Công đang bị giam tên là Triệu Minh (Zhao Ming) đã hỏi về chai nhựa Sprite. Lý đã thật thà trả lời câu hỏi vặn đó rằng: “Chúng tôi dựng thêm cảnh đó sau vụ việc. Nếu nó gây nghi ngờ thì chúng tôi sẽ ngưng chiếu cảnh đó.” Sau đó, cô ta biện minh rằng cảnh đó được dàn dựng để chứng minh với khán giả rằng các người tập Pháp Luân Công đã thực hiện vụ tự thiêu.

CCTV đã làm gì khi quay những cảnh “dựng thêm” đó? Tại sao Vương Tiến Đông, một người có vẻ cuồng nhiệt, sốt sắng tự thiêu, lại ngoan ngoãn hợp tác với mọi yêu cầu của phóng viên để quay lại cảnh đó?

25. Các tổ chức nước ngoài công khai công nhận vụ tự thiêu là dàn dựng

Ngày 14 tháng 8 năm 2001, trong một cuộc họp của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ, đã đưa ra tuyên bố chính thức: “Chính quyền Trung quốc muốn dùng ‘vụ tự thiêu’ trên Quảng trường Thiên An Môn làm bằng chứng để lăng mạ Pháp Luân Công. Tuy nhiên, chúng tôi có một đoạn phim về vụ việc đó, mà theo quan điểm của chúng tôi, có thể chứng minh rằng vụ việc này là do chính quyền nước này dàn dựng. Chúng tôi có nhiều đĩa video này ở đây, ai muốn tìm hiểu đều có thể lấy một chiếc.”

Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Thời báo Washinton Post, Epoch Times đều công nhận những lỗ hổng trong câu chuyện này.

Năm 2002, “Lửa giả”, bộ phim tài liệu phân tích chân tướng của đoạn video của CCTV, đã nhận được giải thường danh dự tại Liên hoan Phim Quốc tế Columbus.

26. Một tiểu thuyết nổi tiếng lập tức bị cấm sau vụ tự thiêu

Ngay sau vụ tự thiêu, tác phẩm nổi tiếng được xuất bản trước đó mười năm mang tên “Thảm họa màu vàng” đã bị cấm trên khắp Trung Quốc một cách khó hiểu. Có vẻ như vụ tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn có điểm trùng hợp đáng ngạc nhiên với một chương trong tác phẩm “Thảm họa màu vàng” này. Chương hai của cuốn tiểu thuyết viết về một người trả tiền cho những người đau bệnh không còn hy vọng để họ tự thiêu, rồi dùng vụ việc đó để chụp mũ cho đối thủ trong một cuộc bức hại mang động cơ chính trị.

27. Phóng viên BBC được mời tham gia buổi “phỏng vấn có sự sắp đặt”

Trong các bản tin chính thức của BBC và Trung Quốc, ngày ngày 3 tháng 4 năm 2002, chính quyền Trung Quốc đã sắp xếp cho 12 hãng truyền thông của Trung Quốc và quốc tế đến phỏng vấn Vương Tiến Đông và những người khác. Bản tin “Buổi phỏng vấn có sự sắp đặt” của BBC chỉ ra rằng: “Chính phủ Trung Quốc luôn từ chối bất cứ hãng truyền thông quốc tế nào phỏng vấn về vụ tự thiêu, vậy mà đột nhiên, các phóng viên nước ngoài lại được sắp xếp để phỏng vấn những người sống sót trong vụ tự thiêu.” Phóng viên đặc biệt của BBC còn nói rằng, khi sắp xếp cuộc phỏng vấn này, chính quyền Trung Quốc rõ ràng có ý đồ chứng minh tính hợp pháp của cuộc bức hại của chính quyền đối với Pháp Luân Công.

Các phóng viên nước ngoài chữa bao giờ được thực sự tự do phỏng vấn các người tập Pháp Luân Công, bởi vì tất cả những người được phỏng vấn đều do ĐCSTQ bố trí. BBC trích dẫn một đoạn trong báo cáo của Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (BBC Monitoring: China – RSF says foreign journalists still persecuted for covering Falun Gong) ra ngày 4 tháng 12 năm 2001 như sau:

“Kể từ khi chiến dịch nhổ tận gốc Pháp Luân Công do chính quyền Trung Quốc phát động, phóng viên nước ngoài đã bị ngăn cản một cách có hệ thống trong việc tiếp cận chủ để này. Các nhiếp ảnh gia và người quay phim nước ngoài bị ngăn cản tác nghiệp quanh Quảng trường Thiên An Môn, nơi hàng trăm người tập Pháp Luân Công tới kháng nghị trong những năm qua. Theo ước tính của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, ít nhất 50 đại diện của các hãng truyền thông quốc tế đã bị thẩm vấn. Một số còn bị cảnh sát đánh đập. Những phóng viên tìm cách đưa tin về các hoạt động của phong trào bị cấm này đã bị các an ninh sách nhiễu. Cuối cùng, nhiều người tập Pháp Luân Công đã bị chính quyền bỏ tù vì trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài.”

(Theo MINHHUE NET)

Ngày đăng: 29-04-2020