Những dối trá và tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ngày 1 tháng 1 năm 2020, kênh thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin đã có chế tài xử phạt 8 người “lan truyền tin đồn” về “bệnh viêm phổi Vũ Hán”, đồng thời cảnh báo bất cứ ai hành động như họ sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Tân Hoa Xã không đề cập rằng 8 người này đều là bác sỹ ở Vũ Hán, từng chia sẻ thông tin dựa trên hai trường hợp đã xác nhận bị nhiễm virus corona tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán.
Gần ba tháng đã trôi qua, và đại dịch hiện đã lan rộng ra hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, với ít nhất 240.000 người bị lây nhiễm.
Tân Hoa Xã tiếp tục loan tin giả.
Ví dụ, sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố virus này xuất phát từ quân đội Hoa Kỳ, ngày 16 tháng 3 năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gọi cho Chủ nhiệm Văn phòng Ngoại giao Trung Quốc, Yang Jiechi để kêu gọi Bắc Kinh ngừng lan truyền tin đồn. Tân Hoa Xã sau đó nhấn mạnh rằng Yang đã đưa ra “một cảnh báo nghiêm khắc đối với Hoa Kỳ rằng bất kỳ kế hoạch nào bôi nhọ Trung Quốc sẽ phải chịu thất bại.” Một bài xã luận trên Tân Hoa Xã ngày 17 tháng 3 nhấn mạnh: “Phía Hoa Kỳ cần điều chỉnh ngay những hành vi sai trái của mình … trước khi quá muộn.”
Đây chỉ là một ví dụ về việc cơ quan phát ngôn của Trung Quốc bịa đặt và truyền bá thông tin sai lệch như thế nào. Bên cạnh Tân Hoa Xã, vô số tạp chí, trang web, mạng xã hội và những người bình luận trên internet do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát cũng liên tục tuyên truyền những lời giả dối hết ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.
Ngoài việc bịa ra thông tin sai lệch ở Trung Quốc, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc cũng loan tin giả ở khắp các nước. Một bài báo đăng ngày 21 tháng 8 năm 2019 trên tờ Quartz với tiêu đề “Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đang chi hơn 1 triệu đô la để gây ảnh hưởng tới mạng xã hội của nước ngoài” (China’s propaganda machine is spending over $1 million to buy influence on foreign social media) có viết: “Chính quyền Bắc Kinh đang làm việc cật lực để tạo ra một biển thông tin thay thế.”
Bệnh hình thức
Đại dịch đang diễn ra đã cho người dân Trung Quốc một cơ hội để hiểu ĐCSTQ che giấu virus như thế nào, từ việc hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này ngay từ đầu để trấn áp dư luận khi đại dịch xảy ra.
Ngày 5 tháng 3 năm 2020, khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đến thăm Vũ Hán, các cán bộ quản lý khu nhà giả trang làm tình nguyện viên đưa thịt đưa rau cho người dân. Khá nhiều cư dân hét lớn: “Giả dối! Giả dối!” “Tất cả đều là giả dối!” “Bệnh hình thức!”
Một bài báo đăng trên tờ The Guardian vào ngày 6 tháng 3 với tiêu đề: “‘Giả dối! Giả dối!’: lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đến thăm thành phố nhiễm virus corona bị người dân chất vấn” giải thích rằng bệnh hình thức là “một thuật ngữ được sử dụng thường xuyên gần đây để chỉ trích các biện pháp không hiệu quả mà các đại diện chính phủ thi hành chỉ vì thể diện.”
Đối với người Trung Quốc, thuật ngữ “bệnh hình thức” có nghĩa là che giấu việc gì đó hoặc bịa đặt dữ liệu bằng mọi giá để làm hài lòng quan chức cấp trên. Trong đợt bùng phát virus corona, nó có biểu hiện là bưng bít thông tin giai đoạn đầu, sau đó là thao túng dữ liệu và hiện tại là nịnh hót các lãnh đạo chóp bu của ĐCSTQ.
Bất cứ ai không làm vậy đều phải gánh chịu hậu quả. Sau khi bà Ngải Phân, Giám đốc Khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Vũ Hán, xác định hai trường hợp nhiễm virus corona vào ngày 30 tháng 12 năm 2019, bà đã bị các quan chức khiển trách gay gắt vì “không đếm xỉa gì đến thành tích của Vũ Hán”. Bà bị gán nhãn là “kẻ thù của sự ổn định ở Vũ Hán”, là “thủ phạm chính phá hoại sự phát triển của Vũ Hán”. Bà Ngải Phân sau đó nói rằng đó là lời chỉ trích tàn độc nhất mà bà từng nhận được.
Sứ mệnh duy nhất: Bảo vệ lợi ích của Đảng
Tằng Quang, trưởng ban dịch tễ học của CCDC, nói với tờ Global Times rằng các quan chức của ĐCSTQ đưa ra quyết định dựa trên các yếu tố chính trị, ổn định xã hội và các vấn đề kinh tế, còn ý kiến của các nhà khoa học chỉ là “một trong những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định của họ”. Điều này cho thấy chiến lược kiểm soát dịch bệnh của ĐCSTQ. Đó là, chính trị là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là ổn định và kinh tế. Mặt khác, mạng sống con người xem ra lại chẳng quan trọng mấy.
Khi gia nhập ĐCSTQ, mọi người phải thề sẽ cống hiến hết mình cho Đảng. Trong lời thề, người ấy đưa ra cam kết “… nghiêm khắc tuân thủ kỷ luật Đảng, bảo vệ bí mật của Đảng, trung thành với Đảng… suốt đời đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản… và không bao giờ phản bội Đảng”. Hệ tư tưởng đó thấm đẫm trong giáo dục, truyền thông và hầu hết mọi ngóc ngách của xã hội Trung Quốc.
Anh Đồ Long, một thanh niên thế hệ Y ở Bắc Kinh, vỡ mộng khi học tại trường báo chí hàng đầu ở Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), anh nói: “Mục đích của trường tôi là đào tạo ra những người giúp kiểm soát dư luận. Tôi đã không dưới một lần nghe các giáo viên của mình khoác lác về cách họ kiểm soát dư luận như thế nào.”
Anh Đồ cho biết đại dịch virus corona đã thay đổi anh hoàn toàn. Một trong những người bạn cùng lớp của anh đã cầu cứu trên mạng sau khi mẹ cậu ấy nhiễm virus và không sao tìm được giường bệnh. “Cậu ấy lập tức bị tấn công bởi một đội ‘tiểu phấn hồng’ hay ‘những kẻ cuồng tín theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc’, yêu cầu cậu ấy xóa tin nhắn và gán cho cậu là một kẻ ‘bị các thế lực ngoại quốc khống chế’ khi nói đất nước không lo được cho mọi người dân”, theo một bài báo trên tờ The New York Times đăng ngày 14 tháng 3 năm 2020 với tiêu đề “‘Tôi có nghĩa vụ lên tiếng cho những người đã khuất.’” (I Have the Obligation to Speak for the Dead)
Anh Đồ nói thêm: “Thành thật mà nói, điều khiến tôi chấn động nhất không phải là dịch bệnh, mà là cuộc khảo nghiệm về nhân tính này.”
Anh Lý Văn Lượng là một trong tám bác sỹ ở Vũ Hán bị các quan chức kỷ luật vì đã báo cho mọi người về dịch virus corona bùng phát. Tính đến ngày 6 tháng 3 năm 2020, đã có hơn 3.000 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Ít nhất bốn bác sỹ tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán đã chết vì dịch bệnh này, trong đó có bác sỹ Lý.
Thậm chí ngày 20 tháng 1, sau khi CCDC (Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc) tuyên bố virus lây truyền từ người sang người, và ba ngày sau khi Vũ Hán bị phong tỏa, ngày 26 tháng 1 lực lượng đặc nhiệm chống virus corona của chính phủ trung ương vẫn ban hành chính sách cấm chỉ nhân viên y tế bàn luận về tình hình bệnh dịch tại nhà hoặc nơi khác qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội, hay email. Nếu không tuân thủ sẽ bị phạt tù từ 3 – 7 năm.
Chính sách này sau đó đã được thi hành trên khắp Trung Quốc. Ngày 6 tháng 2, năm bác sỹ ở thành phố Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, đã bị bắt vì chia sẻ thông tin về virus corona. Tỉnh Sơn Đông ban hành chính sách nêu rõ 1) Không cơ quan, cộng đồng hay cá nhân nào được phép tiết lộ thông tin về dịch bệnh; 2) Chỉ những tin nhắn được phê duyệt chính thức mới có thể được chia sẻ với những người khác. Chính sách này đã được chính quyền tỉnh đưa xuống các cấp bên dưới, gồm các thành phố, huyện, quận, thị trấn và thôn làng.
Ngày 1 tháng 3 năm 2020, ĐCSTQ đã đưa ra các “Quy định Quản trị Sinh thái về Nội dung Thông tin Mạng”, đây được coi là quy định kiểm soát internet nghiêm ngặt nhất. Ví dụ như:
Điều 6. Người làm nội dung thông tin mạng không được tạo, sao chép hoặc đăng tải bất kỳ thông tin bất hợp pháp nào có chứa những nội dung sau:
…
8. Phát tán tin đồn nhằm gây rối trật tự kinh tế xã hội;
…
Điều 7. Người làm nội dung thông tin mạng phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn và chống lại việc tạo, sao chép và đăng tải những thông tin phản cảm chứa những nội dung sau:
…
2. Tin đồn thất thiệt, các vụ bê bối, việc làm xấu, v.v.
3. Bình luận không phù hợp về thiên tai, các vụ tai nạn nghiêm trọng hoặc các thảm họa khác;
Người dùng internet Trung Quốc phản đối chính sách này. Một người viết: “Điều này đánh dấu thảm sát trên internet đã bắt đầu.”
Từ đầu chí cuối đều là lừa dối
“Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã nghĩ Hoa Kỳ là một đất nước đáng mến. Chúng ta tin phần nào là do Hoa Kỳ chưa bao giờ đánh chiếm Trung Quốc, cũng chưa từng có cuộc tấn công nào vào Trung Quốc. Quan trọng hơn, người dân Trung Quốc giữ ấn tượng tốt về Hoa Kỳ vì tính dân chủ và cởi mở của dân tộc họ.”
Thật khó mà tưởng tượng rằng những từ ngữ như trên lại xuất hiện trên tờ báo chính thức của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã, trừ lần nó được đăng tải vào ngày 4 tháng 7 năm 1947. Cuốn Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản có viết: “Chỉ ba năm sau, ĐCSTQ đã cho lính chiến đấu với quân đội Hoa Kỳ ở Triều Tiên và tô vẽ người Mỹ là kẻ đế quốc độc ác nhất thế giới.”
Từ khi thành lập đến nội chiến Trung Quốc, từ cướp đoạt đất đai của nông dân đến Cách mạng Văn hóa, từ Thảm sát Thiên An Môn đến bức hại Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã lừa dối từ đầu chí cuối. Nó chỉ quan tâm đến lợi ích bản thân của nó, chứ không phải người dân Trung Quốc, cả chính Đảng viên hay những người trung thành với nó.
Tháng 12 năm 1948, ông Hồ Thích Phi, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ (từ năm 1938 đến 1942), đã đứng trước một quyết định khó khăn. Cả ĐCSTQ, bấy giờ đã cho quân bao vây Bắc Kinh, và Tưởng Giới Thạch đều hứa cho ông ta vị trí cấp cao trong chính quyền của mình. Mỗi bên đều tìm mọi cách có thể để lôi kéo vị học giả nổi tiếng này về phe mình.
Cuối cùng, ông Hồ đã đáp máy bay tới gia nhập phe của Tưởng ở Nam Kinh, thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc thời bấy giờ. Tuy nhiên, con trai của ông Hồ, Tư Đỗ, lại quyết định ở lại. “Con không làm gì chống lại ĐCSTQ. Con sẽ không việc gì đâu,” anh nghĩ. Sau khi giao nộp cho các quan chức một số vật có giá trị do cha mình để lại, Tư Đỗ đã bị ép viết các bài báo phỉ báng cha mình. Cuối cùng, anh đã suy sụp và tự sát ở tuổi 36 vào năm 1957, sau khi trở thành đối tượng bị đàn áp trong nhiều chiến dịch chính trị của ĐCSTQ.
Đây là điều mà ĐCSTQ gọi là qua cầu rút ván, một thông lệ có thể nói là có từ thời Liên Xô. Xét cho cùng, Đảng Cộng sản coi đấu tranh giai cấp là lực lượng chính tạo nên sự tiến bộ xã hội. Do đó, nó thường cố ý tăng cường các cuộc đấu tranh giai cấp và tạo ra sự hỗn loạn thông qua cướp bóc, hãm hiếp, đốt phá và giết chóc. Sau đó, công chúng hoặc bị lừa mị, hoặc bị ép buộc tham gia như những kẻ tùy tùng hay nô lệ.
Những việc tương tự cũng đã xảy ra trong trận dịch virus corona. Mặc dù vào tháng 12 năm 2019, người ta đã biết chủng virus này có thể lây truyền từ người sang người, nhưng cư dân Bách Bộ Đình vẫn được yêu cầu tham dự bữa tiệc thường niên vào ngày 18 tháng 1 năm 2020. Hơn 40.000 hộ gia đình đã chuẩn bị tổng cộng 14.000 món ăn để chung vui. Mấy ngày sau, nhiều người trong cộng đồng này đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus corona. Ngày 23 tháng 1, thành phố Vũ Hán đã bị phong tỏa.
Để giảm thiểu số trường hợp báo cáo nhiễm virus corona, hiện các quan chức đã bỏ mặc Bách Bộ Đình. Một cư dân mạng đã viết trên một trang blog: “Tôi là cư dân của Hoa viên Bách Bộ Đình ở Vũ Hán. Tôi viết bài này trong tuyệt vọng. Hiện tại, Hoa viên Bách Bộ Đình đang trong tình trạng mất kiểm soát, mà không có ai đứng ra phụ trách. Nhiều người đã bị nhiễm chủng virus này. Nhưng lãnh đạo ở Vũ Hán chỉ cấp cho mỗi lô một bộ xét nghiệm, mà mỗi lô có khoảng 4.000 hộ gia đình.” Bài viết đã nhanh chóng bị xóa.
Trước thềm kỷ nguyên mới
Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nói ông coi thảm họa Chernobyl là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô; cuối cùng nó tan rã vào năm 1991. Ông cho biết, khi còn trẻ, ông từng nhiệt thành với chủ nghĩa cộng sản bởi vì nó tuyên bố “công lý” và “bình đẳng”.
Ông giải thích: “Tuy nhiên, trên thực tế, thí nghiệm kinh hoàng của chủ nghĩa cộng sản đã gây ra sự suy thoái về phẩm hạnh của con người. Nó dùng bạo lực để áp đặt mô hình đó lên xã hội. Dưới cái tên chủ nghĩa cộng sản, chúng ta đã vứt bỏ các giá trị cơ bản của con người”. Ông còn nói rằng đó là lý do tại sao ông quyết tâm giải thể Liên Xô.
Anh Đồ Long cũng suy ngẫm rất nhiều về dịch virus corona.
“Khi họ trục xuất ‘nhóm người có thu nhập thấp’ [người lao động nhập cư] ở Bắc Kinh, tôi tự nhủ, tôi đã làm việc rất siêng năng. Tôi không thuộc bộ phận ‘có thu nhập thấp’, tôi sẽ không bị trục xuất đâu.”
“Khi họ xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương [dành cho người dân tộc thiểu số, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ], tôi lại nghĩ mình không phải là người dân tộc thiểu số, vả lại mình cũng không có tín ngưỡng nào, tôi sẽ không gặp rắc rối gì.“
“Tôi cảm thông với cái khổ của người dân Hồng Kông, nhưng tôi nghĩ mình sẽ không xuống đường kháng nghị [đòi dân chủ], nên chuyện này chẳng liên quan gì tới tôi.”
Anh Đồ cho biết: “Lần này dịch bệnh ập đến quê tôi. Nhiều người quanh tôi đã nhiễm bệnh, có người đã chết, nên tôi không thể chịu đựng được nữa.”
Người dân ở Trung Quốc, trong đó có cả anh Đồ, được ĐCSTQ dạy từ khi còn nhỏ rằng màu đỏ của quốc kỳ là từ màu máu. Ngày nay, nhiều người coi lá cờ là một minh chứng cho sự tàn bạo của chính quyền.
Tờ Jyllands-Posten của Đan Mạch số ra ngày 27 tháng 1 xuất bản một bức tranh biếm họa, trong đó năm ngôi sao trên lá cờ được thay thế bằng hình virus corona. Độc giả có thể có cách nhìn nhận riêng về điều này. Nhưng, nếu không có ĐCSTQ, có lẽ đã không có đại dịch virus corona.
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/15/402392.html
Bản tiếng Anh: http://en.minghui.org/html/articles/2020/3/24/183765.html
(Theo MinhHue Net)