Một quyển sách
đã truyền cảm hứng cho hơn 350 triệu người
thoái xuất khỏi Đảng Cộng Sản Trung Quốc

Thực trạng của chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc: Nghèo đói, bất bình đẳng và tham nhũng

Bài viết của Thạch Xuyên

Có những người trong xã hội phương Tây bị đánh lừa bởi tuyên bố rằng chủ nghĩa cộng sản là một chế độ bình đẳng bất chấp sự cai trị độc tài của nó. Tuy nhiên, khi xem xét các sự kiện và số liệu thống kê không bị kiểm duyệt, người ta sẽ thấy đó là nơi tạo ra nghèo đói, bất bình đẳng và tham nhũng.

Dưới đây là một phân tích lấy Trung Quốc làm ví dụ. Hy vọng nó sẽ giúp mọi người nhận ra bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và tránh xa chế độ độc tài toàn trị cũng như những vi phạm nhân quyền và bức hại tôn giáo của nó.

Vấn đề nghèo đói ở Trung Quốc

Gần đây, Hội Nghiên cứu Nhân quyền Trung Quốc đã công bố một báo cáo nhằm truyền bá rằng Trung Quốc đã vượt xa Hoa Kỳ vì đến nửa số gia đình Mỹ phải vật lộn để duy trì cuộc sống cơ bản của họ. Tuyên bố này không đúng sự thật nhưng có thể đánh lừa người dân Trung Quốc một khi được các hãng thông tấn do ĐCSTQ kiểm soát đưa tin.

Theo GDP bình quân đầu người tạm tính của năm 2019 do Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới công bố, GDP bình quân đầu người của Hoa Kỳ là hơn 65.000 USD và của Trung Quốc là khoảng 10.000 USD.

Hồi tháng 5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công bố khoảng 600 triệu công dân Trung Quốc có thu nhập hàng tháng từ 1.000 nhân dân tệ (tương đương 144 USD) trở xuống. Một báo cáo nghiên cứu do Đại học Sư phạm Bắc Kinh xuất bản năm 2019 đã ủng hộ tuyên bố của ông Lý. Báo cáo này chỉ tiến hành khảo sát với 70.000 người nhưng lại kết luận rằng 43% dân số (tương đương 600 triệu người) có thu nhập hàng tháng dưới 1.090 nhân dân tệ. Trong đó, 220 triệu người có thu nhập hàng tháng dưới 500 nhân dân tệ (tương đương 72 USD).

Trò chơi con số của chỉ số Gini

Người ta vẫn biết ĐCSTQ thường thao túng các con số làm cơ sở cho các câu chuyện của nó. Chẳng hạn, sau trận động đất Đường Sơn năm 1976, chính quyền Trung Quốc ban đầu công bố số người chết là 655.000 người, nhưng sau đó lại hạ xuống 240.000 người. Mặt khác, sự sụt giảm đột ngột về số phiếu phát ra (một công cụ thiết yếu vào thời điểm đó để mua vải hoặc thực phẩm) cho thấy dân số đã giảm ít nhất là 550.000 người, tương đương với số người chết công bố ban đầu.

Một ví dụ khác là nạn đói do con người gây ra năm 1959-1961. ĐCSTQ chưa bao giờ công bố số người chết, mà thực tế còn coi chủ đề này như một điều cấm kỵ đối với các nhà nghiên cứu. Frank Dikötter, chủ nhiệm khoa Nhân văn của Đại học Hồng Kông, đã tiến hành các nghiên cứu độc lập và kết luận số người chết ít nhất là 45 triệu người trong cuốn sách của ông mang tiêu đề Nạn đói lớn của Mao.

Tương tự, chỉ số Gini, một chỉ số về bất bình đẳng thu nhập, cũng vẫn là một bí ẩn ở Trung Quốc. Năm 1978, Trung Quốc báo cáo chỉ số Gini là 0,3, đến năm 1994 tăng lên 0,4. Từ năm 2002 đến năm 2011 không có thông báo chính thức về chỉ số Gini. Năm 2012, Cục Thống kê Quốc gia (National Statistics Bureau – NSB) đột ngột báo cáo đầy đủ số liệu từ năm 2002 đến 2012 và tuyên bố chỉ số này đã giảm từ 0,479 vào năm 2003 xuống 0,474 vào năm 2012.

Nhưng những con số này bị nhiều người hoài nghi. Trong một bài báo có tiêu đề “Số liệu bất bình đẳng mới công bố của Trung Quốc thực ra có ý nghĩa gì” trên tờ The Atlantic vào tháng 1 năm 2013, ông Hứa Tiểu Niên, giáo sư kinh tế và tài chính của Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu, được dẫn lời trên truyền thông với nhận định những dữ liệu này giống như “câu chuyện cổ tích mà không ai dám viết”. Mạng xã hội cũng dẫn lời ông như sau: “Một nhà báo gọi cho tôi, đề nghị tôi bình luận về những con số kinh tế vĩ mô ngày nay. Tôi không đến nỗi có vấn đề về đầu óc mà đi bình luận về những con số sai như vậy, phải không?”

Chỉ số Gini trên 0,4 thường bị coi là bất bình đẳng, có thể dẫn đến bất ổn chính trị và xung đột xã hội. Khi con số này lên đến 0,41 ở Trung Quốc vào năm 2000, NSB đã ngừng phát hành số liệu đó. Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Michigan đã phân tích bảy cuộc khảo sát trên toàn Trung Quốc và dựa vào đó để tính toán chỉ số Gini. Kết quả tính toán được công bố vào tháng 5 năm 2014 trên mục báo cáo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa kỳ (PNAS) với tiêu đề “Bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc ngày nay”.

Các con số từ bảy cuộc khảo sát này dao động từ 0,483 đến 0,611, trung bình là 0,54. Do tình trạng kiểm duyệt thông tin ở Trung Quốc, con số thực có thể còn cao hơn nhiều. Nhưng ngay cả 0,54 cũng cho thấy Trung Quốc có chỉ số Gini cao nhất trong các nước lớn trên thế giới.

Một bài báo của Quartz vào tháng 4 năm 2014 có tiêu đề “Trung Quốc đang che giấu tình trạng bất bình đẳng thu nhập tồi tệ” (China is hiding how bad income inequality) viết: “Việc giữ kín dữ liệu xuất phát từ lợi ích của chính phủ [Trung Quốc], nhằm tránh thu hút sự chú ý đến một thực trạng mà ngày càng nhiều người Trung Quốc thấy bất bình.”

Tham nhũng: Khi tiền mặt được tính bằng tấn

Chỉ số Gini thực có thể còn cao hơn vì mức tổng thu nhập lớn của các quan chức cấp cao còn chưa được báo cáo. Ngụy Bằng Viễn, cựu giám đốc bộ phận than tại Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia, đã bị điều tra về tội tham nhũng vào tháng 5 năm 2014. Vì một lượng lớn tiền mặt được tìm thấy tại nơi ở của ông ta, các ngân hàng địa phương đã phải cung cấp 16 máy đếm tiền, trong đó 4 máy đã bị hỏng tại chỗ vì dùng quá nhiều. Cuối cùng, số tiền được xác định là 230 triệu nhân dân tệ (tương đương 33 triệu USD).

Lại Tiểu Dân, một giám đốc điều hành kinh doanh và là nhà kinh tế cao cấp, Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Quản lý Tài sản Hoa Dung Trung Quốc. Trong toàn bộ tài sản mà ông ta tích lũy nhờ tham nhũng và hối lộ, một số được cất giữ trong nhiều két sắt. Sau khi ông ta bị điều tra vào tháng 4 năm 2018, các quan chức đã tìm thấy 270 triệu nhân dân tệ (tương đương 39 triệu USD) tiền mặt tại nơi ở của ông ta, với tổng trọng lượng khoảng 3 tấn.

Ngoài các quan chức cấp cao, con cháu của các quan chức chính trị cấp cao — thường được gọi là vua con — cũng tích lũy được một lượng lớn tài sản, được gửi ở cả trong nước và nước ngoài. Deutsche Welle, một đài phát thanh công cộng của Đức, đưa tin vào tháng 4 năm 2012 rằng 2.900 công ty tư nhân Trung Quốc sở hữu khối tài sản khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 320 tỷ USD vào thời điểm đó). Họ kiểm soát nhiều ngành, đặc biệt là ngành tài chính, ngoại thương và bất động sản. Bản tin cho hay: “Trong số 3.220 người Trung Quốc có tài sản trên 100 triệu nhân dân tệ, chỉ có 288 người không phải là con cháu của các quan chức cấp cao.”


Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/22/409374.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/14/186337.html

(Theo Minh Hue Net)

Ngày đăng: 30-09-2020